Trung Quốc

Học giả TQ xuyên tạc phát biểu về Biển Đông của Tổng thư ký ASEAN

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 13 tháng 9 đăng bài bình luận “Lưu Phong: Tổng thư ký ASEAN không nên bênh vực một bên ở Biển Đông” của tác giả Lưu Phong, người được cho là học giả nghiên cứu vấn đề biển của Trung Quốc.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã nói rõ bản chất vấn đề Biển Đông cũng như hành vi của Trung Quốc, nhưng học giả Trung Quốc đã xuyên tạc để đánh lừa.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh: Chưa nước ASEAN nào kéo giàn khoan vào vùng biển thềm lục địa của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế.

Lưu Phong cho rằng: “Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh vừa trả lời phỏng vấn BBC về vấn đề Biển Đông, tập trung nói về các vấn đề như tình hình Biển Đông, sự kiện xung đột trên biển liên quan và quan hệ giữa các nước khu vực Biển Đông”.

Lưu Phong dùng luận điệu xuyên tạc lộ liễu khi cho rằng “Về bề ngoài xem ra là tuân thủ lập trường ‘trung lập, nhưng không lặng im’ của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, đại diện cho tổ chức ASEAN lên tiếng, thực ra không phải vậy. Ở mức độ rất lớn là ủng hộ lợi ích của các nước đòi hỏi chủ quyền của ASEAN mà đứng đầu là Việt Nam”.

Thứ nhất, ông Lê Lương Minh cho rằng, mặc dù năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), nhưng trong 12 năm qua Biển Đông vẫn xảy ra xung đột thường xuyên, vì vậy sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là rất quan trọng”.

Tiếp tục thứ luận điệu đó, viên học giả Lưu Phong cho rằng, trong 6 năm (từ năm 2002-2008), Biển Đông cơ bản trời yên biển lặng, các bên yêu sách sống yên ổn với nhau, vai trò tích cực của DOC rất rõ ràng. Sau đó, Lưu Phong chuyển sang hoàn toàn đổ lỗi cho Việt Nam và Philippines, rằng: “Nhưng, hiện nay, Biển Đông sở dĩ trở thành vùng biển nhiều sự cố mấu chốt là do các nước như Việt Nam, Philippiness liên tiếp gây sự, liên tục vi phạm DOC, hơn nữa dồn hết sức tạo cớ là COC có tác dụng, còn DOC vô dụng”.

Lưu Phong cho rằng, mấu chốt của vấn đề không phải ở chỗ xây dựng và đạt được thỏa thuận, mà ở chỗ thực hiện. Lưu Phong đặt câu hỏi: Không kiên trì thực hiện DOC thì làm thế nào bảo đảm COC tương lai sẽ không “trước chặt chẽ, sau lỏng lẻo”, thậm chí trở thành “nóng trong 3 phút”? nhưng viên học giả này cố tình quên béng đi mất những việc TQ đang rầm rộ tiến hành ở Biển Đông (như lấn biển, xây đảo) cũng như thực tế là TQ vừa dưa giàn khoan và phương tiện hộ tống xâm phạm thô bạo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khủng bố ngư dân Việt Nam.

Giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 Trung Quốc

Trên thực tế, cứ xem Trung Quốc tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà (yêu sách “đường lưỡi bò”), cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí và tự tay hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, bắn chìm tàu cá Việt Nam, ra sức khủng bố ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam, lấn biển và xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, liên tiếp tập trận răn đe vũ lực ở Biển Đông v.v… thì mới thấy chính Trung Quốc là kẻ luôn cố tình gây sự ở Biển Đông, từng bước đòi gặm nhấm Biển Đông, đe dọa chủ quyền biển đảo của các nước, đe dọa hòa bình ổn định khu vực, vi phạm trắng trợn DOC, ngăn cản đạt được COC.

Và trên thực tế, DOC mới là tuyên bố, cam kết, chưa phải là các quy định có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Rõ ràng, bất cứ hành vi nào trong xã hội, cộng đồng quốc tế đều chỉ có ràng buộc nhau về mặt pháp lý thì mới có thể thi hành, có chế tài, quy định rõ thì mới có thể thực hiện. Không thể chỉ có những tuyên bố, cam kết, không thể cứ mơ mơ hồ hồ để dễ bề “đục nước thả câu” được. Rõ ràng, vấn đề cấp bách hiện nay là đạt được COC để có các “quy phạm pháp luật” cụ thể ngăn chặn các hành động đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Thứ hai, Lưu Phong đổ lỗi cho Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh không nhắc đến cái gọi là “các hành động nguy hiểm của Việt Nam như mặc sức đâm va, quấy rối ở vùng biển Tây Sa”. Ở đây, “Tây Sa” mà Lưu Phong nói tới chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. “Các hành động nguy hiểm” của Việt Nam thực ra là Lưu Phong đã xuyên tạc sự thật, cả thế giới đều biết bản chất.

Trên thực tế, từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế. Chính Trung Quốc đã chủ động đâm, húc dã man tàu chấp pháp, đâm chìm tàu cá của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng DOC, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Còn Việt Nam chấp pháp hòa bình, kiên quyết và có hiệu quả. Việt Nam kiên quyết bảo vệ DOC, bảo vệ luật pháp quốc tế và bảo vệ văn minh nhân loại.

Theo báo chí Philippines và Trung Quốc: Trung Quốc lấn biển, xây đảo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Ông Lưu Phong cho là ông Lê Lương Minh còn tuyên bố “Trung Quốc đã xâm phạm quyền lợi biển của Việt Nam”. Theo ông Lê Lương Minh: Các nước ASEAN chưa từng kéo giàn khoan vào vùng biển thềm lục địa của Trung Quốc dựa theo luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Vì vậy, tranh chấp lần này hoàn toàn không chỉ là tranh chấp giữa Trung Quốc với một thành viên ASEAN nào đó, mà là tranh chấp giữa Trung Quốc với 4 nước thành viên ASEAN.

Với phát biểu của Tổng thư ký ASEAN, Lưu Phong xuyên tạc cho rằng, phát biểu này đã khuyến khích các nước ASEAN có chủ quyền ở Biển Đông “liên kết đối đầu” với Trung Quốc, thúc đẩy vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp và biến thành vấn đề của ASEAN. Lưu Phong cho rằng, trước đây, ông Lê Lương Minh còn công khai yêu cầu Trung Quốc rút khỏi “vùng biển Tây Sa” (Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), nên “lần này thái độ không có gì lạ”.

Lưu Phong xuyên tạc, đổ lỗi cho xuất thân của Tổng thư ký ASEAN, rằng ông Lê Lương Minh là người Việt Nam, từng làm Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nhưng thái độ của người đứng trên cương vị Tổng thư ký ASEAN rõ ràng “đã đi ngược lại lập trường trung lập của ASEAN, đơn phương thúc đẩy chủ trương của quốc gia cá biệt, làm tổn hại đến sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-ASEAN” (?).

Lưu Phong lại xuyên tạc lịch sử, đưa ra lý luận nực cười cho rằng, “quần đảo Tây Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, hoạt động liên quan của Trung Quốc hoàn toàn là việc trong phạm vi chủ quyền, không liên quan đến nước khác, được luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển bảo vệ” (?).

Lưu Phong còn cho rằng: “Điều cần đặc biệt chỉ ra là, hoạt động chống Trung Quốc ở Việt Nam là kết quả do Việt Nam dung túng, hoàn toàn không thể đánh đồng với hoạt động của Trung Quốc ở (cái gọi là)Tây Sa”.

Theo báo chí Philippines và Trung Quốc: Trung Quốc lấn biển, xây đảo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trên thực tế, Trung Quốc đã xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, xâm lược thêm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988… Hành động xâm lược của Trung Quốc sẽ không đem lại chủ quyền cho Trung Quốc, mà đó là hành vi xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc.

Công ước Liên hợp quốc không cho phép Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và trên trăm tàu (cả tàu chiến) và máy bay quân sự xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không cho phép Trung Quốc biến đá ngầm thành đảo rồi tuyên bố vùng đặc quyền 200 hải lý.

Nếu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, hơn nữa Trung Quốc lại là nước lớn, có ưu thế, nhưng sao lại không dám tham gia vụ kiện của Philippines liên quan đến vấn đề Biển Đông?

Thứ ba, Lưu Phong cho rằng, trong cuộc phỏng vấn, Tổng thư ký ASEAN đã mong muốn Indonesia phát huy vai trò lớn hơn trong tranh chấp Biển Đông, Lưu Phong gọi đây là “dụng ý không nói cũng rõ”. Theo Lưu Phong, Indonesia là quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, vị thế quan trọng, thậm chí gọi là “minh chủ” của ASEAN, ở mức độ rất lớn sẽ ảnh hưởng đến phương hướng lập trường tổng thể của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Nhưng, Lưu Phong cho rằng: “Giữa Trung Quốc và Indonesia có quan hệ song phương tốt đẹp, ổn định, sự đắn đo và cân bằng quan hệ phức tạp khu vực của Indonesia chắc chắn càng có xu hướng chín muồi và đúng chỗ, sẽ không dễ dàng bị chi phối bởi nhân tố bên ngoài”.

Lưu Phong cho rằng: “Vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, nhưng cũng là một trong những nhân tố quan trọng không thể né tránh ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-ASEAN, để thúc đẩy phát triển lành mạnh, ổn định quan hệ Trung Quốc-ASEAN, nhà lãnh đạo ASEAN cần có lời nói và hành động đặc biệt thận trọng trong vấn đề Biển Đông”.

Như vậy, Lưu Phong lại kiếm cớ đổ tội cho Tổng thư ký ASEAN khi ông nói ra bản chất của vấn đề Biển Đông, bản chất của sự kiện giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981. Rõ ràng là, các nước ASEAN chưa bao giờ kéo giàn khoan vào vùng biển thềm lục địa của Trung Quốc và Trung Quốc cũng đừng bao giờ kéo giàn khoan vào vùng biển chủ quyền của các nước ASEAN và đừng cậy ta đây khỏe hơn để xâm phạm chủ quyền của nước khác xung quanh Biển Đông.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP