Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: 'Uẩn khúc' bản hợp đồng cho thuê nhà khách ở khu 'đất vàng'

Đầu tư xây nhà khách gần 20 tỷ đồng với diện tích gần 2ha nhưng sau đó huyện ủy Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã cho doanh nghiệp thuê 20 năm với điều khoản “ không thay đổi giá trị hợp đồng qua các năm”.

“Sa lầy” trong vận hành

Năm 2004, Nhà khách Sông La được xây dựng từ vốn ngân sách, do Văn phòng Huyện uỷ Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên khu đất rộng gần 2ha, nằm ở “khu đất vàng” trung tâm thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ). Mục tiêu khi dự án nhà khách hoàn thành sẽ là nơi nghỉ ngơi cho khách khi đến làm việc với huyện và phục vụ hoạt động khác cho cấp uỷ địa phương. Năm 2005, công trình hoàn thành, được đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư vẫn còn lúng túng, bế tắc trong công tác vận hành.

Khu đất vàng từng là nhà khách Huyện ủy Đức Thọ nay được cho doanh nghiệp thuê 20 năm

Nói về thực trạng này, ông Đặng Giang Trung - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đức Thọ cho biết: “Xây dựng xong, không có bộ máy chuyên quản lý, huyện phải cử một phó chánh văn phòng tiếp quản, đón khách dù biết đó là sai quy định. Hết đoàn khách, việc phục vụ lâm vào khó khăn. Từ năm 2005 đến 2014, quá trình hoạt động đã gặp khó khăn khi tính chuyên nghiệp không có, khách ít, phòng ốc xuống cấp. Hàng năm, địa phương còn bỏ ra một khoản chi phí khác để tu sửa, nâng cấp trang thiết bị gây tốn kém”.

Bất cập bản hợp đồng cho thuê “đất vàng”

Năm 2014, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Sông La (trụ sở tại huyện Đức Thọ) thuê, quản lý lại nhà khách Sông La cùng toàn bộ khu đất xây dựng hiện có. Sau khi “thầu” được nơi này, chủ nhân tạm thời của nhà khách (nay đổi tên thành Khách sạn Sông La) đã tổ chức kinh doanh nhiều dịch vụ như: khách sạn, nhà hàng tổ chức hội nghị, đám cưới, xông hơi – massage…

Doanh nghiệp kinh doanh quán nhậu, cà phê và một số văn phòng trên khu đất thuê của Huyện ủy Đức Thọ.

Ngoài ra, phần lớn diện tích đất thuộc khuôn viên khách sạn cũng được cho thuê để kinh doanh cà-phê, quán nhậu, văn phòng bán vé máy bay, tư vấn du học và xuất khẩu lao động, ki-ốt kinh doanh quần áo. Phần diện tích còn lại trong khuôn viên nhà khách là hai sân quần vợt.

Lý giải về sự thay đổi này, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Đức Thọ nói: “Quá trình doanh nghiệp biến một số hạng mục thành quán nhậu, cà phê và cho thuê trên hành lang khu đất trong hồ sơ không thể hiện. Doanh nghiệp thuê lại cũng không có ý kiến với huyện trong các lần thay đổi, chỉnh trang”.

Điều đáng nói, nhà khách Sông La có khuôn viên gần 2ha, tọa lạc ở vị trí đắc địa của huyện, sát cạnh quốc lộ 8, được cho thuê thời hạn 20 năm (2014-2034), giá thuê mỗi năm hơn 170 triệu đồng (hơn 14 triệu đồng/tháng) và không thay đổi giá trị hợp đồng qua các năm.

Thuê được nhà khách của Huyện uỷ Đức Thọ, Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ Sông La mở rộng kinh doanh dịch vụ đa dạng.

Ông Đặng Giang Trung - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đức Thọ thừa nhận: “Thực tế quy định và chủ trương khi đưa tài sản của Nhà nước cho doanh nghiệp thuê là chưa đúng và phải theo quy trình cụ thể. Hiện đơn vị đang làm thủ tục báo cáo tỉnh xin ý kiến giải quyết vấn đề này vì tài sản Nhà nước phải cấp tỉnh quyết định, còn huyện chỉ là cơ quan phối hợp, đề xuất. Số tiền thuê hàng năm được Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Sông La đóng vào ngân sách, huyện ủy không quản lý, sử dụng”.

Từ mục tiêu ban đầu, nhà khách hoàn thành sẽ là nơi nghỉ ngơi cho khách khi đến làm việc với huyện và phục vụ hoạt động khác cho cấp uỷ địa phương. Đến nay, khách đến làm việc với cấp ủy địa phương, các đơn vị cũng tự bỏ chi phí để chi trả các dịch vụ lưu trú khi ở tại khách sạn Sông La. Hàng loạt dấu hỏi quanh “khu đất vàng” này cần có câu trả lời.

Tác giả: Đức Phúc - Cảnh Huệ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP