Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và 1 năm thực hiện cuộc vận động người Hà Tĩnh ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong tỉnh, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và tạo được chuyển biến mới về nhận thức trong cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, tầng lớp nhân dân.
Việc triển khai chính sách ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh đã tạo điều kiện cho chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng lên với mẫu mã, kiểu dáng đa dạng; nhận thức và thói quen của người tiêu dùng hàng Việt đã có nhiều thay đổi; sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn, các trung tâm thương mại tăng nhanh; tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của một bộ phận lớn người dân. Qua khảo sát, có trên 70% người tiêu dùng mua sắm hàng hóa có xuất xứ sản xuất trong nước, trong tỉnh.
Hàng sản xuất trong nước và trên địa bàn Hà Tĩnh đã từng bước khẳng định thương hiệu, tạo thế đứng trong lòng người tiêu dùng. |
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND Võ Kim Cự cho rằng, sau 5 năm thực hiện, các cuộc vận động bước đầu đã làm thay đổi nếp nghĩ và hành động của người tiêu dùng trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt. Hàng sản xuất tại Hà Tĩnh đã tạo được thương hiệu, chất lượng, có thế đứng trong lòng người tiêu dùng và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách cho tỉnh.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, xử lý vi phạm… được tăng cường, bước đầu đã hạn chế đáng kể việc sản xuất, kinh doanh hành nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những hạn chế trong việc thông tin, quảng bá thương hiệu; đồng thời yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa; coi việc tuyên truyền vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người Hà Tĩnh ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất tại Hà Tĩnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với ngành, địa phương tổ chức tập huấn các nội dung theo từng chuyên đề; hướng dẫn các cơ chế chính sách liên quan đến hai cuộc vận động. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng tuyên truyền rộng rãi 2 cuộc vận động này…
Các ban, ngành, đoàn thể, hội nghề nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, vào cuộc quyết liệt; tăng cường phối hợp, siết chặt công tác QLTT, kiểm tra, xử lý hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là ở thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa…; tổ chức lại hệ thống chợ, hệ thống bán buôn, bán lẻ và kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng hàng hóa tại các hệ thống này, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng….
Chính Thu