Quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vừa đưa vào sử dụng. |
Miền đất còn vọng mãi lời nói của Tổng Bí thư Trần Phú, mang dáng dấp một lời hịch cứu nước: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”; còn vang vọng mãi lời dặn của người anh hùng thiếu niên Lý Tự Trọng “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng!”. Miền đất có con sông La, cái tên hiền đến lạ lùng, dòng sông xanh đến lạ lùng; đến cái ngã ba sông cũng nghe như tên một bài thơ “Bến Tam Soa”. Miền đất có ngã ba huyền thoại là pháo đài bất tử suốt mấy ngàn ngày đêm bão lửa, mấy ngàn ngày đêm đỏ máu và hoa. Miền đất của những con người quả cảm, cần lao suốt mấy trăm năm mang nỗi niềm biên ải quốc gia Đại Việt, là hậu phương – tiền tuyến trực tiếp trong cuộc hành trình mấy trăm năm “mang gươm đi mở cõi”, trong gần nửa thế kỷ cầm súng không ngưng nghỉ, trên tuyến đầu chống lại máy bay, tàu chiến hiện đại bậc nhất thế giới của đạo quân xâm lăng cường bạo nhất thế kỷ XX, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của cha ông…!
Nhà văn Đào Thắng, nguyên phóng viên Báo Quân khu Bốn, từng là chiến sĩ pháo cao xạ, kể rằng: Những năm làm lính trận, anh cùng trung đoàn pháo phòng không 233 của mình được ăn nhiều cái Tết với người Hà Tĩnh. Là người con xứ Bắc, anh hoàn toàn bất ngờ khi nhận ra người Hà Tĩnh đón Tết dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh, trên bàn thờ tổ tiên vẫn có sắc thắm nồng nàn của hoa đào và những chiếc bánh chưng, bánh dày, mang triết lý “trời tròn đất vuông” từ thưở Vua Hùng. Anh hết sức ngạc nhiên thấy đa phần trên bàn thờ Tết của người vùng đất miền Tây Hương Khê, Kỳ Anh vẫn hiện hữu những đòn bánh tét và những đĩa bánh dày như Tết người phương Nam, mang đậm triết lý phồn thực dân gian, triết lý của những người đi mở đất. Tất cả trộn lẫn, giao hòa cùng nhau làm nên sắc màu của Tết người Hà Tĩnh!
Nhắc đến những cái Tết Hà Tĩnh, anh bạn nhà văn họ Đào nói với tôi rằng, mỗi độ xuân về anh lại nhớ đến khắc khoải cái Tết đầu tiên đời lính của mình bên chân núi Hồng Lĩnh, khi đơn vị anh được giao bảo vệ phà Bến Thủy. Bàn thờ Tết được kết bằng mấy hòm đạn pháo cao xạ, đặt trước cửa hầm. Thời chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đất nước khó khăn, hương, trầm chẳng có đã đành, trên bàn thờ Tết chỉ vẻn vẹn vài chiếc bánh chưng đồng bào huyện Nghi Xuân ủng hộ bộ đội. Mấy o dân quân xã Xuân An đi đến nghiêng ngó một lúc rồi chép miệng kéo nhau đi. Non trưa, mấy o trở về trên vai mỗi người là một cành đào đang nở hoa hồng hào như màu nắng. Các o du kích líu ríu nói với các anh: “Tết nhất thì phải có hoa đào trên bàn thờ mới là Tết. Đây là loài hoa của mùa xuân đó mấy anh!” Nhìn các o dân quân vai khoác súng, hông đeo lựu đạn, quỳ mê mẩn bên những cành đào mà màu hồng của nó cứ như những đám mây ấm áp giữa giá rét, sương gió; làm những người lính pháo không sao phân biệt được đâu là sắc hồng của hoa đào, đâu là sắc hồng trên gương mặt thiếu nữ của các o. Giữa tiếng máy bay gào rú trên đầu và tiếng pháo, bom chát chúa, các anh càng cảm phục tâm hồn, khí phách người Hà Tĩnh.
Những năm đất nước gồng mình đánh giặc, Hà Tĩnh là vùng đất tuyến đầu. Cũng như người lính chúng tôi, người Hà Tĩnh dù bận đánh giặc vẫn cùng nhau đón Tết, dù đơn sơ mà ấm áp xiết bao. Người Hà Tĩnh giản dị trong cách sống, cách nói năng, ăn mặc, giản dị cả trong cách đón Tết. Tất nhiên trên bàn thờ Tết vẫn có hoa trái, bánh chưng, bánh tét. Và hoa thì không thể thiếu. Nhưng cũng giản dị như người, những cành hoa đào được người Hà Tĩnh đốn từ vườn nhà, từ núi rừng mang về cắm trang trọng trên bàn thờ Tết. Thời là phóng viên Báo Quân khu Bốn, một lần ra đảo Sơn Dương, tôi đã từng ngẩn ngơ thán phục nhìn những cành đào, được người dân Hà Tĩnh nâng niu, gìn giữ qua biết bao sóng gió, bom đạn bời bời, vẫn nguyên vẹn từng cánh hoa, từng chồi biếc, mang cái Tết, mang mùa xuân trọn vẹn ra với người lính đảo. Trong những chuyến đi của mình về với vùng đất này, tôi đã không ít lần cúi đầu trước những cây đào nơi ngã ba Đồng Lộc dù bị bom, pháo chặt gãy thân cành vẫn kiên gan nhú lộc, đâm chồi, đơm hoa cùng người Hà Tĩnh đón Tết, đón xuân…
Nhiều năm nay, cuộc sống người dân ngày càng đi lên, ngày càng khởi sắc trong công cuộc đổi mới, trong công cuộc “xây dựng nông thôn mới”. Trên bàn thờ Tết của mọi nhà, những cây mai, cây đào được chăm chút, uốn lượn, tỉa tót đủ vẻ, đủ dáng đã thay thế những cành đào, cành mai đốn từ vườn nhà, từ rừng xanh, từ nguyên sơ, minh chứng cho sự sung túc, đủ đầy. Mai vàng phương Nam đã sánh vai cùng đào thắm đất Bắc trong phòng khách người Hà Tĩnh. Có thấy những bông mai vàng nồng nàn, quý phái quấn quýt bên sắc hồng e ấp, kiêu sa của hoa đào, mới thấy mùa xuân Hà Tĩnh mình sao mà đằm thắm, sao mà trọn vẹn…
* *
Xuân này, tôi như đứa con xa được trở về quê nhà. Thật ngỡ ngàng, sau suốt những năm mưa dồn, bão dập mà màu xanh mùa xuân vẫn ngời ngợi khắp những vùng quê chúng tôi qua. Chúng tôi đã đi trên Quốc lộ 1A mới được xây dựng – đoạn từ cầu Bến Thủy 2 đến thành phố Hà Tĩnh. Hai bên, những con đường chỉ cách đây vài năm, có con đường chỉ mới năm ngoái còn lầy lội hay ngập trong bụi cát, nay đã láng nhựa, đổ bê tông phẳng phiu, như những cánh tay vươn ôm lấy những làng quê đang “xây dựng nông thôn mới”. Trên đường, những đàn em khăn quàng đỏ thắm trên vai, tung tăng cắp sách tới trường. Trên đồng, những chiếc máy cày hối hả, cần mẫn cày bừa kịp cho mùa cấy đông – xuân. Những hàng cột điện cao thế, hạ thế sừng sững, thẳng tắp, chân cột choãi rộng, trông như bước chân của những người khổng lồ đang sải những bước dài, vững chãi bước đi sắp xếp lại cuộc đời…!
Nguyễn Xuân Diệu