Tin Hà Tĩnh

Hành trình vươn mình của Hà Tĩnh – tỉnh ‘đặc biệt’ ở Bắc Trung Bộ

Hơn 30 năm hậu chia tách tỉnh, Hà Tĩnh chuyển mình mạnh mẽ, trở thành cửa ngõ hành lang kinh tế Đông – Tây và trung tâm công nghiệp miền Trung.

Hơn 3 thập kỷ vươn mình hậu chia tách địa giới

Dự thảo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh của Bộ Nội vụ mới công bố xác định chỉ có 11 tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh, không thuộc diện sáp nhập. Điều này không chỉ thể hiện vị trí chiến lược của tỉnh mà còn là sự công nhận đối với năng lực phát triển độc lập và bền vững của Hà Tĩnh.

Trên thực tế, Hà Tĩnh cũng đã trải qua những lần sáp nhập địa giới với Nghệ An. Sau khi tái lập tỉnh vào năm 1991, địa phương này đã có những bước phát triển ngoạn mục, đời sống người dân được nâng cao.

Cảng Vũng Áng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Hà Tĩnh


Từ năm 1991 đến 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Tĩnh duy trì mức tăng trưởng bình quân gần 10% mỗi năm. Đặc biệt, giai đoạn 2011–2015 đạt đỉnh tăng trưởng 16,55% nhờ các dự án công nghiệp lớn như Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, với công nghiệp – xây dựng trở thành động lực tăng trưởng chủ lực.

Hà Tĩnh hiện là một trong 8 tỉnh thành có đầy đủ 5 cơ quan nhà nước ở khu vực, bao gồm: Thuế; Ngân hàng nhà nước; Hải quan; Kho bạc nhà nước; Bảo hiểm xã hội.

Những năm đầu tái lập, Hà Tĩnh đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 12,9%/năm giai đoạn 1991–1995, nhờ chính sách giao đất nông nghiệp và khai thác tiềm năng du lịch biển. Tới giai đoạn 2001–2005, công nghiệp – xây dựng tiếp tục tăng trưởng mạnh (20,32%/năm). Mặc dù giai đoạn 2016–2020 tốc độ tăng trưởng giảm còn 5,5%/năm do sự cố môi trường và đại dịch COVID-19, nhưng vẫn là mức khá trong bối cảnh chung nhiều khó khăn.

Tính đến năm 2024, GRDP theo giá hiện hành ước đạt 113.000 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với năm 2023. GRDP tăng 7,48%, xếp thứ 31 toàn quốc, thứ 4 khu vực Bắc Trung Bộ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: công nghiệp – xây dựng chiếm 41,9%, dịch vụ 44,7%, nông nghiệp còn 13,4%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 ước đạt 57.106 tỷ đồng, tăng 10,84% so với năm trước, đạt 116% kế hoạch. Trong đó, đầu tư công chiếm hơn 41%, tập trung vào các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, đường dây 500kV mạch 3, các khu công nghiệp và năng lượng. Giải ngân đầu tư công đạt 108% kế hoạch Thủ tướng giao, đưa Hà Tĩnh vào nhóm dẫn đầu cả nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 18.133 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 10.149 tỷ đồng (vượt 119% dự toán), thu xuất nhập khẩu đạt 7.712 tỷ đồng. Chi ngân sách đạt 26.145 tỷ đồng, với 44,74% dành cho đầu tư phát triển, phản ánh định hướng ưu tiên hạ tầng và các dự án tạo động lực tăng trưởng.

Những dự án lớn giúp Hà Tĩnh ‘lột xác’

Một bước ngoặt lớn trong quá trình công nghiệp hóa của Hà Tĩnh chính là dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, có vốn đầu tư hơn 12,8 tỷ USD. Dự án không chỉ đóng góp lớn cho ngân sách địa phương mà còn tạo hàng ngàn việc làm, thúc đẩy phát triển cả vùng.

Năm 2024, Hà Tĩnh thu hút đầu tư khá hiệu quả với 21 dự án mới được chấp thuận chủ trương, tổng vốn hơn 17.500 tỷ đồng – gấp 5,3 lần so với năm trước. Tính đến cuối 2024, Hà Tĩnh có gần 1.550 dự án với tổng vốn đăng ký 530.000 tỷ đồng, tăng 20% về vốn so với đầu nhiệm kỳ.

Những năm gần đây, tỉnh thu hút thêm hàng loạt dự án FDI quy mô lớn như: Nhà máy sản xuất pin Lithium VinES – Gotion (275 triệu USD); KCN Bắc Thạch Hà – VSIP (64,8 triệu USD); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II (2,2 tỷ USD); KCN Vinhomes Vũng Áng – Hà Tĩnh (hơn 500 triệu USD); Nhà máy ô tô điện VinFast (300 triệu USD).

Ngoài ra, các nhà đầu tư quốc tế cũng đang đổ về Hà Tĩnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo: Banpu Power (Thái Lan) đầu tư 23,9 triệu USD vào điện mặt trời; Rosatom (Nga) đề xuất phát triển điện gió; Gotion (Trung Quốc) nghiên cứu sản xuất thiết bị lưu trữ điện tại Vũng Áng. Những dự án này cho thấy sức hấp dẫn đầu tư của tỉnh trong xu hướng phát triển xanh và bền vững.

'Đại dự án' Formosa với tổng vốn đầu tư hơn 12,8 tỷ USD, dự án FDI lớn nhất tại Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh


Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 191 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu kinh tế và khu công nghiệp. Riêng Khu kinh tế Vũng Áng có 148 dự án, bao gồm 55 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD, 93 dự án trong nước với vốn 64.128 tỷ đồng. Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có 28 dự án; KCN Gia Lách có 14 dự án; KCN Bắc Thạch Hà có tổng vốn đầu tư trên 1.555 tỷ đồng.

Hà Tĩnh: Vị trí quan trọng của hành lang kinh tế Đông – Tây

Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) là tuyến giao thương quan trọng kết nối Myanmar – Thái Lan – Lào – Việt Nam. Hà Tĩnh đóng vai trò là cửa ngõ ra biển Đông cho Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan nhờ hệ thống cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu trọng tải tới 70.000 DWT.

Tỉnh còn là đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống quốc lộ 8A, quốc lộ 12C, đường sắt Bắc – Nam và cao tốc Bắc – Nam, kết nối thuận lợi với cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Chính vì vậy, Hà Tĩnh được định hướng trở thành trung tâm logistics và công nghiệp chế biến, chế tạo của khu vực.

Một trong những dự án hạ tầng liên kết nổi bật dự kiến triển khai trong tương lai gần, là đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng dài 554,7 km, tổng vốn đầu tư 149.550 tỷ đồng (6,3 tỷ USD), theo hình thức PPP. Tuyến đường sắt sử dụng khổ ray 1.435 mm, vận tốc 150 km/h, khi hoàn thành sẽ mở rộng khả năng trung chuyển hàng hóa quốc tế qua cảng Vũng Áng, tăng kết nối giữa Việt Nam – Lào – Thái Lan.

Hà Tĩnh có vị trí chiến lược trên hành lang kinh tế Đông - Tây


Đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới logistics là CTCP Cảng Quốc tế Lào – Việt (VLP), đơn vị hiện đang quản lý cảng Vũng Áng và cảng Xuân Hải với năng lực khai thác 6–8 triệu tấn hàng/năm. Doanh nghiệp thành lập từ năm 2009, ban đầu mang tên CTCP Cảng Hà Tĩnh, đến năm 2017 đổi tên như hiện tại. VLP là đầu mối quan trọng phục vụ hàng hóa quá cảnh cho Lào và giao thương khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng.

Từ một tỉnh nghèo, Hà Tĩnh đang vươn mình mạnh mẽ trở thành cực tăng trưởng mới của Bắc Trung Bộ, hội tụ đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xanh, logistics quốc tế và hội nhập sâu với khu vực ASEAN.

Tác giả: Cao Thái

Nguồn tin: kinhtechungkhoan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP