Đặc Sản Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Trẻ em vớt sản vật biển dưới nắng

Mấy ngày nay, trời tiếp tục nắng nóng, có ngày nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 40 độ C nhưng từ sáng sớm, nhiều trẻ em (khoảng 7-11 tuổi) ở xã Thạch Bằng vẫn tranh thủ thời gian nghỉ hè mang vợt ra biển vớt ngao, sò lông, sò huyết.

Tranh thủ thời gian nghỉ hè, nhiều em ở xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đội nắng ra biển vớt sản vật, đỡ đần cha mẹ.
hatinh24h1

Do thời điểm này đang là mùa hè, nên sản vật khá hiếm. Các em chia thành từng tốp khoảng 2-3 người, dầm mình trong nước để vớt ngao, sò lông.

Dụng cụ để vớt sò, ngao vẫn là những chiếc vợt tự chế, cán tre dài khoảng 2m, đầu bọc lưới xung quanh chiếc vành xe đạp hoặc vòng thép uốn lại, đường kính 50-60 cm.

Nguyễn Tài Phú (11 tuổi, thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng) cho biết, trong những ngày nắng, bố mẹ thường tranh thủ đi gánh nước biển lên bán cho các nhà hàng để nuôi hải sản. Bản thân em tranh thủ ra biển vợt sò về làm thực phẩm cho gia đình, nếu được nhiều thì bán lấy tiền đỡ đần gia đình.

Khi vớt ngao, sò lông, sò huyết cần phải giữ chặt vợt, sau đó đứng trước đầu ngọn sóng để vớt. Đối với các em học sinh nhỏ tuổi, việc vớt sò khá vất vả, bởi tay còn yếu, đôi khi vẫn bị sóng lớn đánh lệch vợt.

“Thông thường em đứng ở những nơi ít sóng, bởi ra ngoài xa sóng đánh mạnh sẽ nguy hiểm. Khi đứng gần bờ thì lượng sò vớt sẽ được ít hơn”, Trần Hải (8 tuổi, thôn Phú Nghĩa, xã Thạch Bằng) nói.

Để kiếm được nhiều sò hơn, một số em bơi giỏi thường lội ra chỗ nước sâu, cầm vợt lặn xuống nước, mỗi lần khoảng 30 giây để vớt sò.

Trong vòng một buổi sáng, các em có thể vớt được mỗi người hơn 1 kg sò lông và ngao.

“So với người lớn thì chả ăn thua, nhưng chúng em vẫn rất vui vì thành quả tự bản thân làm ra. Bố mẹ nói khi vớt sò về sẽ đem bán dành tiền sắm sách vở cho năm học mới”, cậu bé Sơn (học sinh lớp 5 trường Tiểu học Thạch Bằng) chia sẻ.

Sò lông hoặc ngao được bán với giá khoảng 15.000 đồng mỗi cân. Khi làm sạch, lấy ruột bán có thể được khoảng 40.000-50.000/kg. Các nhà hàng thường thu mua về để nấu súp, cháo, hoặc nướng sa tế, xào sả…

Ông Phan Đình Cương, Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng thông tin, nghề vớt ngao, sò của người dân có từ nhiều năm nay, tuy nhiên so với các xã khác trong huyện thì vẫn còn ở mức thấp. “Về việc trẻ em mưu sinh vớt sò ở biển, chính quyền cũng đã có khuyến cáo đến gia đình, nhà trường nên chú trọng tới việc chăm sóc con cái, khuyên bảo các em nếu ra biển nên ở gần bờ, tránh việc bơi ra xa nguy hiểm”, ông Cương nói.

Đức Hùng/VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP