Ngày 3/1, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kịm Cự cùng các sở, ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh đích thân xuống đường, vào các mỏ đá xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn huyện Kỳ Anh. Đến thời điểm này, theo quan sát của PV tình trạng xe vi phạm trên các tuyến quốc lộ 1A, 12A cơ bản đã không còn.
Khi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp vận tải chúng tôi đều nhận được ý kiến: Doanh nghiệp ý thức được chủ trương xe chạy đúng khổ, đúng tải của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, ngoài việc không làm hỏng đường, ít gây tai nạn thì nó còn làm lợi cho doanh nghiệp rất nhiều, như, xe sẽ kéo tài tuổi thọ, lốp ít hỏng và lượng tiêu thụ xăng dầu giảm…
Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp lo lắng là cơ quan chức năng làm không triệt để, được một thời gian thì đâu lại vào đó và nhất là việc các đối tác sẽ không tăng giá vận chuyển.
Doanh nghiệp Hòa Tiến đã đưa 9 chiếc xe đi cắt thùng. Tuy nhiên, hiện anh đang cho tất cả xe của mình nằm đắp chiếu vì giá vận chuyển quả thấp. |
Anh Kiên – doanh nghiệp vận tải Hòa Tiến cho biết: “Chúng tôi có 9 chiếc xe chuyên dụng chở vật liệu xây dựng trên địa bàn. Sau ngày chủ tịch tỉnh vào kiểm tra các cơ quan chức năng đã tăng cường và siết chặt kiểm tra xe quá khổ quá tải bắt buộc đơn vị đưa xe đi cắt bỏ bớt phần cơi nới theo quy định.
Trước đây, mỗi xe thường chở 20-30 tấn nhưng giờ giảm xuống 6-7 tấn. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện xe chở đúng tải nhưng giá cước vẫn không tăng, thu không đủ chi chứ không nói đến chuyện lãi nên bắt buộc chúng tôi phải ngừng hoạt động”.
Chủ mỏ đá Cơn Tria phản ánh: Nếu chở đúng tải mà đơn giá không tăng thì doanh nghiệp không thể làm nổi. Tuy nhiên, do đã lở ký hợp đồng với đối tác nên hiện tại đành chấp nhận bù lỗ để thực hiện đúng cam kết, nhưng chúng tôi cũng đã thông báo cho phía bạn hàng là chỉ duy trì trong một tháng còn lâu hơn thì chịu.
Từ việc chở 20-30 khối nhưng giờ giảm xuống còn 6-7 khối nhưng giá vận tải vẫn giữ nguyên khiến mỏ đá Cơn Tria càng làm càng lỗ. |
Ông Nguyễn Ngọc Ân, chủ mỏ đá Hồng Sơn cho hay: Hiện, mỏ chúng tôi đã xay rất nhiều các loại đá, mặc dù rất muốn bán ra thị trường nhưng không thể xuất được hàng vì không có đơn vị vận tải nào dám đứng ra nhận”.
Theo một số doanh nghiệp vận tải tính toán, các loại xe Dongfeng, Howo sau khi xe cắt thùng trả lại nguyên bản chỉ còn chở được 9-13 tấn (tương đương 6-10 khối). Khi nhận chở hàng với đơn giá hiện nay từ 60.000 – 90.000 đồng/ khối đá (đất) với quãng đường hơn 30km thì cước phí thuê mỗi xe từ 540. 000 – 900.000 đồng. Trong khi doanh nghiệp chi dầu đen, tiền người lái xe mất từ 500.000 – 1.000.000 đồng, chưa tính hao mòn và sửa chữa xe.
Trước thực trạng này, ngày 11/1/2015, các chủ mỏ đá và doanh nghiệp vận tải trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã có cuộc họp để tháo gỡ vấn đề. Tại cuộc họp này các đơn vị đều phản ánh, thời điểm này doanh nghiệp càng làm càng lỗ, đồng thời thống nhất phương án sẽ tăng giá cược vận chuyển.
Cuộc họp đã thống nhất thành lập Hiệp hội đá Kỳ Anh và điều chỉnh giá bán mới để phù hợp với tình hình |
“Chúng tôi thống nhất thành lập Hiệp hội đá huyện Kỳ Anh nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng và giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời, thông qua cuộc họp này Hiệp hội cũng đã có bảng giá mới để phù hợp với tình hình và hy vọng rằng phía đối tác sẽ đồng ý”, một lãnh đạo Hiệp hội đá huyện Kỳ Anh nói.
Hà Vy