Tin Hà Tĩnh

Hệ thống phạt nguội trên QL1A ở Hà Tĩnh bị khiếu nại phạt oan: Bất hợp lý chuyện tài xế phải “chịu tội” thay máy móc

Như PLVN đã phản ánh trong các số báo trước, sự việc cùng một trường hợp bắn tốc độ, máy móc đưa ra các kết quả khác nhau, cho thấy một số điểm trong Đề án sử dụng hệ thống camera thông minh giám sát giao thông “phạt nguội” cũng như sử dụng thiết bị giám sát hành trình (GSHT) để quản lý phương tiện vận tải còn nhiều bất cập. Càng tìm hiểu sự việc, nhận thấy câu chuyện càng rối khi mỗi bên có lý lẽ lập luận riêng.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng Chính phủ cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ để tránh khiếu nại liên quan đến “phạt nguội”.

Chuyên gia Viện Đo lường giải thích

Ông Đoàn Anh Khoa, Phó trưởng phòng Điện từ trường, Viện Đo lường Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Thiết bị GSHT là thiết bị giám sát, sử dụng môi trường GPS thông dụng, có chức năng đo nhưng chức năng đo không chính xác.

Ở Việt Nam, thiết bị GSHT được Bộ Giao thông Vận tải cho lưu hành để giám sát hành trình các xe trên các tuyến, giá trị đo tốc độ không tức thời, sai số về vị trí tương đối lớn. Có thể tính được tốc độ trung bình trên quãng đường giúp các doanh nghiệp vận tải quản lý, nhắc nhở tài xế. Có những lúc thiết bị không thể ghi nhận được.

Ông Khoa cho rằng thiết bị này hay gây tranh cãi, ví dụ khi phương tiện xuống dốc có thể không ghi lại được giá trị đo tức thời. Thiết bị GSHT được hợp quy chứ chưa được kiểm định thường xuyên. Nếu sử dụng trong quân sự thì cần nhiều vệ tinh, máy thu phải hiện đại, điều kiện thời tiết lý tưởng thì mới cho kết quả chính xác. Thiết bị này không thuộc danh mục sản phẩm kiểm định thường xuyên.

Còn công tơ mét tùy thuộc vào vòng quay của lốp và cung cua, là thiết bị cơ khí được chế tạo theo nguyên tắc tốc độ công tơ mét lúc nào cũng lớn hơn tốc độ thật để mang tính chất cảnh báo. “Công tơ mét trên ô tô lúc nào cũng cao hơn tốc độ thật, Viện đã thử nghiệm rất nhiều”, ông Khoa nói.

Theo ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thực tế việc “phạt nguội” gặp nhiều khó khăn như tổ chức giao thông ở nước ta hỗn hợp, có nhiều đường giao nhau đồng mức nên khó khăn trong giám sát và phát hiện kịp thời thời gian người tham gia giao thông vi phạm. Khó khăn nữa là tình trạng sử dụng phương tiện đi mượn, xe ngoại tỉnh lưu thông tại Hà Nội, TP HCM nên rất khó khăn trong việc mời lên xử lý.
Mặc dù còn nhiều bất cập nhưng chúng ta cần chung tay bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết đảm bảo quyền lợi người dân vừa đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật.

Theo ông Khoa, các thiết bị đo tốc độ của lực lượng CSGT thuộc danh mục kiểm định thường xuyên, được đánh giá có độ chính xác cao. Tuy nhiên đó cũng là thiết bị điện tử nên không thể nói không có sai số. Trong môi trường kiểm định, thiết bị cho kết quả chính xác, nhưng trong môi trường thực tế có thể có sai số.

Trong trường hợp này, ông Khoa cho hay khó có thể phân xử. “Trường hợp chênh từ 1-5km/h có thể chấp nhận được nhưng sai số 20-30km/k cần xem xét lại. Mọi công dân có quyền khiếu nại. Trường hợp các bên tranh cãi có thể dùng nhiều thiết bị đo để đối chiếu, kiểm chứng”, ông Khoa gợi ý.

Phản bác ý kiến của ông Khoa cho rằng thiết bị GSHT không chính xác, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhấn mạnh thiết bị GSHT bắt buộc các phương tiện vận tải phải lắp theo quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Thiết bị có quy chuẩn Quốc gia chứ không phải quy định riêng của bộ, ngành nào.

“Ngành giao thông vận tải dựa vào dữ liệu của thiết bị GSHT để xác định phương tiện chạy đúng tuyến hay không. Thứ hai là dựa vào dữ liệu này để xử phạt lỗi vượt tốc độ. Thiết bị GSHT được lắp trên hai triệu xe. Thực tế chỉ các phương tiện tuyến cố định thì mới có tuyến, cần quản lý xem chạy đúng tuyến hay không. Còn xe taxi, xe tải chiếm số lượng lớn hoạt động không theo tuyến cố định. Và nhóm phương tiện này chủ yếu bị ngành giao thông xử phạt lỗi tốc độ dưa vào kết quả trên thiết bị GSHT. Do đó, phủ nhận kết quả tốc độ của thiết bị GSHT, theo tôi là vô lý”, ông Liên nói. Cũng theo ông Liên, nếu theo các ý kiến phân tích thì chưa thể biết thiết bị nào chuẩn, thiết bị nào sai, nhưng đã “đổ tội” lên đầu tài xế, bắt tài xế nộp phạt hành chính là áp đặt, vô lý.

Ông Uông Việt Dũng: “Nên nhắc nhở chứ chưa thể xử phạt”

PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vấn đề nêu trên. Trước tiên, theo ông Dũng, “đã là thiết bị điện tử, dẫu là công nghệ hiện đại nhất như chiếc điện thoại của hãng Apple thì thi thoảng vẫn có thể bị treo máy, sai lỗi”.

Liên quan đến thiết bị GSHT được Nhà nước sử dụng để quản lý vận tải, theo ông còn vướng mắc gì không?

- Thiết bị GSHT đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, quy định cụ thể trong nghị định, được Bộ GTVT hợp quy. Tuy nhiên, cơ chế để kiểm soát, giám sát thiết bị này cần phải có bộ phận chuyên trách thường xuyên theo dõi. Nhưng rất ít Sở GTVT có bộ phận chuyên trách này, chưa phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Việc giám sát còn liên quan đến hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông. Về phía cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế những mặt này.

Khi sử dụng thiết bị GSHT chúng ta đã xây dựng hệ thống quy chuẩn nhưng chưa có hệ thống quy chuẩn chi tiết kĩ thuật rõ ràng, chưa có quy định rõ ràng về việc sử dụng mà chỉ mới bắt buộc phải lắp đặt và đảm bảo thông suốt. Còn liên quan về mặt đo lường phải kiểm định, cần quy định thời gian kiểm định chất lượng kĩ thuật.

Mặt khác để thiết bị GSHT hoạt động phải dựa trên hạ tầng viễn thông, nhưng nền tảng viễn thông chúng ta chưa đảm bảo tính ổn định. Các tuyến vận tải hàng hóa, hành khách qua nhiều địa hình, sóng viễn thông chúng ta chưa thể đảm bảo quá trình truyền dữ liệu thông suốt nên ảnh hưởng đến tính chính xác. Vì thế, chúng ta mới sử dụng để giám sát đơn thuần, còn đưa vào để xử lý vi phạm rất khó khăn.

Trường hợp xung khắc kết quả giữa thiết bị GSHT và thiết bị đo tốc độ “phạt nguội” của CSGT, ông có ý kiến gì?

- Hiện Tổng cục Đường bộ thu thập thông tin truyền qua thiết bị GSHT rồi gửi đến các cơ quan chức năng xử phạt chủ yếu liên quan tới cấp phép, xe chạy sai luồng tuyến, dừng đỗ sai vị trí.

Việc chênh số liệu tốc độ theo tôi là do hạ tầng thông tin. Hiện hệ thống quản lý của cơ quan nhà nước chưa thực sự hoàn thiện. Vì vậy, tùy từng hành vi cụ thể, chứng minh được một cách rõ ràng thì xử phạt. Còn các lỗi mang tính chất đo lường thì nên xem xét.

Vì chưa có hệ thống đo lường tổng thể nên vẫn có những sai số nhất định. Người vi phạm trước hết chấp hành hướng dẫn của lực lượng CSGT, người dân thấy không thuyết phục, chứng minh được họ không vi phạm tốc độ thì có quyền khiếu nại. Có thể có những cơ quan trung gian có thể xử lý.

Thực tế nhiều tài xế, doanh nghiệp đem kết quả GSHT khiếu nại vi phạm nhưng không được chấp nhận?

- Đến nay chúng tôi chưa nhận được bất kì báo cáo thống kê nào về tình trạng khiếu nại kết quả “phạt nguội”. Tuy nhiên, theo tôi tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế.

Có nhiều cách xử lý tùy vào từng trường hợp cụ thể. Trường hợp này chủ xe chỉ nhắc nhở chứ chưa thể xử phạt lái xe. Chủ xe nếu chưa thuyết phục với quyết định xử phạt của CSGT thì có thể khiếu nại. Nguyên tắc xử phạt phải đảm bảo công bằng, khách quan.

Vậy theo ông giải pháp triệt để là gì để việc xử lý “phạt nguội” tránh những khiếu kiện?

- Theo tôi, cần giải pháp tổng thể từ cấp Chính phủ vì vấn đề này liên quan đến nhiều bộ ngành, phạm vi rộng. Chính phủ cần đưa ra những quy định tổng thể, đồng bộ giữa các cơ quan.

Xin cảm ơn ông!

Lực lượng cảnh sát giao thông và các cơ quan chức năng liên quan lý giải ra sao về sự việc? PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP