Các Sở - Ban - Ngành

Hội đồng BTGPMB huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh bị tố có nhiều sai phạm

Đo vẽ, kiểm kê nhầm lẫn, thiếu diện tích, đền bù sai lệch công trình kiến trúc, chính sách cấp tái định cư chưa đúng theo quy định…, đó chỉ là một vài trong hàng loạt vấn đề mà người dân xã Kỳ Thượng tố cáo Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) hỗ trợ tái định cư huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Được biết, năm 2011, chính quyền triển khai thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng – hạng mục lòng hồ Rào Trổ. Trong quá trình đo đạc đất đai, áp giá đền bù Hội đồng BTGPMB huyện Kỳ Anh đã thiếu minh bạch trong công việc, dẫn đến nhiều sai phạm khiến các hộ dân ở thôn Phúc Thành 2, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh không được cấp tái định cư theo quy định. Điển hình như hộ Nguyễn Thị Xuyến; Phạm Văn Dũng; Phạm Thanh Tuấn; Nguyễn Thị Quyên; Nguyễn Văn Hiếu.

Đơn khiếu nại của người dân xã Kỳ Thượng

Để thực hiện đúng chủ trương của UBND tỉnh, nhằm kịp tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án thi công, Hội đồng BTPMB hỗ trợ TĐC huyện Kỳ Anh đã làm ẩu dẫn đến nhầm lẫn diện tích gây mất quyền lợi của người dân.

Chị Nguyễn Thị Xuyến ở thôn Phúc Thành 2, xã Kỳ Thượng cho biết: Năm 1994, chị lập gia đình và được bố ruột là ông Nguyễn Văn Trinh cắt cho 9031,3 m2 làm nhà và sản xuất.

Năm 2000, UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương thu hồi đất của địa phương để giao cho công ty Cao su phát triển kinh tế. Khi ấy, số diện tích trên của chị Xuyến đã không thuộc diện bị thu hồi và đã được ông Nguyễn Trung Tính – nguyên Chủ tịch, Bí thư xã Kỳ Thượng qua các thời kỳ 1996 đến 2013, cũng như người dân xung quanh, xác nhận là đất được sử dụng ổn định.Tuy nhiên, đến nay, chị lại không được hỗ trợ cấp tái định cư theo quy định, đất thì người khác nhận bồi thường.

Người dân tập trung tố cáo sai phạm của Hội đồng BTGPMB huyện Kỳ Anh

Cụ thể: Thửa đất 103 có diện tích 2360,8 m2 và thửa 104 có diện tích 2438,3 m2 cùng bản đồ số 8(đất trồng cầy hàng năm) – hai thửa đất này của chị Xuyến do người khác nhận tiền bồi thường. Ngoài ra, thửa đất trồng lúa 222 m2 của chị Xuyến, cũng lại do anh Phạm Dũng và anh Hoàng Thượng đứng tên nhận đền bù.

Diện tích 1516.4 m2 đất trồng cây hàng năm, ở tờ bản đồ số 8 thửa 114A nằm trong tổng diện tích 9031,3 m2  của chị Xuyến, chỉ đền bù  30% vì Hội đồng BTGPMB cho rằng số diện tích này vượt qua hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định.

Ngoài hộ chị Xuyến, còn lại các hộ gia đình anh Phạm Văn Dũng, Phạm Thanh Tuấn, Nguyễn Thị Quyên, Nguyễn Văn Hiếu, đất có giấy tờ mua bán, chuyển nhượng được giám đốc Công ty Cao su, ban cán sự thôn xác nhận, thế nhưng vẫn không được hưởng chế độ tái định cư theo quy định. Trong khi đó hồ sơ bồi thường thể hiện rõ nguồn ngốc đất được sử dụng ổn định trước khi UBND tỉnh giao cho công ty Cao su.

Khai hoang và làm ăn sinh sống hàng chục năm trên đất nhưng khi đền bù không được bố trí tái định cư, khiến người dân rơi vào cảnh không có đất ở, làm đơn kêu cứu gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Nhà cửa được xây dựng kiên cố ở hàng chục năm nhưng không được cấp đất tái định cư, người dân chưa được lo về nơi ở mới nên chưa di dời công trình bàn giao mặt bằng dự án thi công

Điều khiến dư luận bức xúc là tuy có phản hồi của người dân nhưng Hội đồng BTGPMB huyện không kiểm tra, rà soát khẩn trương mà gây khiếu nại kéo dài rất mất thời gian, tiền bạc, qua đó, làm chậm tiến độ một dự án lớn của tỉnh Hà Tĩnh cũng như cả nước.

Quang Toản – Đình Xuân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP