Hoành Sơn Quan thu hút du khách. |
Trên đỉnh Đèo Ngang, nhìn về phía Bắc sẽ thấy vùng đất thuộc xã Kỳ Nam (Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), quay về phương Nam thì thu vào tầm mắt những nếp nhà của người dân xã Quảng Đông (Huyện Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình). Hoành Sơn Quan thuộc loại hình di tích lịch sử kiến trúc thành lũy như một chứng tích hùng hồn về những thăng trầm lịch sử, trở thành một địa danh có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử và danh thắng của đất nước Việt Nam.
Là một di tích lịch sử hiếm hoi còn tồn tại ở Việt Nam, Hoành Sơn Quan vẫn giữ được những nét cổ kính đậm chất truyền thống với những cửa ải bằng đá được xây dựng trên núi. Cổng cao hơn 4m, thành đăng dài hơn 30m xây dựng xung quanh cùng với 1.000 bậc ở hai phía núi thành.
Có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, dãy Hoàng Sơn đã lưu trữ rất nhiều vết hằn của chiến tranh cả trong thời cổ cận và hiện đại ở Việt Nam. Dẫu nhiều dấu vết chiến tranh nhưng Hoành Sơn Quan vẫn mang nét thơ mộng với cảnh sách thiên nhiên trong lành và dãy núi vẫn hiên ngang hùng vĩ. Đây chính là địa điểm phù hợp với những du khách vừa muốn ngắm cảnh đẹp, vừa muốn tìm hiểu về lịch sử nước nhà.
Giữa làn gió thu nhè nhẹ thổi, đứng trên đỉnh Đèo Ngang hùng vĩ ngắm nhìn Hoành Sơn Quan thoáng suy nghĩ về một thời chinh chiến, với những truyền thuyết đặc sắc trong dân gian để lại những địa danh lịch sử oai hùng của dân tộc.
Ở trên cổng Hoành Sơn Quan nơi những bậc đá rêu phong dường như vẫn còn đâu đó dấu chân của các bậc tiền nhân đã từng Nam Bắc trên đường thiên lý, và cả những bậc mặc khách tao nhân ghé qua, lưu lại hậu thế những câu sấm truyền, những vần thơ trữ tình lãng mạn nặng bước người qua.
Phóng tầm mắt nhìn về phía Tây, ngọn núi Đèo Ngang như một bức bình phong xanh ngắt, mây ngàn bồng bềnh trên không trung. Nếu có dịp đến đây sau khi thăm quan Hoành Sơn Quan du khách có thể xuôi về chân Đèo Ngang khoảng 4km là sẽ đến Đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh đặc biệt linh thiêng được đông đảo du khách thập phương viếng thăm.
Thời gian qua Di tích lịch sử văn hóa Hoành Sơn quan vừa được tu bổ hạng mục bậc thang lên xuống nối đường lớn hết khoảng 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Hà Tĩnh, giúp cho việc tham quan của du khách được thuận tiện hơn. Trước đây, các bậc lên xuống bằng đá, lối nhỏ, di chuyển khó khăn.
Tuy nhiên hiện nay Hoành Sơn quan đang xuống cấp và nguy cơ trở thành phế tích nếu không được được tu bổ, tôn tạo.Về mặt địa lý thì Hoành Sơn quan nằm trên địa giới quản lý hành chính của tỉnh Hà Tĩnh, thuộc địa phận xã Kỳ Nam (TX.Kỳ Anh) nhưng giáp ranh với tỉnh Quảng Bình.
Trăn trở với Hoành Sơn quan, nhiều chuyên gia về lịch sử và du khách thập phương cho rằng đến nay di tích này chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là thiếu sót của các cơ quan quản lý văn hóa. Việc "bỏ rơi" một di tích đặc biệt, tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng làm tổn thương di tích. Khi chưa được tu bổ, tôn tạo nhiều hơn thì công trình sẽ hoang phế, xuống cấp một di tích giá trị lịch sử, một địa danh thắng cảnh đẹp, có thể khai thác du lịch.
Tác giả: CÔNG HOAN - DUY LINH
Nguồn tin: daidoanket.vn