Cuộc sống số

Hàng nghìn thuê bao di động bị nghe lén, giám sát

Chỉ trong một thời gian ngắn, đoàn thanh tra liên ngành giữa Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Phòng CS PCTP sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động mua bán, cài đặt phần mềm gián điệp, theo dõi, giám sát điện thoại trái phép.

Hàng nghìn thuê bao di động trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.

Phần mềm theo dõi điện thoại quảng cáo tràn lan trên mạng
Phần mềm theo dõi điện thoại quảng cáo tràn lan trên mạng

Chiếm quyền điều khiển điện thoại

Ngày 13-5-2014, đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra tại Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (sau đây gọi là Công ty Việt Hồng), địa chỉ tại tầng 4, toà nhà 110 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Công ty này hoạt động có giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở KH-ĐT Hà Nội cấp ngày 2-6-2010.

Qua quá trình kiểm tra, đoàn thanh tra đã phát hiện Công ty Việt Hồng có kinh doanh phần mềm ptracker. Người sử dụng ptracker có thể xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc thoại, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật (tắt) 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát. Ngoài ra, người sử dụng còn có thể ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài ptracker bằng tin nhắn tới điện thoại này.

Đáng chú ý, toàn bộ dữ liệu lấy được từ điện thoại bị giám sát, sau đó sẽ gửi về máy chủ của Công ty Việt Hồng. Nhân viên kỹ thuật của công ty hoàn toàn có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó mà không cần tới tài khoản, mật khẩu của người đã mua phần mềm ptracker. Những dữ liệu này được lưu lại và tải lên máy chủ chỉ sau đó 3-5 phút.

Dù khách hàng có mua phần mềm hay không, ngay từ khi cài bản dùng thử, điện thoại bị cài phần mềm ptracker đã chính thức bị chiếm quyền điều khiển, toàn bộ dữ liệu sẽ bị lấy và gửi lên máy chủ. Nếu khách hàng nộp tiền thì công ty Việt Hồng sẽ cấp tài khoản để khách hàng xem, khai thác nội dung dữ liệu trên máy chủ. Phó Giám đốc Công ty Việt Hồng Nguyễn Mạnh Hùng phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh phần mềm ptracker.

Đại tá Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng CS PCTP sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) cho biết, số lượng tài khoản đã từng bị cài phầm mềm giám sát ptracker là khoảng 14.140 tài khoản. Trong đó, 7.447 tài khoản chưa bị xóa dữ liệu trong máy chủ của Công ty Việt Hồng; 670 tài khoản vẫn đang còn trong thời gian giám sát.

Cũng trong ngày này, lực lượng liên ngành đã kiểm tra hành chính đột xuất đối với đối tượng Lê Viết Tám (SN 1973, hiện đang ở số 2309, H2, chung cư Bắc Hà, Tố Hữu, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) khi Tám đang thực hiện hành vi giao dịch mua bán, cài đặt phần mềm giám sát Mspy. Xuất phát từ nhu cầu của bản thân muốn theo dõi vợ, Tám đã nảy sinh ý định và thực hiện kinh doanh phần mềm Mspy trên mạng. Lực lượng chức năng kiểm tra tài khoản admin.mspy.biz của Tám đã xác định có 877 tài khoản người dùng mspy, trong đó có 741 người dùng ở chế độ đang hoạt động.

Các đối tượng kinh doanh phần mềm giám sát trên đã thu lợi hàng trăm triệu đồng. Nhưng nguy hiểm hơn là thông tin cá nhân của hàng nghìn khách hàng sử dụng điện thoại di động đã bị đánh cắp, có thể được sử dụng vào mục đích xấu.

Xử lý nghiêm

Ở vụ việc Công ty Việt Hồng, theo kết luận của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, việc Công ty Việt Hồng lập trình, cài đặt và phát tán phần mềm Ptracker để thực hiện thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại và lưu giữ tại máy chủ đã vi phạm Khoản 2 Điều 71 – Luật Công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, việc ngăn chặn khả năng của người dùng điện thoại xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng ptracker của Việt Hồng cũng vi phạm Khoản 4 Điều 71 – Luật Công nghệ thông tin; hành vi chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số vi phạm Khoản 5 Điều 71 – Luật Công nghệ thông tin; hành vi làm mất an toàn, bí mật thông tin của người sử dụng điện thoại vi phạm Điểm đ, Khoản 2 Điều 72 – Luật Công nghệ thông tin.

Ngoài ra, việc Công ty Việt Hồng quảng cáo trên trang web dịch vụ “theo dõi đối tượng,” là dịch vụ cấm kinh doanh (sử dụng bất hợp pháp thông tin riêng, quy định cấm tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 72/2003/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet trên mạng), vi phạm Khoản 1, Điều 8 – Luật Quảng cáo. Vụ việc hiện đã được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự.

Đối với vụ việc của Lê Viết Tám, hành vi của Tám đã vi phạm điều 224 – Bộ luật Hình sự, “Tội phát tán virus, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số”…

Theo Đại tá Lê Hồng Sơn, tình hình tội phạm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp. Phần mềm gián điệp, theo dõi điện thoại di động ngày càng được lập trình một cách tinh vi hơn, có khả năng lấy cắp được nhiều thông tin từ thuê bao di động hơn mà người dùng không hề hay biết. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý còn nhiều vướng mắc. Một là việc cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp rất chung chung. Hai là công tác quản lý thông tin thuê bao trả trước vẫn chưa khắc phục được tính thiếu chính xác. Ba là các đối tượng mua phần mềm, lén lút theo dõi người khác phần lớn là do người thân quen với nhau nên việc đấu tranh, xử lý khó khăn. Mặc dù vậy, hành vi vi phạm pháp luật này vẫn được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Theo Hà Linh
An ninh thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP