Tin Hà Tĩnh

Hàng chục hộ dân ở Hà Tĩnh đứng ngồi không yên vì nguy cơ núi Chai sạt lở

58 hộ dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh chưa thể an tâm vì nguy cơ núi Chai sạt lở vẫn hiện hữu.

Khu vực sạt lở ở núi Chai, thôn 6, xã Cẩm Lĩnh


Chiều 5/11, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực chân núi Chai (thuộc thôn 6, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), từ xa đã thấy một mảng núi khổng lồ bị sạt lở, chạy dọc từ trên đỉnh xuống ruộng lúa của người dân. Toàn bộ cây cối, đất đá bị sạt xuống để lại lớp đất đỏ giữa khoảng rừng xanh.

Đến gần chân núi, cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt chúng tôi. Hàng triệu khối đất từ trên đỉnh núi sạt xuống, lấp hoàn toàn hàng ngàn mét vuông ruộng lúa của người dân. Cùng với đất là rất nhiều khối đá, có khối ước chừng nặng gần chục tấn từ trên núi lăn xuống, nằm ngổn ngang.

Nước từ trên núi theo các khe vẫn ào ào chảy xuống, tạo thành từng dòng xói lở, đem đến một cảm giác ớn lạnh, bất an.

Chỉ tay lên vệt núi nham nhở đất đá vừa sạt xuống, ông Lê Ngọc Hường (SN 1964, ở thôn 6, xã Cẩm Lĩnh) cho hay, do mưa lớn kéo dài nên khoảng 15h chiều 18/10, một lượng đất đá rất lớn từ trên đỉnh núi Chai sạt xuống cánh đồng lúa của người dân.

“Nhà tôi có 3 sào lúa thì đến 1,8 sào ở khu vực sạt lở, bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Trước đây, khu vực này làm lúa 2 vụ nhưng giờ thì không thể trồng lúa được vì đất từ trên núi sạt xuống vùi lấp quá dày”, ông Hường nói.

Dù đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng ông Lê Ngọc Thủy (50 tuổi, trú thôn 6, xã Cẩm Lĩnh) vẫn nhớ như in thời khắc đất đá từ trên đồi sạt xuống vùi lấp hoàn toàn 2 ao cá, 1,5 mẫu đất 2 lúa và đất trồng cây của gia đình. Ông vẫn thầm cảm ơn trời phật vì hôm đó 5 người (gồm ông, vợ, con và 2 cháu nhỏ) trong nhà đã may mắn thoát chết.

Vụ sạt lở đã "xóa sạch" 6ha đất rừng, 5ha đất trồng lúa 2 vụ của người dân Cẩm Lĩnh

Ông Thủy nhớ lại: "Mấy ngày hôm đó trời mưa xối xả, nước từ trên núi chảy xuống mạnh cuốn theo nhiều đất đá. Khoảng 15h chiều 18/10, tôi cùng vợ, con và hai cháu nhỏ bảo nhau ăn sớm để sơ tán khỏi trang trại về nhà con trai út cách đó không xa. Cả nhà đang ăn cơm thì nghe một tiếng nổ như bom, nhà rung lắc như động đất".

"Mọi người quăng bát đũa chạy ra ngoài thì thấy một phần ngọn núi Chai sạt xuống lấp toàn bộ 2 ao cá, 1,5 mẫu đất ruộng 2 lúa và vườn, làm chết rất nhiều gà, vịt... May sao hôm đó đất, đá không sạt vào chỗ cả nhà đang ăn cơm, không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Người thì không sao nhưng thiệt hại về cá, gà, vịt... lên đến khoảng 45 triệu đồng", ông Thủy cho hay.

Bên cạnh gia đình ông Hường và ông Thủy, vụ sạt lở chiều 18/10 ở núi Chai đã “xóa trắng” 6ha đất rừng và 5ha đất ruộng sản xuất của người dân. Ngoài ra, hàng trăm mét kênh mương nội đồng cũng bị san phẳng khiến việc quay trở lại khôi phục sản xuất của người dân đang rất khó khăn.

Những tảng đá khổng lồ từ trên núi Chai sạt xuống đồng lúa của người dân

Bên cạnh núi Chai, ở núi Bục (thôn 3, xã Cẩm Lĩnh) cũng có rất nhiều điểm sạt lở. Theo thống kê của người dân, có đến 10 điểm sạt lở từ trên núi Bục xuống dọc tuyến đường quốc phòng ven biển đi từ xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên đến xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh.

"Tuyến đường này người dân đi lại rất nhiều, nhưng giờ đi ngang qua đây ai cũng sợ đất đá sạt xuống, nhiều người thậm chí không dám qua lại vào ban đêm", một người dân lo lắng.

Điều đặc biệt lo ngại là cả 2 khu vực này vẫn đang tiếp tục có nguy cơ sạt lở tiếp. "Từ trước đến nay, núi Chai cũng có sạt lở đất đá nhưng khối lượng rất ít và chưa khi nào tràn xuống ruộng, trang trại của người dân. Đây là lần đầu tiên sạt lở với khối lượng lớn như vậy và hiện nước từ trên núi vẫn chảy xuống rất mạnh, nguy cơ sạt lở tiếp vẫn thường trực", ông Lê Ngọc Hường cho biết.

Theo thống kê của xã Cẩm Lĩnh, toàn xã hiện có 58 hộ gia đình nằm tại các vùng có nguy cơ lở núi, trong đó 7 hộ đã làm nhà ở và 51 hộ xây dựng trang trại.

Ông Nguyễn Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên cho biết: Trước mắt, chính quyền địa phương đang tiếp tục cảnh báo, ngăn cấm người dân không qua lại tại các vị trí nguy hiểm. Bên cạnh đó, đề xuất với các ban, ngành nhanh chóng có các giải pháp kịp thời giúp người dân sinh sống ở khu vực nguy cơ sạt lở cao di dời đến địa điểm an toàn hơn và có phương án khôi phục sản xuất.

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP