Trong đơn khiếu nại về bản án hành chính phúc thẩm số 03/2016/HC-PT của mình, ông Nguyễn Công Lượng ở tổ dân phố 10, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh đã nghiên cứu đầy đủ luật đất đai năm 2013 và các luật về đất trước đó đã hết hiệu lực.
Để kết luận, chủ tọa phiên tòa đã viện dẫn những điều luật đã hết hiệu lực, không bám Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1 điều 82 Nghị định Chính phủ số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn luật đất đai năm 2013, cố tình xét xử không cấp đất cho gia đình ông Nguyễn Công Lượng.
Ông Nguyễn Công Lượng với tập hồ sơ tố cáo vụ án. |
Do vậy, sau phiên tòa ông Nguyễn Công Lượng vô cùng bức xúc. Ngoài các lá đơn gửi cho các báo, ông còn đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Bởi vì nguồn gốc đất của ông được chuyển nhượng từ đất được cấp của công nhân Lâm trường Hồng Lĩnh từ năm 1992 là thời điểm mà lâm trường Hồng Lĩnh được nhà nước giao quyền quản lí về đất lâm nghiệp và động viên công nhân lâm trường khai hoang phục hóa, ổn định đời sống, bám giữ rừng để bảo vệ sự sống còn của rừng Hồng Lĩnh (những vùng đất đó vào thời điểm bấy giờ người ta thường gọi là vùng “khỉ ho, cò gáy”).
Khoản 4, điều 18 Nghị định của Chính phủ số 43/2014/NĐ – CP ngày 15/5/2014 hướng dẫn chi tiết luật đất đai năm 2013 có ghi: “Luôn luôn tôn trọng nguồn gốc và lịch sử của đất… Hộ cán bộ công nhân viên chỉ cần có giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh thì các tổ chức Nhà nước phải hợp lí hóa để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Như vậy, từ khi được lâm trường cấp đất cho đến khi ông Lượng nhận chuyển nhượng, đất đã được cải tạo để trồng các loại cây. Từ một mảnh đất trên cồn, dưới vực nay đã bằng phẳng và được trồng cây keo có đường kính từ 20- 40 cm, cao từ 10-15 m.
Ở đây, tôi không muốn bàn cãi nhiều về Luật đất đai năm 2013 cho dù chúng tôi có hạn chế về sự hiểu biết thì Luật đất đai năm 2013 vẫn được ghi nhận một cách đầy đủ trong bộ nhớ khi tác nghiệp báo chí. Và chẳng lẽ một quan tòa như ông Hải lại không hiểu về Luật đất đai năm 2013 thì thật là vô lí?
Phải chăng từ một mảnh đất trên cồn, dưới vực ban đầu không ai thèm dòm ngó, nay được cải tạo lại bằng phẳng đã làm cho một số cán bộ, nhất là người đứng đầu thị xã Hồng Lĩnh quá tiếc nuối để tạo thành một “sức mạnh” mang tính đồng minh trong khi ông Trần Hồng Hải làm chủ tọa phiên toà. Vì “sức mạnh” nào mà ông Trần Hồng Hải đã lấy những quy định của luật đất đai trước đây đã hết hiệu lực để đưa ra xét xử?
Trong lúc, những chi tiết hết sức nhân văn và khoa học của luật đất đai năm 2013 có đầy đủ luận cứ, nếu bám lấy các chi tiết, các luận cứ nói trên để thi hành thì ông Nguyễn Công Lượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ lâu, đâu phải mất thời gian ngồi ở tòa này, tòa khác.
Từ trong lịch sử phát triển của nhân loại, kể cả một số thời kì của chế độ phong kiến, người đứng đầu Nhà nước luôn luôn chủ trương an dân. Ngày nay, dưới ánh sáng lãnh đạo của Đảng ta, nhất là từ khi Đại hội Đảng lần thứ XII thành công tốt đẹp, Đảng ta lại càng quan tâm hơn nữa đến vấn đề an dân, muốn an dân thì pháp luật lại phải càng anh minh… Anh minh, an dân để góp phần cùng với Đảng, Nhà nước và Nhân dân xây dựng một đất nước đổi mới, đàng hoàng hơn như Bác Hồ đã từng mong muốn.
Thông qua bài viết này, kính đề nghị thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, tỉnh ủy Hà Tĩnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án cấp cao cùng với các ngành hữu quan ở Hà Tĩnh quan tâm chỉ đạo để đảm bảo sự khách quan, để đưa lại mọi quyền lợi cho gia đình ông Nguyễn Công Lượng, đừng để vụ án kéo dài làm tổn thương lòng tin của người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin tới bạn đọc với các số báo sau.
Dương Chí Sỹ/KD&PL