Tin

Hô biến nguyên liệu Trung Quốc thành mì chính “xịn”

Hôm qua 12-1, các lực lượng chức năng CATP Hà Nội phối hợp cùng lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán và vận chuyển hàng giả, hàng lậu.

Các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý
Các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý

1 ngày, phát hiện 2 vụ làm mì chính giả

Sau một thời gian xác lập chuyên án đấu tranh, Đội Chống hàng giả, Phòng CSKT phối hợp với Phòng Bảo vệ chính trị 2, CATP Hà Nội đã khám phá đường dây sản xuất, tiêu thụ mì chính, bột giặt giả do Phạm Văn Lập (49 tuổi), trú tại Thanh Oai, Hà Nội cầm đầu. Theo cơ quan công an, thủ đoạn của Lập là nhập mua nguyên liệu mì chính, bột giặt có xuất xứ từ Trung Quốc, đặt mua vỏ bao bì mang tên một số nhãn hiệu nổi tiếng, sau đó đóng gói bao bì, đem tiêu thụ ở ngoại thành Hà Nội.

Khám xét chỗ ở của Phạm Văn Lập và các địa điểm đối tượng tiêu thụ hàng, lực lượng chức năng thu giữ hàng trăm gói mì chính, bột giặt giả các nhãn hiệu; 4.000 vỏ bao bì cùng hàng trăm vỏ, nắp chai nước mắm một thương hiệu lớn có dấu hiệu giả mạo. Ngày 12-1, Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội đã bắt khẩn cấp Phạm Văn Lập về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Cũng trong ngày 12-1, khoảng 9h50, tại đường Đặng Xá 2, Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, tổ công tác Phòng CSKT phát hiện nghi vấn, kiểm tra hành chính Nguyễn Huy Nguyệt (SN 1950), điều khiển xe máy vận chuyển 40 gói mì chính  giả. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyệt, cơ quan công an thu được thêm 162 gói mì chính giả; 25 kg nguyên liệu. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Huy Nguyệt khai nhận mua số nguyên liệu trên của một người không quen biết tại khu vực cầu Phù Đổng và mang về nhà tại xóm 8, thôn Vàng, xã Cổ Bi, Gia Lâm cất giấu.

Không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, hành vi làm giả mì chính của các đối tượng trên còn ảnh hưởng tiêu cực tới các các thương hiệu có tiếng và làm nhiễu loạn thị trường. Được biết, các đối tượng thường mang số mì chính giả về các vùng quê hoặc ngoại thành Hà Nội tiêu thụ. Việc Công an Hà Nội liên tiếp bắt giữ các ổ sản xuất hàng giả này đã ngăn chặn được số lượng lớn hàng giả ra thị trường, đặc biệt là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Để bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng nặng hình phạt đối với hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, đặc biệt là thực phẩm giả.

Hàng Trung Quốc gắn mác hàng hiệu

Cũng trong những ngày đầu năm 2016, Đội Chống hàng giả, Phòng CSKT đã đấu tranh, làm rõ việc buôn bán  keo chuyên dụng Titebond giả của đối tượng Nguyễn Thị Bích Hảo (43 tuổi), PGĐ Công ty TNHH thương mại tổng hợp Thống Hảo, ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, thu giữ gần 3.000 ống Titebond trị giá hơn 200 triệu đồng.

Tối 11-1, tiến hành kiểm tra kho bãi tại cảng Phà Đen, Hà Nội, tổ công tác Đội Chống buôn lậu phối hợp với Đội QLTT số 17, Chi cục QLTT Hà Nội đã phát hiện 2 ô tô tải BKS: 37C-12702 và 37C-12953 có biểu hiện vận chuyển hàng nhập lậu. Trên mỗi xe có khoảng 10 tấn hàng gồm nhiều chủng loại do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, các lái xe không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng, đồng thời khai nhận được thuê chở hàng từ Nghệ An về Hà Nội. Đáng chú ý qua kiểm đếm số hàng hóa, lực lượng chức năng còn phát hiện ngoài số quần áo nhãn mác in chữ Trung Quốc, còn có  nhiều kiện quần áo có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng như Burberry, Calvin Klein, Prada…

Ngày 12-1, Đội CSGT số 8, Phòng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 1A, phát hiện xe ô tô BKS: 35N-8435 có biểu hiện nghi vấn đã dừng xe để kiểm tra. Trên xe có nhiều thiết bị vệ sinh, phụ tùng ô tô, mỹ phẩm, vải, máy sấy tóc… Tại thời điểm kiểm tra, lái xe là Nguyễn Văn Hoàng (SN 1977, trú tại Yên Mô, Yên Phong, Ninh Bình) không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ số hàng.

Trong khi Đội CSGT số 8 lập biên bản bàn giao người, phương tiện cùng hàng hóa đến CAH Phú Xuyên để xử lý theo quy định, tổ công tác thuộc Đội Tuần tra dẫn đoàn phát hiện nghi vấn và kiểm tra xe ô tô tải BKS: 90A-00176 trên tuyến đê Phù Đổng – Yên Viên, Gia Lâm. Trên xe có 1 thùng carton đựng khoảng 12 kg pháo. Lái xe Nguyễn Chí Cường (SN 1986 ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng này. Tổ công tác đã lập biên bản bàn giao người, phương tiện và tang vật đến CQĐT.

Nhóm PV Nội chính

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP