Pháp luật

Hàng chục biệt thự của cựu tử tù Liên Khui Thìn 'bốc hơi' như thế nào?

Ngày 22/1, nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết Cơ quan điều tra Bộ Công an đang làm rõ vụ 'bốc hơi' một cách khó hiểu hàng chục biệt thự ở TPHCM vốn là tài sản của các công ty con do cựu tử tù Liên Khui Thìn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Epco (Công ty Epco) bỏ vốn thành lập, trong đó có nhiều căn đã được kê biên để thi hành án.

Cựu tử tù Liên Khui Thìn

Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST vụ Epco – Minh Phụng, ông Liên Khui Thìn chiếm đoạt tiền vay Ngân hàng để đưa vào các công ty con, trong đó Công ty TNHH TM Hồng Long (Công ty HL) là nơi chiếm giữ nhiều tài sản nhất.

Công ty HL được ông Liên Khui Thìn thành lập vào ngày 18/3/1995 với số vốn pháp định là 4 tỷ đồng, trong đó ông Thìn góp 3 tỷ đồng (chiếm 75% cổ phần) và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT). Phần vốn còn lại (1 tỷ đồng, chiếm 25%) do ông Đ.H.C, Giám đốc Công ty HL đóng góp.

Sau 1 năm hoạt động, tài sản của Công ty HL đã có 12 danh mục với hơn 20 đơn vị tài sản, gồm nhiều bất động sản và 2 dự án bất động sản. Một trong 2 dự án bất động sản đó là Dự án khu biệt thự cao cấp tại 23 Trường Sơn (Quận Tân Bình) nằm ngay cửa ngõ ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Dự án Khu biệt thự cao cấp tại 23 Trường Sơn có tổng diện tích 10.347 m2 với quy mô 24 căn biệt thự được Công ty HL mua lại từ Công ty Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình với giá 69.950.790.000 đồng (đơn giá 6.760.000 đồng/m2) theo hợp đồng mua bán số 22/HĐ96 ngày 23/9/1996.

Tại thời điểm này, Công ty HL đã sở hữu 7 căn biệt thự khác tại Lô C, cư xá Lạc Long Quân (phường 5, quận 11) và 5 căn biệt thự tại Khu biệt thự cao cấp phường Thảo Điền (quận 2), gồm 1078-A09; 1078-A10; 1078-A11; 1078-A12 và 1078-A16.

Giấy đề nghị Ngân hàng cho vay vốn của ông Đ.H.C, giám đốc công ty Epco

Đến khi vụ Epco – Minh Phụng nổ ra, nhân lúc ông Liên Khui Thìn liên tục bị triệu tập để làm rõ vụ án, trong các ngày 8/11/1996 và 19/11/1996, Giám đốc công ty HL Đ.H.C đã thế chấp toàn bộ 7 căn biệt thự tại lô C Cư xá Lạc Long Quân và 5 căn biệt thự tại phường Thảo Điền cho Ngân hàng Công Thương chi nhánh 12 để vay 28,5 tỷ đồng với danh nghĩa đầu tư vào hạ tầng của dự án Khu biệt thự cao cấp 23 Trường Sơn.

Cả hai hồ sơ thế chấp đều không có biên bản họp HĐQT, không có sự đồng ý của ông Liên Khui Thìn và không được công chứng của cơ quan chức năng (theo đề nghị của ông Đ.H.C).

Đến ngày 23/7/1997 (sau khi ông Liên Khui Thìn bị bắt giam), ông Đ.H.C tiếp tục đem tài sản của Công ty HL là căn nhà số 161 Ký Con (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) thế chấp cho ngân hàng trên để vay 1,4 tỷ đồng. Hợp đồng này cũng không được công chứng.

Tại hồ sơ vay vốn gửi cho Ngân hàng, ông Đ.H.C cam kết với giá bán biệt thự của dự án là 10 triệu đồng/m2, sau khi đóng thuế, thu hồi vốn, Công ty HL sẽ trả cả nợ gốc và lãi vay. Tuy nhiên, Ngân hàng đã không giám sát đầu tư, để cho ông Đ.H.C bán hết 24 căn biệt thự mà không thu hồi số nợ vay và tiền lãi (khoảng 30 tỷ đồng).

Sau đó, với lý do... doanh nghiệp không trả được nợ, hai bên nhất trí bán tài sản đang thế chấp là 13 biệt thự và căn nhà mặt tiền trên đường Ký Con để thu hồi nợ. Việc bán các tài sản trên không có ý kiến của ông Liên Khui Thìn là cổ đông lớn nhất trong Công ty HL.

Đáng nói hơn, cả 5 căn biệt thự tại Khu biệt thự cao cấp Thảo Điền (quận 2) đã được Cục Thi hành án TPHCM (nay là Cục Thi hành án Dân sự TPHCM) ngăn chặn theo văn bản số 1783/THA ngày 16/6/2005 nhưng sau đó vẫn được bán trót lọt.

5 căn biệt thự cao cấp của Công ty HL ở phường Thảo Điền (quận 2 cũ) đã được kê biên để đảm bảo thi hành án nhưng sau đó vẫn được bán trót lọt

Từ một thương vụ đầu tư có lãi (theo hợp đồng vay vốn thì sau khi trừ các chi phí, Công ty HL sẽ thu lãi trên 13 tỷ đồng), trong thời gian cựu tử tù Liên Khui Thìn đang thụ án tù, dự án đất vàng gồm 24 căn biệt thự cùng với 13 căn biệt thự, nhà phố khác của Công ty HL đã bị “bốc hơi", trong đó căn nhà trên đường Ký Con lọt vào tay bà Đ.V.H là người thân của ông Đ.H.C.

Từ một doanh nghiệp hàng đầu của TPHCM về xuất khẩu nông hải sản trước năm 1997, do nhiều tài sản có giá trị bị chiếm đoạt, tẩu tán nên đến thời điểm này cựu tử tù Liên Khui Thìn vẫn còn chịu khoản nợ thi hành án khổng lồ.

Theo Công văn số 3145/CTHADS ngày 20/12/2019 của Cục Thi hành án Dân sự TPHCM thì ông Liên Khui Thìn dù đã thi hành án được hơn 570 tỷ đồng và đang còn nợ 705 tỷ đồng cùng hơn 6 triệu USD.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an vừa có quyết định khởi tố vụ án hình sự số 25/QĐ-CSKT-P10 để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty Epco (TPHCM) và một số đơn vị liên quan.

Tác giả: Huy Thịnh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP