Tin trong nước

Hành trình vượt trạm của chiếc xe “khủng”

Ông Hoàng Anh phân trần: “Chúng tôi phải chạy vì hợp đồng vận chuyển đã ký gần một năm trước rồi, không làm khác được. Một năm trước tình hình vận tải khác, bây giờ khác. Vì hợp đồng này mà chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm, nếu không chạy thì phải bồi thường rất lớn. Mà xe thì toàn mua bằng tiền vay ngân hàng, tháng nào cũng đóng thuế, đóng lãi. Lúc ký hợp đồng, Nhà nước chưa siết xe siêu trường, siêu trọng. Giờ bị siết, bị làm gắt, bí quá mới làm vậy”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, đại diện Công ty vận tải Anh Phương (trụ sở ở P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM), cho biết chiếc xe đầu kéo của công ty ông chở máy biến áp “khủng” vượt qua hàng ngàn cây số là nhờ tài xế biết canh đường, lách đường.
Chiếc xe “siêu khủng” nằm ở bãi đậu xe Công ty TCC ở Bến Lức (Long An) – Ảnh: Sơn Lâm

Giấy phép lưu hành đặc biệt

* Xin ông cho biết cụ thể hợp đồng vận chuyển này là như thế nào?

– Tháng 8-2013, công ty chúng tôi có ký hợp đồng vận chuyển ba máy biến áp từ Bình Dương ra một nhà máy ở huyện Đông Anh (Hà Nội) sửa chữa. Sau khi sửa xong thì vận chuyển ngược về các trạm biến áp ở miền Nam. Lúc ký hợp đồng thì cơ quan chức năng chưa siết xe siêu trường, siêu trọng nên chỉ xin giấy phép lưu hành đặc biệt là chạy thôi. Giờ quy định mới ra, chúng tôi rơi vào thế kẹt. Không vận chuyển thì không được.

* Nhưng không thể vì ràng buộc hợp đồng mà bất chấp để chở quá tải cả trăm tấn?

– Mấy hôm nay báo chí đăng tin nói xe chúng tôi chở hàng “khủng” nặng 140 tấn. Nói như vậy là oan cho chúng tôi. Thực chất cái máy biến áp đã qua sử dụng đó chỉ nặng hơn 60 tấn thôi.

Giấy phép lưu hành đặc biệt của chúng tôi do Cục Quản lý đường bộ 4 cấp hẳn hoi. Theo đó, xe đầu kéo có tải trọng 14 tấn, rơmooc là 38 tấn, được chở 41,7 tấn. Chúng tôi chở hơn 60 tấn vì máy biến áp này thực tế chỉ còn khung máy, những chi tiết, thiết bị máy khác chúng tôi đã tháo rời đóng kiện vận chuyển riêng rồi. Do khung máy nguyên chiếc không thể tháo rời để hạ tải được nữa nên chúng tôi mới chở quá tải một chút. Nói chung cái gì tháo ra được để hạ tải thì chúng tôi đã tháo hết rồi. Làm gì mà máy nặng cả trăm tấn.

* Xe của ông chở máy này tới đâu?

– Xe chúng tôi xuất phát từ Hà Nội vào ngày 12-4. Hợp đồng ban đầu là chở vào đến Phan Thiết, nhưng do đối tác cần gấp để lắp cho trạm biến áp 110kV ở Cần Thơ nên chúng tôi phải giao về đó để họ kịp lắp đặt, đưa vào hoạt động nhân dịp lễ 30-4. Do gấp như vậy chúng tôi phải chở, không còn cách khác.

Canh đường, lách đường

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Ảnh: M.Luận

* Hiện xe này nằm ở huyện Bến Lức, Long An. Cơ quan chức năng tỉnh này nói chỉ cần xe lăn bánh là sẽ xử phạt ngay. Không lẽ ông cho nằm án binh bất động luôn ở đó?

– Bây giờ chuyện đã vỡ lở rồi. Đây lại là thiết bị chuyên dụng không thể hạ tải được nữa. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng tạo điều kiện cho tôi đưa máy này xuống cảng Bourbon ngay tại huyện Bến Lức để vận chuyển bằng đường thủy về Cần Thơ. Dù tốn kém và thiệt hại rất nặng nề nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận.

* Như ông nói, theo hợp đồng, ngoài chiếc máy biến áp trên thì vẫn còn hai cái nữa cần chuyển từ Hà Nội vào. Vậy đã được chuyển chưa? Nếu chưa thì ông sẽ xử lý như thế nào?

– Trong hai cái này có một cái đã được bốc lên xe chuẩn bị lăn bánh thì hay tin xe đi trước bị bắt ở Bình Thuận nên tôi đã cho dừng lại. Hợp đồng thì ký rồi nên giờ chúng tôi phải xin giấy phép, xin cơ quan chức năng tạo điều kiện để vận chuyển. Nếu không được chấp thuận thì tôi phải tìm phương án khác. Giờ tôi rối quá, cũng chưa nghĩ ra được cách gì tốt nhất.

* Bằng cách nào mà xe của ông lọt qua hàng loạt chốt tuần tra kiểm soát, các trạm cân từ Bắc vào Nam?

– Đi đường cũng gian nan, vất vả lắm. Làm nghề vận tải này trăm cái khổ mà không thể nói ra được. Để lọt qua được như vậy tài xế phải “canh me” những lúc công an, thanh tra giao thông nghỉ ngơi mới chạy. Nhận được tin báo có chốt tuần tra thì phải “ém” kỹ trong cây xăng, quán ăn. Giờ người ta ngủ, nghỉ thì mình chạy. Rồi phải đi đường vòng, đường tránh.

* Có ý kiến cho rằng tài xế của ông chung chi, “mua đường”. Có hay không?

– Chuyện này tài xế ngoài đường họ làm gì tôi không rõ. Tôi chỉ khoán công cho họ thôi. Nói chung họ phải cố làm sao giữ bằng lái của mình để kiếm cơm. Còn như tui nghĩ thì chạy trót lọt như vậy là tài xế họ biết canh đường, biết cách lách đường thôi.

MINH LUẬN thực hiện

Tài xế quậy trạm cân ở Bình Thuận:

Bộ trưởng Bộ Công an đôn đốc xử lý

Liên quan đến tình trạng lái xe chở quá tải “bài binh bố trận” vượt trạm cân ở Bình Thuận, trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết ngày 23-4 đã trực tiếp báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, đồng thời gọi điện trực tiếp cho bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận để chỉ đạo lực lượng tăng cường xử lý.

Về việc xe đầu kéo 51C-17899 chở máy biến thế nặng quá giấy phép lưu hành, ông Đặng Văn Chung – phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ VN) – cho biết qua xác minh, giấy phép lưu hành của chiếc xe siêu trường, siêu trọng này được Cục Quản lý đường bộ 4 cấp phép để chở xe máy thi công công trình như máy xúc, máy ủi… Theo giấy phép, xe có chiều dài 19m, rộng 3,31m, cao 4,2m, có tổng trọng tải là 41,57 tấn, trong đó đầu kéo 9,7 tấn, rơmooc 11,5 tấn và hàng hóa được chở 20,31 tấn. Thời hạn của giấy phép lưu hành từ ngày 17-4 đến 17-5-2014 và xe được đi trên một số tuyến đường gồm cả quốc lộ 1.

Theo ông Chung, nếu chiếc xe trên được cấp giấy phép lưu hành theo đúng hồ sơ mà chủ xe cung cấp thì đơn vị cấp phép không sai. Mà sai là chủ xe, tài xế không chở đúng hàng hóa theo đúng giấy phép được cấp. Điều nghi vấn là nếu với kết cấu của chiếc xe trên thì tải trọng cả xe lẫn hàng đến 41 tấn chưa quá tải, tại sao vẫn xin giấy phép lưu hành?

Với giải pháp để xe được tiếp tục chở hàng lưu hành, ông Chung cho biết phải xin giấy phép phù hợp với hàng. Nếu chở 100 tấn mà xe đảm bảo và tuyến đường đảm bảo xe đi được thì vẫn cấp phép. Còn chở quá so với giấy phép được cấp sẽ phải kiểm tra, xử phạt vì chở hàng không đúng giấy phép. “Tổng cục Đường bộ đang yêu cầu Cục Quản lý đường bộ 4 gửi hồ sơ cấp phép với chiếc xe trên để kiểm tra chính xác xem có chở đúng giấy phép không, vì sao xe 41,57 tấn lại chở đến 100 tấn?” – ông Chung cho biết.

Về tình trạng lái xe gây áp lực cho trạm cân Bình Thuận, ông Chung cho biết tuy triển khai muộn nhưng trạm cân này thực thi rất kiên quyết. Ngày 23-4, tại trạm cân này cũng giữ một xe chở hàng siêu trường, siêu trọng nhưng không có giấy phép lưu hành.

TUẤN PHÙNG

______________________

Xe chạy thoát đến gần cảng Bourbon

3g ngày 23-4, một người chạy xe ôm ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An) gọi điện báo cho Tuổi Trẻ biết chiếc xe “siêu khủng” đã nổ máy rời cây xăng Voi Lá, nơi xe đã đậu gần 24 giờ trước đó.

Sau khi rời cây xăng, xe chạy theo đường vào Khu công nghiệp Thuận Đạo và đi thẳng vào cổng Công ty cổ phần bêtông & xây dựng Thăng Long TCC (gọi tắt là TCC, ấp Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức). TCC cách cây xăng Voi Lá gần 3km. Người đàn ông chạy xe ôm này cho biết quá trình xe di chuyển không hề gặp bất cứ lực lượng chức năng nào.

Sau khi nhận được thông tin chiếc xe “siêu khủng” đã “biến mất” khỏi cây xăng Voi Lá, các cơ quan chức năng tỉnh Long An đã nháo nhào truy lùng chiếc xe này. Đến 7g, ông Phạm Văn Cảnh – giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An – cho biết đội tuần tra lưu động Thanh tra giao thông tỉnh Long An đã tìm thấy chiếc xe đậu trong khu bãi đậu xe của TCC. Đây là khu bãi nằm kế bên khu vực cảng Bourbon.

Giải thích về việc chiếc xe có thể di chuyển khoảng 3km từ cây xăng Voi Lá đến khu bãi TCC mà không gặp phải sự kiểm tra, kiểm soát nào của cơ quan chức năng, ông Cảnh cho biết: “Trước đó chúng tôi đã cho anh em đi tuần suốt đêm, nhưng đúng là vào khoảng 3g, anh em có đổi ca trực trong vòng khoảng nửa tiếng. Chiếc xe trên đã canh chừng vào thời điểm này để di chuyển đến địa điểm mới”. Ông Lại Văn Út – phó Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Long An – cho biết: “Lực lượng cảnh sát giao thông cũng có tổ tuần tra lưu động chạy tới chạy lui suốt đêm, nhưng có thể nó (chiếc xe siêu trường, siêu trọng – PV) canh chừng anh em mình để chạy thoát qua được”.

15g ngày 23-4, Phòng thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An kết hợp Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Long An thành lập đoàn công tác đã vào khu bãi TCC để ghi nhận vụ việc. Tại đây, chiếc xe đang nằm phía cuối bãi. Một số công nhân ở đây cho biết từ sáng, lúc mới vào làm họ đã thấy chiếc xe này có ở đây. Ông Phạm Văn Cảnh cho biết: “Không có ai nhận là tài xế hay phụ xe. Người quản lý bãi và bảo vệ cho biết chiếc xe này vào thuê bãi để đậu thì họ cho đậu như các xe bình thường khác, chứ cũng không biết tài xế đã đi đâu. Vì không thể gặp được đại diện của xe nên đoàn cũng không thể xử lý thêm. Phòng thanh tra giao thông sẽ kết hợp với Phòng cảnh sát giao thông tiếp tục túc trực 24/24 giờ, không cho chiếc xe ra khỏi khu bãi của TCC. Tránh trường hợp xe di chuyển như sáng sớm 23-4”.

SƠN LÂM

Hàng trên xe thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam

Ngày 23-4, ông Nguyễn Thành Duy, tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), xác nhận hàng trên chiếc xe giữ lại là máy biến áp công suất 63MVA của một đơn vị thuộc EVN SPC.

Cũng theo EVN SPC, máy biến áp trên được Công ty cổ phần thiết bị điện Đông Anh (Hà Nội) sản xuất. Trước đây máy biến áp đặt tại trạm Gò Đậu (tỉnh Bình Dương) nhưng xảy ra sự cố. Vì vậy, EVN SPC đã báo cho đơn vị sản xuất đưa về Hà Nội sửa chữa. Sau khi sửa chữa xong, do nhu cầu ở khu Gò Đậu không cần nữa nên EVN SPC yêu cầu nhà sản xuất đưa về Khu công nghiệp Cần Thơ để phục vụ công tác phát triển phụ tải cho khu vực này. Một cán bộ EVN SPC cho rằng do bị tạm giữ một thời gian ở Bình Thuận và bị “soi” quá kỹ nên máy biến áp trên về Cần Thơ chậm hơn dự kiến. Tuy vậy, cán bộ này khẳng định không ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển hệ thống điện tại Khu công nghiệp Cần Thơ vì đã có các giải pháp thay thế.

Q.KHẢI

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP