Cổ phiếu MSN của Công ty CP Tập đoàn MaSan vừa kết thúc phiên giao dịch 25/2 rất thuận lợi với mức tăng 2.800 đồng tương ứng 3,2% lên 91.200 đồng; thanh khoản tốt, đạt xấp xỉ 1,14 triệu cổ phiếu.
Cùng với đó, TCB của ngân hàng Techcombank cũng giữ được đà tăng của phiên cuối tuần trước, nhích nhẹ 0,2% lên 27.750 đồng/cổ phiếu; thanh khoản đạt 3,85 triệu đơn vị.
Ở mức giá này của MSN và TCB, tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank đạt 23.645 tỷ đồng và của ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn MaSan là 23.263 tỷ đồng.
Các con số này được tính toán dựa trên số cổ phần mà ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang gián tiếp sở hữu tại tập đoàn MaSan thông qua cổ phần tại Công ty CP Masan và Công TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương.
Forbes đã chuẩn bị dần hồ sơ về hai tỷ phú USD mới của Việt Nam |
Một thông tin đáng chú ý là trước thời điểm công bố cập nhật danh sách xếp hạng định kỳ những người giàu nhất thế giới năm 2019 và tháng 3 tới, tạp chí Forbes đã “rục rịch” chuẩn bị thông tin liên quan tới 2 doanh nhân người Việt là ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh.
Tuy chưa cập nhật số tài sản cụ thể song những thông tin cá nhân và hoạt động kinh doanh của hai vị doanh nhân đã bắt đầu được tạp chí này đề cập. Cụ thể, cả hai ông đều là doanh nhân tự thân và làm giàu từ ngành hàng tiêu dùng, ngân hàng.
Có một điểm khá thú vị là nếu được ghi danh trong kỳ xếp hạng tháng 3/2019, Việt Nam sẽ có thêm 2 tỷ phú USD “khởi nghiệp từ Đông Âu” bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Được biết, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh thành công với lĩnh vực mì gói và tương ớt tại thị trường Nga. Sau khi về nước, 2 doanh nhân này khởi đầu với Masan Food và đầu tư vào ngân hàng Techcombank, sau đó đưa Techcombank trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong khối ngân hàng tư nhân còn MaSan Group là một tập đoàn đa ngành và rất thành công tại ngành hàng tiêu dùng.
Ở thời điểm hiện tại, theo thống kê của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng xếp thứ 196 thế giới với 7,8 tỷ USD; bà Nguyễn Thị Phương Thảo xếp thứ 1051 với 2,3 tỷ USD và ông Trần Bá Dương xếp thứ 1350 với 1,7 tỷ USD.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số vẫn đạt được đà tăng tích cực. VN-Index tăng 5,52 điểm tương ứng 0,56% lên 994,43 điểm và HNX-Index tăng 0,79 điểm tương ứng 0,74% lên 107,61 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các cổ phiếu tăng giá. Có tới 349 mã tăng, 44 mã tăng trần so với 261 mã giảm và 23 mã giảm sàn trên toàn thị trường.
Đáng chú ý, thanh khoản trong phiên này đạt cao với 227,74 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX tương ứng 5.214,09 tỷ đồng và 33,52 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 499,45 tỷ đồng.
Phiên này, VCB và VNM là những mã có tác động mạnh nhất đến VN-Index với việc đóng góp lần lượt 1,58 điểm và 1,43 điểm cho chỉ số chính. MSN, HPG, VJC, NVL cũng là những mã có diễn biến tích cực và ảnh hưởng đến VN-Index.
Chiều ngược lại, VHM, VRE, VIC, BVH, STB… giảm giá và phần nào kìm hãm đà tăng của chỉ số. Chỉ riêng VHM đã khiến VN-Index bị kéo lùi 1,12 điểm.
Theo nhận xét của VDSC, xu hướng tăng tiếp tục phát triển, với sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như dòng tiền của khối ngoại. Các nhịp điều chỉnh chỉ diễn ra rất nhanh trong phiên. Sự phân hóa là rất rõ ràng khi dòng tiền không có sự lan tỏa rộng rãi mà chỉ tập trung vào một số cổ phiếu nhất định.
VDSC dự báo, xung quanh ngưỡng kháng cự 1000 điểm của VN-Index có thể sẽ có rung lắc mạnh, do vậy nhà đầu tư hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đã tăng nóng.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí