Các em học sinh vi phạm rất nhiều lỗi khi tham gia giao thông |
Trên nhiều tuyến đường ở địa bàn huyện này, nhất là các tuyến đường ở gần trường học, vào giờ tan tầm, không khó để nhận thấy một tình trạng phổ biến đó là nhiều người dân, các bậc phụ huynh đi đón con em học sinh…, đầu trần điều khiển xe máy, xe máy điện, xe đạp điện phóng vi vu với tốc độ cao, thậm chí dàn hàng đôi hàng ba trên đường.
Mặc dù đã có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trong 2 ngày (5 - 6/10), trên tuyến tỉnh lộ 22/12 và nhiều tuyến đường khác tại địa bàn các xã như Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm, Xuân Mỹ, Xuân Viên… (huyện Nghi Xuân), hầu hết người dân, học sinh khi tham gia giao thông đều “nói không” với MBH (?!).
Điều đáng nói, tại Điều 60 - Luật Giao thông đường bộ quy định: Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên… Như vậy, các em học sinh phổ thông chưa đủ độ tuổi để điều khiển phương tiện nói trên. Nhưng thực tế, tại huyện này có hàng trăm em học sinh điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi-lanh trên 50 cm3 và không đội MBH, chở 3, chở 4… phóng nhanh, vượt ẩu làm mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Đầu trần điều khiển xe máy tham gia giao thông là tình trạng phổ biến diễn ra ở Nghi Xuân |
Để làm rõ hơn những vấn đề trên, PV TH&CL đã có mặt tại Trường THPT Nghi Xuân (xã Cổ Đạm) và khu vực lân cận, nơi hàng ngày có hàng trăm em học sinh “nói không” với Luật Giao thông đường bộ!
Tại đây, theo ghi nhận của PV, các em học sinh khi đến trường bằng xe máy điện, xe đạp điện, đưa xe vào nhà xe của trường, mặc dù mang theo MBH, nhưng chỉ để đối phó với nhà trường, lực lượng chức năng, khi cần thiết, còn khi tham gia giao thông, phần lớn không đội mũ.
Ngoài ra, có đến hàng trăm chiếc xe máy, xe máy điện…, học sinh điều khiển đến trường, được gửi tại các nhà dân, quán hàng xung quanh khu vực trường. Đặc biệt, hầu hết xe các em gửi tại đây đều có dung tích xi-lanh trên 50 cm3, phần lớn không đội MBH hoặc có mang theo nhưng không đội!
Anh Phan Sinh (xã Cổ Đạm), nhà ở gần cổng trường, cho biết: “Mỗi ngày có đến hàng chục em học sinh đi xe máy, xe máy điện đến gửi tại nhà tôi, trước đây, gia đình có thu tiền, nhưng bây giờ thì không thu nữa. Ở khu vực này, ngoài gia đình tôi, còn nhiều gia đình khác cũng cho học sinh gửi xe. Học sinh học ở đây, chủ yếu là ở các xã Xuân Liên, Cương Gián, Xuân Mỹ…”.
Hàng trăm chiếc xe của học sinh Trường THPT Nghi Xuân gửi ở nhà dân, quán hàng quanh khu vực trường, phần lớn đều là xe máy có dung tích xi-lanh trên 50 cm3 |
Một học sinh Trường THPT Nghi Xuân, khi được hỏi "vì sao tham gia giao thông không đội MBH?", đã vô tư trả lời: “Lúc trước tới giờ, bọn em đi xe không đội MBH cũng không sao cả. Mà em thấy nhiều bạn không đội nên em cũng vậy, giờ thành thói quen rồi nên chẳng mấy ai đội nữa”.
Trước tình trạng hàng trăm học sinh thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng phụ trách - Trường THPT Nghi Xuân lên tiếng: “Theo số liệu các em đăng ký, hiện toàn trường có 102 em đi xe đạp điện và 97 em đi xe máy dưới 50 phân khối. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phối hợp với CSGT huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục, tổ chức ký cam kết giữa phụ huynh, học sinh với nhà trường về việc chấp hành luật pháp về giao thông. Nhà trường đã làm thường xuyên, liên tục, bằng nhiều biện pháp, nhưng đó là khi ở trong trường; còn khi các em ra khỏi trường, cũng rất khó quản lý và kiểm soát”.
“Đầu năm học, nhà trường đã phối hợp với Công an huyện, công an xã mời 12 hộ gia đình xung quanh khu vực trường học ký cam kết không cho học sinh gửi xe; phụ huynh không được giao xe máy cho các em khi chưa đủ tuổi, vì nếu như phụ huynh giao xe máy cho các em là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng có gia đình đã không thực hiện”, cô Yến nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng phụ trách - Trường THPT Nghi Xuân |
Cô Yến cho biết thêm: “Từ đầu năm, chưa thấy phía cơ quan công an gửi báo cáo cho nhà trường về số học sinh vi phạm luật lệ về giao thông, nếu có thông báo, chúng tôi sẽ xử lý theo quy chế của nhà trường và hạ hạnh kiểm các em vi phạm”.
Lãnh đạo các trường THPT Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Du cũng thừa nhận, mặc dù nhà trường thường xuyên phối hợp tuyên truyền, giáo dục, thực hiện nhiều biện pháp để học sinh tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, nhưng vẫn còn một số em vi phạm.
Trao đổi với PV, Trung tá Đặng Quyết Thắng, Đội trưởng Đội CSGT - Công an huyện Nghi Xuân cho biết: “Chúng tôi hàng tháng ra quân, làm rất quyết liệt, thậm chí phải mang đồ thường phục để phối hợp xử lý, nhưng vẫn không kiểm soát hết được. Riêng các trường, từ đầu năm học, CSGT huyện đã phối hợp với nhà trường, công an xã, hội phụ huynh tổ chức tuyên truyền giáo dục cho các em học sinh về Luật Giao thông đường bộ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường ra quân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Trung tá Thắng cho hay, từ đầu năm học đến nay, riêng Trường THPT Nghi Xuân, lực lượng CSGT - Công an huyện đã lập biên bản, xử lý 58 trường hợp vi phạm, phạt 65 triệu đồng, tạm giữ 35 phương tiện...
Dưới đây là một số hình ảnh được PV ghi lại về tình trạng vi phạm giao thông tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh:
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Những hình ảnh trên cho thấy tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các em học sinh ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang là điều rất đáng lưu tâm, gây nguy hiểm và làm mất an toàn giao thông nơi đây
Tác giả: Khánh Trình - Huy Hiếu
Nguồn tin: Báo Thương hiệu và Công luận