"Núp bóng" xe hợp đồng, xe dù hoạt động công khai...
Theo quy định, doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách phải đăng ký "lốt" và vào bến đón, trả khách. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng xe khách né bến rồi tự lập điểm đón, trả khách trên đường vẫn diễn ra một cách công khai tại Hà Tĩnh. Tình trạng này gây mất trật tự an toàn giao thông và khó khăn cho công tác quản lý vận tải.
Theo khảo sát của PV, tại các huyện, thị và TP Hà Tĩnh, tình trạng các nhà xe "né" bến để đón khách dọc đường rất nhiều.
Cụ thể, vào tối các ngày 6 và 7/1/2019, trên Quốc lộ 1A ngay tại trung tâm thành phố Hà Tĩnh, PV ghi nhận có khá nhiều xe khách đón, trả khách tại các điểm tự do.
Một điểm đón, trả khách của nhà xe Hiếu Trung tại TP Hà Tĩnh. |
Tại tuyến đường Trần Phú (TP Hà Tĩnh), có 2 điểm đón, trả khách tự mở của các nhà xe Hiếu Trung và nhà xe Dũng Thu cùng chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội và ngược lại.
Và khu vực Trường cao đẳng Y (cũ) ở TP Hà Tĩnh cũng ghi nhận nhà xe Sơn Mỹ chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội bắt khách dọc đường.
Cũng trong tối 6/1, tại thị xã Hồng Lĩnh, PV ghi nhận tại điểm bán vé của nhà xe Thái Học, tình trạng các xe chạy tuyến đường dài đều dừng tại đây để bốc dỡ hàng hóa và đón, trả khách.
Thêm một điểm đón, trả khách của nhà xe Dũng Thu tại TP Hà Tĩnh |
Tại thị xã Kỳ Anh, tình trạng các nhà xe tự mở điểm để đón, trả khách cũng khá nhiều. Đơn cử như trên tuyến đường 12C, nhà xe Giang Anh chạy tuyến Hà Nội - Kỳ Anh cũng mở điểm bán vé và đón, trả khách không phải tại bến xe mà là tại điểm giao dịch tự mở.
Điều dễ dàng nhận thấy, việc xe khách tổ chức đón, trả khách dọc đường hoặc lập ra các điểm đón, trả khách tự do đã khiến các bến xe được đầu tư hàng chục đến vài trăm tỉ đồng lại khá vắng vẻ.
Được đầu tư xấp xỉ 100 tỉ đồng theo hình thức xã hội hóa nhưng bến xe Hà Tĩnh luôn trong tình trạng vắng như chợ chiều. |
Mặc dù bến xe Hà Tĩnh (do Công ty CP bến xe Hà Tĩnh quản lý) vừa được xây mới với vốn đầu tư xấp xỉ 100 tỷ đồng nhưng đang rơi vào tình cảnh rất vắng vẻ. Lý do được BQL bến xe đưa ra là tình trạng xe chở khách núp bóng xe hợp đồng nở rộ, cùng với vấn nạn xe dù ngang nhiên hoạt động đón, trả khách tự do mà không vào bến chính.
Theo ông Bùi Phan Lương - Phó phụ trách bến xe Hà Tĩnh, hiện tại có khoảng 115 xe tuyến cố định đăng ký hoạt động trong bến, nhưng chỉ có khoảng 65 đến 85 xe vào bến đón, trả khách, tuy nhiên con số này còn tùy thuộc vào từng thời điểm. So với số tiền bỏ ra đầu tư xây bến, thì con số trên rất nhỏ.
Nhà xe Trần Anh có "lốt" tại bến xe Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh) nhưng thường "vớt" khách trên Quốc lộ 1A, đoạn quan TX Kỳ Anh. |
Ông Lương thẳng thắn: "Chuyện xe dù chạy ngoài không vào bến không chỉ gây thất thu thuế cho Nhà nước mà quyền lợi của hành khách cũng ảnh hưởng. Chẳng hạn, vào những ngày thường, "xe dù" sử dụng "chiêu" hạ giá để cạnh tranh với các xe chính tuyến, nhưng mỗi khi vào các dịp lễ, tết, do không có ai quản lý nên 'xe dù" mặc sức tăng giá một cách vô tôi vạ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hành khách".
Cũng theo ông Lương, nếu như xe chạy chính tuyến vào bến thì phải đủ điều kiện mới được làm thủ tục xuất bến. "Có 4 yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo an toàn mà các BQL bến xe như chúng tôi phải sát sao kiểm tra để các xe đủ điều kiện có thể xuất bến đó là: Giấy phép lái xe có đúng chủng loại phù hợp không? Quyền lợi hành khách có đảm bảo không? Xe có đảm bảo an toàn kỹ thuật không và vấn đề bảo hiểm như thế nào?.
Nếu là "xe dù" thì chẳng ai quan tâm đến 4 vấn đề tiên quyết kia cả, nhà xe chỉ việc bắt khách và chạy thôi", ông Lương cho hay.
Lấy dẫn chứng về việc "xe dù" có số lượng lớn chạy lấn lướt các xe chính tuyến, lãnh đạo bến xe Hà Tĩnh cho biết, hiện ở TP Hà Tĩnh có 10 xe khách chuyên tuyến Hà Tĩnh - Sài Gòn; 2 xe Hà Tĩnh - Gia Lai; 2 xe đi tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội (bằng hình thức xe hợp đồng trá hình) không hề vào các bến xe tại Hà Tĩnh.
Bến xe trăm tỷ vắng như chợ chiều
Tại các bến xe Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh) và bến xe thị xã Kỳ Anh, tình trạng "xe dù" lấn át xe chạy tuyến cố định cũng khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách "chính chuyên" rơi vào thế khó. Ví như ở bến xe thị xã Kỳ Anh hiện chỉ có 2 nhà xe Mận Vũ và Hồng Hà đăng ký hoạt động trong bến.
Bến xe thị xã Kỳ Anh chỉ mới có 2 nhà xe Mận Vũ và Hồng Hà đăng ký hoạt động ra vào bến. |
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng bến xe khách thị xã Kỳ Anh thông tin: "Mấy năm gần đây có những xe khách không có phù hiệu tuyến cố định, không có phù hiệu hợp đồng (được phép đón trả khách - PV) và nhiều xe khách không đăng ký "lốt" tại Kỳ Anh nhưng vẫn lập các điểm để bắt khách, gây khó khăn cho các đơn vị vận tải và mất ANTT trên địa bàn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đăng ký tại các bến xe Kỳ Lâm và bến xe thị xã Kỳ Anh đều phải đóng ít nhất trên dưới 30 triệu đồng/tháng. Còn các "xe dù", xe chạy hợp đồng không phải đóng một đồng tiền thuế, phí nào nhưng lại "vợt" được nhiều khách hơn so với các xe tuyến chính, đây rõ ràng là cạnh tranh thiếu công bằng".
Thông tin từ công an huyện Kỳ Anh cho biết, vì chuyện cạnh tranh giữa xe chạy chính tuyến và xe "dù", trên mạng xã hội đang lan truyền đoạn video clip về việc chủ nhà xe Quyền Giang chạy tuyến Ba Đồn (Quảng Bình) đi Hà Nội "tố" nhà xe Mận Vũ gây khó dễ cho nhà xe này khi xe Quyền Giang ghé vào Trung tâm Phú Toàn Plaza (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) để đón, trả khách thì bị chặn lại.
Cụ thể, vào tối ngày 2/12, sau khi khởi hành từ bến xe Ba Đồn (Quảng Bình) để đi Hà Nội, nhà xe Quyền Giang (không có lốt tại bến xe Kỳ Anh) khi qua địa phận xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã ghé vào Trung tâm Phú Toàn (cách bến xe thị xã Kỳ Anh 300m) để lấy nước, khăn lạnh phục vụ hành khách. Tuy nhiên, theo nhà xe Mận Vũ thì nhà xe này không có lốt tại đây nhưng vẫn cố tình lập điểm bán vé để bắt khách.
"Vụ việc ầm ỹ, gây mất trật tự công cộng khiến lực lương công an huyện Kỳ Anh chúng tôi phải đến hiện trường để lập lại trật tự", vị cán bộ Công an huyện Kỳ Anh nói.
Tối ngày 2/12, nhà xe Quyền Giang và nhà xe Mận Vũ đã xảy ra mâu thuẫn. Theo nhà xe Mận Vũ, nhà xe Quyền Giang không có "lốt" tại thị xã Kỳ Anh nhưng vẫn ghé vào đón khách. |
Trao đổi với PV Infonet về thông tin trên, ông Nguyễn Văn Tuấn (Trưởng bến xe khách thị xã Kỳ Anh) cho biết, nhà xe Quyền Giang không có lốt tại Kỳ Anh, "lốt" của nhà xe này đăng ký tại thị xã Ba Đồn (Quảng Bình).
Được đầu tư nhiều chục tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư Phát triển Hà Tĩnh, nhưng bến xe Hồng Lĩnh vắng tanh hơn chùa Bà Đanh |
Tương tự, Bến xe thị xã Hồng Lĩnh cũng được đầu tư nhiều chục tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư Phát triển Hà Tĩnh. Mặc dù bến bãi rộng rãi, khang trang, lại nằm ngay trên đường hướng đi Hà Nội, thuận tiện cho việc ra, vào bến thế nhưng, hàng trăm chiếc xe chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội dường như không còn biết đến sự hiện diện của bến xe này.
Vào những ngày đầu tháng 1/2019, Bến xe Hồng Lĩnh điện bật sáng trưng nhưng không một bóng người. Mặc dù nhiều xe không vào bến đón khách nhưng hầu hết những chiếc xe này đều ghé vào Ngã tư thị xã Hồng Lĩnh để "vợt" khách. Nhiều nhà xe còn ngang nhiên lập phòng vé ngay trung tâm thị xã để thuận tiện cho việc đón, trả khách.
Nhiều xe khách vô tư đón khách ngay tại trung tâm TP Hà Tĩnh |
Liên quan đến vấn nạn "xe dù, bến cóc", Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc xử lý "xe dù, bến cóc".
Theo đó, báo báo của Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: "Trong thời gian qua trên địa bàn thị xã Kỳ Anh lưu lượng phương tiện tăng nhanh tình hình giao thông khá phức tạp, là địa phương có lượng TNGT cao so với bình quân chung toàn tỉnh.
Hiện, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh có bên xe nhưng không đủ tiêu chuẩn để bố trí đủ số lượng nên hiện có gần 30 xe không có luồng tuyến trong địa bàn thị xã nhưng vẫn dừng đậu, đón trả tranh giành khách, cạnh tranh không lành mạnh gây mất an ninh trật tự và ATGT".
Tác giả: Long Nhi - Trần Hoàn
Nguồn tin: Báo Infonet