Đền Chào - nơi lưu giữ 54 sắc phong. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Theo đó, có 18 đạo sắc phong cho Điện Quận công Phạm Hoành, một võ quan rất nổi tiếng thời Lê - Trịnh, quê ở làng Hưng Nhân, nay thuộc xã Kỳ Hưng - thị xã Kỳ Anh; 6 đạo sắc phong cho 5 vị Đức Hầu xưa vốn là thuộc hạ dưới quyền của Điện Quận công Hổ oai Đại tướng Phạm Hoành.
Khi nhân dân lập đền thờ ngài Điện Quận công, đã phối thờ năm vị thần này, đó là: Nhâm trung hầu, Nhượng trung hầu, Ngoạn trung hầu, Duệ trung hầu, Hòa trung hầu.
Ngoài ra, có 14 đạo sắc phong cho Tam tòa Thành hoàng Lý Nhật Quang, 12 đạo sắc phong cho Tứ vị Thánh nương Tôn thần Đại càn Quốc gia Nam hải, 2 đạo sắc phong cho Bát vạn Sơn tinh công chúa và 2 đạo sắc phong Bản cảnh Thái giám tôn thần.
Được biết, trong đó có 6 đạo sắc đời vua Cảnh Hưng nhà Lê, 6 đạo sắc đời vua Cảnh Thịnh - nhà Tây Sơn và 42 đạo sắc của các đời vua nhà Nguyễn từ thời Tự Đức đến Khải Định. Các sắc phong này đang còn nguyên vẹn. Đền Chào hiện đang lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như các đại tự, mũ thờ, giá chiêng liên quan đến Tổng đốc An Tĩnh - Đào Tấn.
Theo nghiên cứu các tư liệu lịch sử, kết hợp với các gia phả và các tài liệu Hán – Nôm lưu trữ tại di tích đền thờ Phạm Hoành cho thấy: Điện Quận công Phạm Hoành là một quan võ thời Lê – Mạc. Ông sinh trưởng trong dòng họ Phạm – một dòng họ có gốc từ Thanh Hóa, đã có nhiều người học hành thành đạt và làm quan phục vụ dưới triều đại phong kiến.
Phạm Hoành là con trai của Khuê quận công Phạm Định, cháu 4 đời của Thọ quận công Phạm Tiêm. Gia đình ông có bốn anh em, Phạm Hoành là con trai cả. Vốn xuất thân từ gia đình dòng võ tộc, có nhiều người học hành đỗ đạt làm quan nên từ nhỏ ông đã tỏ ra là một người thông minh, ham luyện cung tên, võ nghệ. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị loạn giặc, với tài sử dụng binh khí, võ nghệ điêu luyện, ông đã trở thành một vị tướng lĩnh trung thành, giúp triều đình nhà Lê dẹp Mạc.
Trong trận chiến với nhà Mạc ở Hoan Châu (Nghệ An), sau khi giao tranh ông đang truy kích bị địch đánh tập hậu, ông bị thương, sau trận này ông đã định ra khỏi đất Châu Hoan, ông về quê điều trị rồi từ trần vào mùa xuân năm Quý Tỵ (1593) vào ngày mồng 6 tháng giêng.
Được tin ông mất, nhà vua rất thương tiếc bèn phong sắc cho ông là Điện quận công Hổ oai Đại tướng quân Thần võ liên tiên đại vương Phạm Hoành, cho lập đền thờ tại làng Sơn Triệu (tức làng Tân Thọ - xã Kỳ Thọ ngày nay). Hàng năm đến ngày giỗ, các hàng quan văn, võ đều về đền dâng hương, cúng tế. Đền được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào tháng 7 năm 2004.
Tác giả: Trần Phong
Nguồn tin: Congluan.vn