Nhân ái

Hà Tĩnh: Tình cảnh đáng thương của cậu bé 8 tuổi bị bại não

Biết chứng bệnh bãi não của con trai thơ bé vẫn có thể chạy chữa, ước vọng con trai có thể cất lời gọi tên bố mẹ kéo dài suốt suốt 8 năm ròng vẫn có thể trở thành hiện thực, vậy mà người mẹ phải ngậm ngùi bất lực vì không biết lấy đâu ra tiền đưa con đi bệnh viện.

Người mẹ đáng thương tên là Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1988, tay cầm chặt túi ni lông đựng rất nhiều giấy tờ từ bệnh án, phiếu nhập-xuất viện, phiếu hẹn tái khám của nhiều bệnh viện suốt… 8 năm ròng.

“Nhẽ em đưa cháu đi cùng, nhưng cháu quá yếu, không đi lại được, em phải gửi ở nhà để ông nội cũng đau yếu trông dùm. Em không rõ em đi đây rồi con ở nhà sẽ ra sao”- Hạnh mở túi ni lông đưa tôi tập giấy tờ bệnh tình của con trai rồi nói trong hai hàng nước mắt.

Nhiều giấy khám bệnh của các bệnh viện ghi rõ, bệnh nhân Nguyễn Bảo Nam, SN 2010 bị chứng bại não, suy hô hấp. “Cháu nó tội quá anh ạ. Em mang thai được 7 tháng thì sinh non. Cũng vì thế mà khi sinh ra cháu nó yếu, rồi bị chứng bệnh bại não. Đã 8 năm rồi, năm nào em cũng đưa cháu đi viện, nhưng tất cả đều vô vọng”- Hạnh nghẹn lòng nói.

Hạnh mang theo tấm ảnh về đứa con trai ngồi một chỗ với lời tâm sự nhói lòng: "Thật sự em không muốn đưa ảnh con trai lên, vì cứ nhìn thấy cháu như thế em càng thêm dằn vặt".

Thương tình cảnh ngặt nghèo của Hạnh, quặn lòng trước lời khẩn thiết “Em chỉ mong con trai một lần gọi được tên bố mẹ, như thế đã là hạnh phúc lớn nhất của cả cuộc đời em rồi” của người người phụ nữ khốn cùng vượt hàng chục cây số đi tìm niềm may cho con, tôi đã ngược lên xã miền núi Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để thăm bé Bảo Nam.

11h trưa, trời nắng như đổ lửa, ngôi nhà của Hạnh nhỏ bé, như chiếc hộp dựng nghiêng trông thật thảm thương. Chồng Hạnh đi làm thuê chưa về, mái nhà lợp bằng tôn 2 ông cháu cùng bị bệnh tật ngồi trên xe lăn. Nhìn bé Nam mà rưng rưng khóe mắt. Đôi chân, đôi tay cháu gầy trơ, cứng như thanh củi. Thi thoảng hai bàn tay cháu cứ co bóp, nắm chặt vào nhau.

Bảo Nam bị bệnh bại não, suy hô hấp phải ngồi trên chiếc xe lăn tự chế. Ông nội Nam ngồi trông cháu mà nước mắt lưng tròng vì bản thân ông cũng bị tai biến ngồi một chỗ, không giúp đỡ được gì.

Dẫu bị bệnh, nhưng bé Nam vẫn có thể nhận biết người lạ. Nhà ít khi có người đến, nên bé Nam có phần sợ hãi. Bé huơ tay, khuôn mặt căng thẳng, lo sợ. Khuôn mặt non nớt của bé chợt thay đổi, trở nên ngây ngô, thảm thương đến nhói lòng.

Bé Nam tội nghiệp có phần sợ hãi khi xuất hiện người lạ

Nghe tiếng chó sủa, biết nhà có khách, Hạnh vội vã từ vườn chạy vội vào. Chỉ kịp chào khách, người mẹ khắc khổ ướt đẫm mồ hôi ôm chầm lấy con. “Mẹ đây, mẹ đây. Mẹ xin lỗi phải để con ở nhà như thế này. Con đừng sợ, không sao mà con” – Hạnh vừa ôm con vừa vỗ về.

Chỉ kịp chào khách, người mẹ ướt đẫm mồ hôi chạy tưới bên con. Vừa vỗ về để con đỡ sợ, người mẹ cứ xin lỗi con vì đã sinh con ra mà không thể lo cho con trọn vẹn.

