Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Tòa chấp thuận lãi suất “tín dụng đen”, Chi cục trưởng THADS bị tố lừa đảo

Giải quyết đơn khởi kiện đòi nợ của bà Dương Thị Thủy, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Kỳ Anh cho tính lãi theo “tín dụng đen”. Quyết định công nhận của Tòa không yêu cầu thi hành án (THA) “cấm” chuyển dịch tài sản.

Vậy nhưng, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Kỳ Anh lại ban hành văn bản tạm dừng chuyển dịch tài sản kéo dài gần 6 năm, yêu cầu bà Nguyễn Thị Hồng trả cho bà Thủy 100 triệu đồng trong thời hạn 4 ngày, để được gỡ bỏ “lệnh cấm” nhưng không giữ lời, nên bị tố là lừa đảo…

“Lộm nhộm” trong tính toán thỏa thuận

Quyết định công nhận sự thỏa thuận không yêu cầu tạm chuyển dịch tài sản

Tháng 5/2011, bà Dương Thị Thủy, tiểu khu 3, khu phố Hưng Hòa, thị xã Kỳ Anh có đơn khởi kiện, yêu cầu TAND huyện Kỳ Anh giải quyết việc bà cho bà Nguyễn Thị Hồng, ở cùng khu phố vay tổng số 555.304.000 đồng. Chứng cứ kèm theo gồm: Giấy vay tiền ngày 10/1/2011 âm lịch (ÂL): 383 triệu đồng; Giấy vay tiền ngày 10/1/2011 (ÂL): 143.500.000 đồng; Tiền lãi từ ngày 10/1/2011 (ÂL) đến 2/4/2011 (ÂL): (82 ngày x 2% x 526.500.000 đồng = 28.804.000 đồng).

Ngày 14/5/2011, bà Thủy làm bản tự khai gửi Tòa thể hiện: “Ngày 10/3/2010 (ÂL), bà Hồng gặp tôi cần mượn một số tiền để chạy việc cho con và để chồng tiền ngân hàng. Tôi không có, nhưng tôi thương bà nên đã vay tiền ngân hàng cho bà mượn. Số tiền là 383 triệu đồng, với lãi suất 3% tháng. Tính từ thời điểm cho vay đến ngày tôi khởi kiện (10/4/2011 ÂL) là 149.370.000 đồng. Nhưng hiện giờ giấy vay ngày 10/3/2011 (ÂL) tôi đã làm mất, nhưng tôi còn giữ lại giấy vay của bà Hồng ngày 10/10/2010 (ÂL)”.

Trong khi bản tự khai đề tên Nguyễn Thị Hồng (do người khác viết thay, kí thay) đề ngày 16/5/2011 ghi: “Vào ngày 13/12/2008 (AL) chị Hồng vay 74.000 (có thể hiểu là 74 triệu đồng - PV). Tiếp vào ngày 10/12/2009, gốc cộng lãi = 146.000 (có thể hiểu là 146 triệu đồng - PV). Lãi của 5 tháng: 21.900 (có thể hiểu là 21.900.000 đồng)…”. Tính đến ngày 10/11/2009, gốc cộng “lãi mẹ” đẻ “lãi con” là 217.415.000 đồng.

Tại bản tự khai ghi tên bà Nguyễn Thị Hồng (cũng do người khác viết thay, kí thay) không đề ngày tháng thể hiện, bà Thủy có 17 lần lấy tiền từ bà Hồng, với tổng số 144 triệu đồng.

Không hiểu bà Thủy “thôi miên” bà Hồng và cán bộ tòa án bằng cách nào, mà ngày 25/5/2011, TAND huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh) lập biên bản hòa giải thành cho các đương sự công nhận: “Bà Nguyễn Thị Hồng đồng ý trả cho bà Dương Thị Thủy 400 triệu đồng; bà Dương Thị Thủy đồng ý nhận khoản tiền mà bà đã cho bà Hồng vay là 400 triệu đồng”.

Đúng 7 ngày sau (1/6/2011) TAND huyện Kỳ Anh (cũ) ban hành Quyết định số 07/2011/QĐST-DS, công nhận: “Bà Nguyễn Thị Hồng thỏa thuận trả cho bà Dương Thị Thủy số tiền nợ là 400 triệu đồng; Kể từ ngày bà Dương Thị Thủy có đơn yêu cầu thi hành án, Cơ quan Thi hành án đã triệu tập hợp lệ mà bà Nguyễn Thị Hồng không chịu trả số tiền trên, thì hằng tháng bà Hồng phải chịu một khoản tiền theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với số tiền trên và thời gian chậm trả”.

Chi cục trưởng THADS vi phạm luật và lừa dân?

Sau khi có Quyết định số 07 về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, bà Hồng về quỳ gối, tạ lỗi trước chồng con trình bày sự việc, mong được chồng cho li hôn để được chia tài sản chung lấy tiền trả nợ, giữ được tình nghĩa vợ chồng. Không ngờ ngày 16/7/2012, ông Hưng, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Kỳ Anh có Công văn số 146/CV-CCTHA, gửi UBND thị trấn Kỳ Anh (nay là phường Sông Trí) và Phòng Tài nguyên và Môi trường: “Tạm dừng việc đăng kí, chuyển dịch tài sản…”, ngăn ông Châu, bà Hồng chuyển quyền sử dụng đất và nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 738169, nên vụ việc trở nên phức tạp, kéo dài. Bà Hồng phải nhờ người trợ giúp, gửi đơn yêu cầu Báo Người cao tuổi làm rõ.

Theo đăng kí lịch làm việc của nhóm người được bà Hồng ủy quyền, ngày 10/5/2018, ông Nam, Chi cục trưởng Chi cục THADS thị xã Kỳ Anh mời các đương sự đến Chi cục THADS để trao đổi. Bà Hồng và người được ủy quyền đề đạt nguyện vọng, sau đó được sự thống nhất của ông Nam và ông Hiếu, Phó Trưởng phòng chuyên môn, Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh, trong vòng 4 ngày, bà Hồng sẽ lo đủ 100 triệu đồng nộp cho THA. Ông Nam sẽ chịu trách nhiệm làm việc với phường và huyện cho ông Châu, bà Cúc làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Yêu cầu bà Hồng viết đơn tự nguyện trả nợ. Bà Hồng không tin lời ông Nam nói, nên đã hỏi ý kiến phóng viên, yêu cầu phóng viên chứng kiến.

Thế nhưng, khi bà Hồng vay “nóng” đủ 100 triệu đồng nộp cho Chi cục THADS, thì ông Nam lại giở trò, trả lời vòng vo, không chịu làm văn bản chấm dứt tạm chuyển dịch theo quy định, khiến bà Hồng và người được ủy quyền đòi trả lại số tiền đã nộp cho ông Nam. Sự việc trở nên gay gắt, ông Nam bị tố lừa đảo…

Bà Hồng bức xúc: “Tui không biết nên dở dại kí vào biên bản chịu nợ bà Thủy 400 triệu đồng, mà không trừ 144 triệu đồng bà Thủy đã lấy. Tui đã nộp cho THA gần 200 triệu đồng rồi, nhưng ông Nam vẫn bắt tui trả tiếp 150 triệu đồng và viết giấy nợ bà Thủy 50 triệu đồng nữa thì mới được bán đất. Vừa qua, tui đề nghị với ông Nam, ông Hiếu trao đổi với bà Thủy cho tui được trả 100 triệu đồng nữa là xong. Bà Thủy đã đồng ý và nói với ông Nam, ông Hiếu là do tại bà Hồng… nếu bà Hồng xin khéo thì tui cũng cho luôn. Vậy mà, khi tui vay tiền lãi suất cao nộp cho ông Nam, mong được làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, nhưng ông Nam lại thất hứa. Như vậy là ông Nam đã lừa đảo tôi và gia đình, cũng như người được ủy quyền”.

Người được bà Hồng ủy quyền nói: “Chấp hành viên chỉ được thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa”, theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 Luật THADS năm 2008. Tòa quyết định công nhận việc thỏa thuận trả nợ, nếu bà Hồng không chịu trả, thì hằng tháng bà Hồng phải chịu một khoản tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định… Bà Thủy không có đơn yêu cầu, THA chưa triệu tập hợp lệ, hai bên chưa thống nhất phương án trả nợ, sao lại ban hành công văn “cấm” chuyển dịch tài sản?

Điều 69 Luật THADS năm 2008 quy định: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng kí, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản”. Tại sao Công văn số 146 lại có hiệu lực đến 6 năm? THA không kê biên tài sản, sao không thông báo cho phường và Phòng Tài nguyên và Môi trường biết? Ông Hiếu trả lời: “Việc này không phải là yêu cầu bắt buộc, mà luật đã quy định thì cứ thế mà làm”.

Việc làm của ông Nam không chỉ vi phạm quy định tại Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 74 Luật THADS, mà còn vượt quá thẩm quyền của chấp hành viên. Đề nghị Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh làm rõ, xử lí nghiêm minh, trả lời Báo Người cao tuổi theo quy định của Luật Báo chí.

Tác giả: Chí Thúc - Hương Nguyên

Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP