Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đề nghị loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Trao đổi về vấn đề nêu trên, hòa thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, cho biết: Trong Phật giáo hoàn toàn không có tục lệ đốt vàng mã, việc này không có trong giáo dục của đức Phật. Ngoài ra, việc dâng sao giải hạn, bói toán cũng tuyệt đối không phải của Phật giáo mà chỉ do phật tử ảnh hưởng từ bên ngoài.
Hoà thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Ảnh: Võ Thạnh |
Theo hòa thượng Thích Hải Ấn, việc có nhiều người bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu cho một lần đốt vàng mã là do không nhận thức rõ, không hiểu hết việc mình làm. "Đây là những việc của tà đạo, tà kiến, chúng tôi khuyên phật tử luôn luôn làm theo chính kiến, tức là làm theo chính đạo", hoà thượng nói.
Vị trụ trì chùa Từ Đàm cũng cho rằng, việc đốt vàng mã đã lên đến tiền tỷ ở nhiều nơi, do vậy chính quyền nên quan tâm, vận động tất cả người dân không nên đốt vàng mã, vừa tiết kiệm, chống lãng phí và góp phần giữ gìn môi trường.
"Trong xã hội còn rất nhiều người nghèo khó. Chúng ta nên vận động lấy số tiền đốt vàng mã đó sử dụng cho từ thiện sẽ hay và tốt đẹp hơn", hoà thượng đề xuất.
Tuy nhiên, theo hoà thượng Thích Hải Ấn, tục lệ đốt vàng mã đã có từ rất lâu, bởi vậy xóa bỏ ngay sẽ rất khó, "giống như con đường mình đã đi lâu ngày rồi, bây giờ ngăn lại sẽ khiến cho nhiều người thấy khó chịu". Hoà thượng cho rằng, đối với tục lệ đốt vàng mã thì cách tiếp cận khả thi là trước mắt làm sao để giảm bớt, "nghĩa là chỉ đốt nhỏ hoặc đốt tượng trưng, không đốt tràn lan như lâu nay, từ giảm dần đi đến chấm dứt".
"Bây giờ chấm dứt ngay thì sẽ có những người cảm thấy thiếu cái gì đó, làm ảnh hưởng không hay đến cuộc sống của họ", hoà thượng nói.
Vị trụ trì chùa Từ Đàm cũng chia sẻ: "Trước đây, người thân trong gia đình tôi có đốt vàng mã, vì vậy những lúc tôi về quê tham dự việc cúng, kỵ giỗ đã tranh thủ khuyên mọi người không nên". Đối với một số người còn coi đốt vàng mã là tục lệ, là truyền thống của gia đình, hoà thượng khuyên chỉ nên sử dụng những vàng mã nhỏ một cách tượng trưng.
Người dân đốt tiền vàng mã vào đêm 30 Tết Mậu Tuất tại phố Mã Mây (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Giang Huy. |
Về đề nghị nêu trên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, dịp lễ Tết, mùa vu lan hàng năm Giáo hội đều khuyến cáo không đốt vàng mã ở nơi thờ tự của Phật giáo. Trước Tết Mậu Tuất 2018, Giáo hội tiếp tục đăng tải lên trang điện tử với mục tiêu tuyên truyền mạnh hơn. Việc không đốt vàng mã sẽ được đưa vào các bài thuyết giảng, nghị lễ để các tăng ni, phật tử biết, thực hiện và qua đó lan tỏa toàn xã hội.
“Đốt vàng mã là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua, Giáo hội, Bộ Văn hóa khuyến cáo nhưng không thuyên giảm. Cần có sự chung tay của cộng đồng, các cấp chính quyền mới mong giảm được”, Thượng tọa Thiện nói và cho biết Luật tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ tháng 1/2018. Nếu nghị định hướng dẫn sắp ban hành có chế tài đối với hành vi đốt vàng mã không đúng, đây sẽ là biện pháp tốt, giúp giảm được tục lệ này.
Tác giả: Võ Thạnh
Nguồn tin: Báo VnExpress