Dư luận đang đặt sự quan tâm đặc biệt vào phiên tòa xét xử các bị cáo tại Công ty dược VN Pharma liên quan đến vụ nhập thuốc giả chữa ung thư.
Theo kết luận giám định của Bộ Y tế, lô thuốc H-Capita 500mg chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Quá trình điều tra, thuộc cấp của Nguyễn Minh Hùng - giám đốc công ty, đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ các bệnh viện mà VN Pharma cấp thuốc. Tổng cộng các hóa đơn này khoảng 7,5 tỷ đồng.
Nạn thuốc giả ngày càng trở nên nhức nhối trong các bệnh viện. |
Nhiều người, đặc biệt là những người từng có người thân bị ung thư, bày tỏ sự oán hận, phẫn nộ với những kẻ được gọi là doanh nhân kia đã làm những việc vô đạo đức để kiếm lời. Và họ cũng lên án những người khoác áo thầy thuốc đã làm những việc trái với y đức. Họ là những người đã từng phải chịu những mất mát to lớn, phải chứng kiến người thân chống trọi với bệnh tật, với các cơn đau giằng xé; gia đình họ khánh kiệt vì thuốc điều trị ung thư rất đắt… Nhiều người phải bán cả nhà cửa, tài sản để lấy tiền điều trị cho người thân. Nhưng kết cục họ lại được bác sĩ kê cho đơn thuốc giả.
Qua đây một lần nữa cho thấy, câu chuyện hoa hồng thuốc trong các bệnh viện, cho bác sĩ là vấn đề vô cùng nhức nhối. Vấn đề này đã được công luận đề cập nhưng dường như lãnh đạo ngành y tế đã "bó tay"?
“Móc túi bệnh nhân” là cụm từ không còn xa lạ ở nhiều bệnh viện. Bởi hiện nay, nhiều hạng mục máy móc, công trình trong các bệnh viện đều đã được xã hội hóa, trong đó có cổ phần của nhiều bác sĩ. Chính vì thế, nhiều bác sĩ đã không ngần ngại chỉ định cho bệnh nhân làm những kỹ thuật, xét nghiệm đắt tiền. Những hành vi này thông qua hệ thống giám định điện tử của Bảo hiểm xã hội đã phát hiện ra, đó là những sai sót trong thanh toán và chỉ định dịch vụ kỹ thuật tại các địa phương lên đến hàng chục tỷ đồng như: Áp giá sai chi phí phẫu thuật, chỉ định xét nghiệm không đúng, kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân một cách phi lý
Đây không phải lần đầu tiên ở nước ta phát hiện ra đường dây buôn bán, sử dụng thuốc giả. Bằng các thủ đoạn của cá nhân và có thể cả tổ chức mà thuốc giả đã vào được cả trong các bệnh viện công.
Bác sĩ "cứu người hay tiếp tay hại người" – ranh giới quá mong manh nếu không vượt qua được cám dỗ vật chất. Bộ Y tế cần chủ động làm sạch đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của mình bằng các chế tài nghiêm khắc; làm rõ đường đi của thuốc, giải quyết rốt ráo vấn đề hoa hồng trong các bệnh viện... để bảo vệ người bệnh cũng như uy tín của ngành y./.
Tác giả: Vũ Hạnh
Nguồn tin: Báo VOV