Mấy năm gần đây, người dân xã Xuân Thành thường ví cơ sở “trăm tỷ” này là chùa bà Đanh vì sự vắng vẻ và thưa thớt người qua lại. Nằm cuối con đường ven biển tại Khu du lịch Xuân Thành, đứng từ xa ai ai cũng nghĩ ngôi nhà bốn tầng sừng sững cùng những bể bơi hiện đại là khu nghỉ dưỡng hoặc khách sạn của một doanh nghiệp lớn nào đó.
Chiếc cổng ra vào hoành tráng màu gạch đỏ mận như tô thêm sự hoành tráng bên trong của cơ sở này. Thế nhưng, cả một buổi sáng PV có mặt tại nơi đây chỉ có vài con người thưa thớt là bảo vệ và nhân viên dọn dẹp. Ngay từ cổng ra vào là khu nhà làm việc của cán bộ, toàn bộ hệ thống cầu thang, khóa cửa và hệ thống tường bị gỉ sét. Hai bể bơi nước khô cạn, hệ thống ống nước cũng bám đầy gỉ sét. Điểm nhấn của cơ sở này là tòa nhà bốn tầng với 100 phòng nghỉ để làm chỗ ở cho học viên phủ đầy bụi. “Một năm nơi đây đón vài khóa học ngắn hạn về tập trung rồi bỏ không đó”, một nhân viên bảo vệ nói.
Phía phải của cơ sở là 8 căn hộ độc lập là nơi để giảng viên và cán bộ nghỉ ngơi cửa đóng then cài, một số nơi gạch bong tróc xuống cấp.
Do giao thông khó khăn
Làm việc với PV Tiền phong, hiệu phó Trường đào tạo nghiệp vụ BHXH, phụ trách Cơ sở đào tạo số 2, ông Phan Đình Trinh cho biết, cơ sở này được khởi công xây dựng từ năm 2008 đến cuối năm 2014 mới đi vào hoạt động. “Số tiền đầu tư vào cơ sở này khoảng 100 tỷ đồng do WB tài trợ. Do xây dựng trong thời gian quá dài nên nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp. Riêng khu nhà làm việc của cán bộ đã phải sơn lại hai lần”, ông Phan Đình Trinh cho biết.
Theo vị hiệu phó, trong năm 2015, cơ sở chỉ đón 2 đoàn, 6 lớp học viên đến học tập trung trong 15 ngày. “Đang mùa lạnh nên từ đầu năm đến nay chưa có đoàn nào đến. Dự kiến tháng 5 đến tháng 8 sẽ đón khoảng 1.500 người về học trong thời hạn ngắn. Ngoài ra chưa có kế hoạch gì cho đến hết năm”, hiệu phó Trường đào tạo nghiệp vụ BHXH nói.
Theo ông Phan Đình Trinh, sở dĩ cơ sở này “vắng như chùa bà Đanh” là vì do thời tiết khắc nghiệt và giao thông đi lại khó khăn. “Cơ sở đặt ở đây khó khăn về giao thông đi lại, mùa đông rất lạnh và khổ cho học viên nếu về đây học tập. Nếu nằm ở Cửa Lò hoặc Đà Nẵng chắc không vắng thế này”, ông Phan Đình Trinh giải thích. Ông Trinh thừa nhận cơ sở đang gặp khó khăn vì cả một cơ ngơi với 2,5ha mà chỉ có 18 con người quản lý. “Mỗi năm chỉ tập trung học vào hai tháng mùa hè. Khi học viên tập trung cơ sở phải đi thuê người nấu ăn, làm vệ sinh. Thời gian còn lại chúng tôi chỉ biết dọn dẹp, lau chùi, diệt mối”, ông Phan Đình Trinh nói.
Minh Thùy