Rồi Hạnh lại làm cái việc mà suốt hàng ngàn ngày từ khi biết con bị bại não không thể đi lại cô đã làm, đó là dùng đôi tay thô ráp, sần sùi của mình xoa bóp cho con trai. Phải cố sức lắm người mẹ mới mới kéo được các ngón tay, ngón chân co quắp, cứng đơ của con trai ra. Vừa nấn, vừa xoa, nước mắt của Hạnh lại ngân ngấn, giọng mếu máo: “Các bác sĩ yêu cầu vợ chồng em phải 2 tháng đưa con ra thăm khám để điều chỉnh phác đồ điều trị, nhưng tiền mô (đâu) có mà đưa cháu đi anh. Vậy là vợ chồng em chỉ còn biết thay nhau xoa bóp như này cho con. Có lẽ trời thương cho nỗ lực của vợ chồng em mà chân tay cháu còn cử động được, cháu còn nhận biết nhiều thứ khác”.

Phải khó khăn lắm người mẹ mới lôi được những ngón tay đã co quắp lại. Người mẹ rớt nước mắt nói, có lẽ trời thương cho nỗ lực của vợ chồng mà chân tay con còn cử động được.

Vừa bóp tay cho con Hạnh vừa kể về tia hi vọng cứu con. Đó là cách đây gần đúng 1 năm, đưa con đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinemec (Hà Nội) các y bác sĩ nói bệnh tình của Bảo Nam có thể cứu chữa. Kể đến đây Hạnh òa khóc như một đứa trẻ lên ba: “Vợ chồng em chưa kịp vui mừng thì phía bệnh viện thông báo chi phí để cấy ghép tế bào não gốc cho con lên đến hơn 600 triệu đồng. Vợ chồng em có tội với con, con có cơ hội chữa trị mà vợ chồng em còn nợ hơn 100 triệu đồng chưa biết lấy đâu để trả. Bất lực, ngậm ngùi, vợ chồng em chỉ còn biết xin lỗi con, rồi bế con về nhà ở vậy cho đến giờ”.

Một năm trước đưa con đi Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, vợ chồng Hạnh được thông báo là con có thể chữa trị bằng phương pháp cấy tế bào gốc vào não. Nhưng được thông báo khoản chi phí hơn 600 triệu đồng khiến vợ chồng Hạnh phải ngậm ngùi đưa con về quê.

Quá trưa Bảo Nam đói lắm rồi. Hạnh lấy cơm cho con cố đút cho con ăn. Bữa ăn của một đứa trẻ bệnh tật chỉ có cơm chan ít nước mắm suông. Hạnh bảo, nhà có gầy ít gà thi thoảng đẻ trứng dành cho con ăn, nhưng mới rồi lơ đễnh chuột đã tha đi, bữa cơm của con vì thế đã nhạt, lại càng nhạt hơn. Con khó nuốt, người mẹ thân thương lại đút cho con muỗng nước sôi để nguội. Vừa đút, Hạnh vừa xin lỗi con: “Bố mẹ xin lỗi con, bố mẹ sinh con ra mà không lo được cho con. Con thương bố mẹ thì ăn đi con nhé”.

Nhà khánh kiệt, nợ nần lên đến hơn 100 triệu đồng chưa biết lấy đâu để trả, nên vợ chồng Hạnh chỉ lo cho con được những bữa cơm đạm bạc.

Suốt 8 năm ròng nuôi con, đút cơm, mớm cháo cho con, Hạnh chưa một lần được nghe con trai gọi tên bố, tên mẹ. Tình mẫu tử chưa giờ thiêng liêng đến thế với Hanh khi cô biết bệnh tình của con trai vẫn có thể chạy chữa.

Chia tay Hạnh, cô nói lại với tôi, cô không muốn đưa con lên mặt báo một chút nào, nhưng vì sự sống của con, vì ước mong một ngày con trai có thể cất tiếng gọi bố, gọi mẹ, mà vợ chồng cô đành phải nhờ đến các tấm lòng hảo tâm. Cũng cảnh chăm con của chị gái mang trọng bệnh, chứng kiến những ngày bi đát chị gai túng thiếu trăm bề, nên tôi hiểu lời khẩn cầu của Hạnh như cắt ruột, cắt gan. Xin hãy cho vợ chồng Hạnh có được ngày con trai biết gọi tên bố mẹ!!!

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 2988: Chị Nguyễn Thị Hạnh, xóm La Khê, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Số ĐT: 0979.018730; hoặc 0162.873.0885

Tác giả: Văn Dũng - Trần Điều

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP