Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2017, 56 tỉnh đã chi vượt mức quỹ khám chữa bệnh trên 8.480 tỉ đồng. Các tỉnh có số chi vượt quỹ lớn là Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh.
Nguyên nhân chi vượt quỹ là do đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tăng và có tình trạng một số cơ sở khám chữa bệnh trục lợi BHYT. Cụ thể, nhiều cơ sở chỉ định vào điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày nằm viện quá mức cần thiết, nhiều trạm y tế tuyến xã, bệnh viện tuyến huyện chỉ định nằm viện từ 3 đến 5 ngày với các bệnh lý như viêm họng cấp, mụn, mẩn ngứa, viêm chân răng, vết thương nông phần mềm …
Cạnh đó, ngày điều trị bình quân tại các bệnh viện chuyên khoa Lao toàn quốc là 17,2 ngày, thì tại Tuyên Quang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, số ngày điều trị nhiều gấp 1,5 đến trên 2 lần. Ngày điều trị bình quân ở bệnh nhân lao phổi tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam, Lao và Bệnh phổi Sơn La, Lao và Bệnh phổi Tuyên Quang gấp 6 lần bệnh viện phổi Trung ương, chi bình quân gấp 1,5 đến 2 lần.
Ngoài ra, một số cơ sở khám chữa bệnh tách nhiều hồ sơ thanh toán trong một đợt điều trị ngoại trú để tính thêm tiền khám bệnh, tăng số lượt để giảm mức chi bình quân đồng thời người bệnh không phải cùng chi trả. Một số phòng khám đa khoa tiếp nhận hàng nghìn lượt khám bệnh mỗi ngày, có bác sĩ khám trên 100 bệnh nhân trong ngày, trong đó có những bệnh nhân khám, kê đơn trong vòng 1-3 phút.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng mặc dù đơn vị cung cấp các giải pháp kỹ thuật để các cơ sở khám chữa bệnh có thể quản lý thông tuyến, khai thác các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh từ lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, nhưng tình trạng chỉ định trùng lặp, chỉ định đồng loạt cận lâm sàng và đặc biệt là chỉ định quá mức cần thiết vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở y tế.
Tác giả: VIẾT LONG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM