TX Hồng Lĩnh

Hồng Lĩnh: Bán đấu giá đất tại khu TĐC tránh lũ (bài 3)

Cận cảnh những hộ mà chính quyền liệt vào diện cần “tái định cư khẩn cấp” tại p.Trung Lương, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), càng thấy nhiều bất cập của dự án này.

Các hộ dân ở vùng ngoài đê, thuộc khối 9, p.trung Lương đã xây nhà cửa kiên cố nhưng chính quyền liệt vào diện “phải di dời khẩn cấp”
Dân yên ổn, chính quyền nói “cần di dời khẩn cấp”
Phía ngoài đê La giang, phường Trung Lương có khoảng vài chục hộ sinh sống, trong đó, phía bên sông độ 22 hộ. Ông Nguyễn Ngọc Nam, khối 9, có mảnh đất bám đường QL1A 7 m, đã được cấp GCNQSD đất vào khoảng 2002-2003. Ông Nam đã làm nhà cấp 4 kiên cố để kinh doanh, nền được tôn cao lên. “Từ khi tôi đắp nền cao lên đến nay, nước chưa bao giờ vào nhà. Năm lụt to nhất nước cũng chỉ ngập đường chừng một đoạn”, ông Nam nói.
“Vừa qua đọc báo, tôi mới biết cũng nằm trong diện TĐC, nhưng chưa thấy cán bộ nào nói về chuyện này. Giả sử Nhà nước bắt buộc đi thì chúng tôi phải đi, còn chúng tôi không muốn. Ở đây nhà cửa kiên cố, đất của tôi bây giờ cũng hơn 600 – 700 triệu, không sợ lụt. Tôi cho rằng chính sách di dân đối với chúng tôi là không đúng”, ông Nam thẳng thắn.
Chúng tôi quan sát dọc dãy đất này tất cả các hộ đều đã đắp nền cao hơn mặt đường quốc lộ, đã làm nhà kiên cố, một số hộ cao tầng khang  trang. Việc di dời vì lí do thiên tai đối với những hộ dân này là vô lí.
Trong  tờ trình của TX Hồng Lĩnh và tỉnh Hà Tĩnh  đều có nhắc đến các hộ sống dọc sống dọc bờ sông Minh. Hộ ông Đậu Văn Hòa có 500 m2 đất, đã làm nhà cấp 4 kiên cố, mùa lụt to thì nước cũng có vào nhà, nhưng đây là tình trạng chung của cả làng. Ông Hòa có 2 trai 2 gái, trong đó có một con trai đã lập gia đình. Ông không có nguyện vọng đi ra khu TĐC. Vì dời ra, đất đai chật hẹp, không có tiền làm nhà. Ở chỗ hiện nay cũng không có gì nguy hiểm, đáng lo ngại. Ở đây từ trước đến nay không có sạt lở đất.
Những hộ dân dọc bờ sông Minh, P.Trung Lương đã sống chung bao nhiêu năm với mưa lụt, xóm làng ấm cúng, không có nhu cầu di dời.
Các hộ dọc bờ sông Minh này cũng đều xây dựng nhà cửa kiên cố, xóm làng thành dãy đông đúc, ấm cúng và đã ở đây yên ổn bao nhiêu năm. Nay nói chuyện di cư là điều người dân hết sức xa lạ. “Chỉ có nhà nước có dự án mở rộng sông Minh, thu hồi đất và đền bù thỏa đáng thì dân chúng tôi mới đi. Chúng tôi không ngại gì lụt cả, ai nói ở đây di cư vì lũ lụt là tầm bậy”, một người dân bức xúc.
Thực tế là vậy, nhưng trong tờ trình số 35 ngày 7/7/2011, UBND phường Trung Lương cho các hộ dân dọc đường 1A và bên bờ sông Minh chung “một rọ” với các hộ dân khối Tuần Cầu và cho rằng đây là những vùng “thường tạo ra nguy hiểm đe dọa đến tính mạng và tài sản”, và “bị lũ lụt làm xói lở bờ sông đe dọa đến cuộc sống và sinh hoạt”.
UBND TX Hồng Lĩnh trong tờ trình số 85 ngày 7/7/2011 cũng cho rằng các hộ nói trên “hàng năm mùa mưa bão đến nhân dân vùng này đều nằm trong vùng báo động cao”.
Những nội dung nói trên đều không đúng thực tế so với kết quả khảo sát thực địa của chúng tôi.

Nhà kiên cố trên đất hơn 500m2 của ông Đậu Văn Thuận, khối Tuần Cầu phải đập phá để di dời. “Nếu đất ngoài đê được cấp sổ đỏ, tôi sẽ ở lại nhà cũ”, ông Thuận nói.     
Ngay cả các hộ dân khối Tuần Cầu, dù ngoài đê, hàng năm bị ngập lụt, song người dân vẫn sống yên ổn, và hầu hết không có nguyện vọng di dời, nếu nhà nước có quy hoạch đất ở và cấp sổ đỏ cho họ. Những hộ dân này cũng không thuộc đối tượng di dời vì lí do thiên tai theo Quyết định 1776 của Thủ tướng CP.
Chính quyền o ép dân?             
Ông Đậu Văn Thuận, nhà cửa kiên cố, đất đai rộng rãi nhưng vì sợ không được cấp sổ đỏ nên đành phải làm đơn xin ra khu TĐC. Chính quyền yêu cầu ông phải đập phá nhà cũ, chặt dọn cây cối để trả lại đất.
“Tôi chống chọi đến 3 tháng, nhưng vì thiếu hiểu biết luật, bị ép nhiều quá nên mới dỡ nhà đi. Còn ở đây đang có đất của mẹ tôi, đã tách hộ độc lập. Bây giờ tôi ôm một cục nợ, cả mấy thế hệ nhét chung trong mảnh đất 170 m2”, ông Thuận ngậm ngùi.
“Hôm trước sau khi báo đăng, phường kêu tôi ra họp, hỏi tôi có kiện không, và nói đừng tin nhà báo. Nhưng tôi chỉ nói sự thật. Tôi hỏi phường tại sao khi giục dân làm thủ tục di dời thì nói mỗi hộ được cấp 200 m2, nay sao chỉ cấp cho tôi được 170 m2, thì không ai trả lời”, ông Thuận trần tình. “Nếu đất ngoài đê được cấp sổ đỏ, tôi sẽ ở chỗ cũ”, ông Thuận nói thêm.
Còn anh Nguyễn Văn Lệ, hộ lênh đênh trên sông nước thì nói: “Tại hôm họp với phường, cán bộ bắt tôi ghi là hộ ăn theo (của mẹ là bà Đậu Thị Thương-PV), nhưng tôi nói tôi là hộ độc lập, tách hộ từ 2003.

Hộ Nguyễn Văn Lệ, 6 nhân khẩu lênh đênh trên thuyền thì chính quyền cho là hộ “ăn theo” mẹ, không xét cấp đất.
Ông Quý, Phó Chủ tịch phường nói nếu chúng tôi không chịu đi, thì sau này sẽ bị cưỡng chế dỡ nhà, đất không có, nhà cũng không có. Hôm đó có nhiều người chứng kiến sự việc”.
Một điều đáng chú ý là trong nhiều cuộc họp bàn về di dời dân, không có mặt lãnh đạo, cán bộ UBND TX Hồng Lĩnh, chỉ có cán bộ Sở NN&PTNT và lãnh đạo phường. Bà Nguyễn Thị Bông, khối Tuần Cầu cho biết: “Tôi họp tất cả các buổi, thì đều không có mặt cán bộ thị xã. Ông Nam, cán bộ tỉnh đã phàn nàn về điều này”.
Kế hoạch, tiêu chuẩn, đối tượng di dời ra khu TĐC cũng do UBND phường Trung Lương đề ra.
Như vậy, UBND TX Hồng Lĩnh đã phó mặc cho phường trong việc xét, lập danh sách các hộ vào khu TĐC, cũng không khảo sát thực tế cuộc sống người dân ra sao, mà chỉ lập tờ trình và phê duyệt dự án, sau đó lại chấp thuận cho phường bán đất.
Chính quyền phường Trung Lương yêu cầu các hộ dân khi di dời phải dời dọn mặt bằng để bàn giao lại đất cho nhà nước, trong khi đó theo qui định của Luật Đất đai 2003, thì đất của các hộ này không thuộc đối tượng thu hồi.
Và theo thực tế vùng đất ngoài đê, không một doanh nghiệp nào lại chấp nhận rủi ro đầu tư dự án, trong khi đất trong đê còn nhiều.
Nhiều hộ đủ tiêu chuẩn vẫn không được cấp đất trong khi đó UBND phường Trung Lương lại ra thông báo bán đấu giá đất tại khu vực TĐC tránh lũ. Dư luận đang quan tâm ai là tác giả của ý tưởng “độc đáo” này?
Theo qui định của Quyết định 1776 ngày 21/11/2012 của Thủ tướng thì “Hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn nếu di chuyển nội vùng dự án mức hỗ trợ 20 triệu đồng hộ” (điểm c, khoản 2, điều 3). Thế nhưng trong đợt di dân đầu tiên (5 hộ), UBND TX Hồng Lĩnh chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ tiền di chuyển. Đến nay các hộ đã nhận được số tiền này, theo qui định của Thủ tướng còn thiếu 10 triệu đồng/hộ.
Trong Quyết định 1776 cũng nêu rõ trong giải pháp bố trí di dân phải có cơ chế về đất đai, phương án sản xuất, đào tạo nghề…Thế nhưng đến nay chỉ có kế hoạch di dời dân của UBND phường Trung Lương, trong đó không có các nội dung nói trên.
Người dân không biết khi vào vùng TĐC có được cấp đất sản xuất hay không, chuyển đổi việc làm như thế nào hay là chỉ được cấp mảnh đất đủ làm nhà là “chấm hết”.
                                                         (Còn nữa)
Quang Đại – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP