Dư luận gần đây vừa bức xúc, vừa tức cười khi có những tỉnh ra quyết định cử đoàn cán bộ đi nước ngoài công tác, thì thành phần lại có cả lái xe và người sắp về hưu, không liên quan hoặc liên quan ít tơí mục đích chính của việc đi nước ngoài là học “tập kinh nghiệm”. Học tập kinh nghiệm là cụm từ mù mờ về kết quả, nhưng lại là chiếc lá chắn an toàn cho các bộ, ngành, địa phương, trước búa rìu dư luận, cho dù ngân sách chi cho chuyến đi tốn kém bao nhiêu chăng nữa. Hội chứng “đi nước ngoài học tập kinh nghiệm” lại đang là một trong những nguyên nhân làm xói mòn ngân sách.
Cần rà soát kỹ đúng đối tượng đi học tập công tác nước ngoài. |
Cách đây hai năm, sau khi nghe Bộ Ngoại giao báo cáo mỗi năm Việt Nam có khoảng 3.200 đoàn đi nước ngoài, đến mức nước bạn còn phát sợ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc này, nhằm tránh lãng phí. Còn các đây một năm, khi mà tần suất đi nước ngoài vẫn nhiều như đi chợ, Thủ tướng sốt ruột tính toán, một đoàn chục người đi công tác nước ngoài có thể tốn kém tới 50.000 USD, tức tiền tỉ. Do vậy một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở các địa phương, bộ ngành, nước ta còn nghèo, khó khăn, nên phải tính toán rất kỹ.
Thực tế thì sao? Số lượng đoàn đi vẫn nhiều và có những quyết định cử đoàn đi công tác nước ngoài với thành phần chẳng giống ai. Đà Nẵng thì cử cả lái xe đi học tập kinh nghiệm xúc tiến thương mại và du lịch; Bình Phước thì cử đoàn vài chục người đi học tập kinh nghiệm làm sổ xố, trong đó có nhiều người sắp về hưu và cũng không làm trong công ty xổ số; hay như một tỉnh khác thì cử lãnh đạo công ty xổ số đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài về nước biển dâng… vân vân và vân vân.
Chắc thế giới sẽ kinh ngạc và không hiểu nổi làm sao ở VN lại có thể cử lái xe đi học tập xúc tiến thương mại, du lịch; hay cán bộ sổ xố lại học về kinh nghiệm ứng phó vơí biến đổi khí hậu.
Chưa hết, sự bất thường còn thể hiện ở việc, nhiều cán bộ sắp về hưu lại đi học tập kinh nghiệm nước ngoài. Chẳng phải học xong, về nước họ về hưu, thì việc cho đi học ấy là sự lãng phí? Chẳng phải đó là tư duy hoàng hôn nhiệm kỳ, cụm từ được nhắc đến nhiều gần đây, để hưởng lợi trước khi về hưu?.
Mỗi chuyến đi hết vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, nhân lên vơí mỗi năm có hơn 3.000 chuyến đi công tác nước ngoài, thì số tiền chi ra là hàng nghìn tỷ đồng. Vấn đề ở chỗ, không biết trong đó có bao nhiêu chuyến đi mang lại lợi ích thực sự cho địa phương, cho đất nước. Trong khi đó, còn biết bao nhiêu cảnh đời khó khăn, cực khổ; còn bao nhiêu những nơi thiếu trường học, bênh viện. Đừng đội lốt là đi nghiên cứu thị trường, học hỏi kinh nghiệm, để biến thành các chuyến du lịch bằng tiền ngân sách.
Chính những hoạt động chi tiêu không hiệu quả, lãng phí, là nguyên nhân gây xói mòn ngân sách. Chính sự lãng phí ngân sách kéo dài làm xói mòn lòng tìn của người dân. Ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn, cấp nào cũng nợ nần. Lối chi tiêu thiếu hiệu quả cần phải bị lên án và quy trách nhiệm cá nhân.
Việc đi công tác nước ngoài bừa bãi có trách nhiệm của người đứng đầu, vì họ là người ký phê duyệt quyết định; họ có tâm lý nể nang, nhiệm kỳ. Tiêu tiền thì dễ, kiếm ra tiền mơí khó. Do đó, biện pháp cần thiết trước mắt là Quốc hội, Chính phủ cần mạnh tay cắt giảm, kiểm soát chi phí hội họp, đi nước ngoài. Không có lý do gì những tỉnh nghèo, đóng góp cho ngân sách thì ít, chi tiêu từ ngân sách thì nhiều mà lại hội họp, đi nước ngoài nhiều. Trách nhiệm cá nhân phải được làm rõ trong những trường hợp như thế này. Tiếc rằng cùng với sự phân cấp tài chính cho các địa phương, bộ ngành, chúng ta thiếu quy định chặt chẽ cũng như sự giám sát của cơ quan tài chính.
Nợ công khá lớn, ngân sách nhiều nơi thì thâm hụt triền miên. Nếu tiếp tục bóc ngắn, cắn dài, chi tiêu lãng phí, đua nhau xây trụ sở, tượng đài, hoành tráng hoá các công trình, thì không ngân sách nào chịu nổi. Nợ nần ấy lại là gánh nặng càng thêm nặng cho người dân./.