Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Tình yêu nơi tuyến lửa

Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), nơi bắt đầu con đường Trường Sơn lịch sử đã phải oằn mình hứng chịu những trận bom ác liệt của chiến tranh. Nơi đây cũng đã chứng kiến bao chuyện tình trong sáng thời lửa đạn của các anh hùng thanh niên… Những chuyện tình đẹp đẽ ấy vẫn đang lưu giữ tại Ngã ba Đồng Lộc qua các kỷ vật chiến tranh…

45 năm giữ gìn kỷ vật tình yêu…

Một câu chuyện tình yêu lãng mạn và đầy cảm động của ông Phạm Quý Lân (SN 1948), trú thị trấn Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), đơn vị pháo phòng không, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Hà Tĩnh với cô TNXP Nguyễn Thị Ái Mậu, tổng đội 55 TNXP Hà Tĩnh được “ẩn dấu” trong chiếc bình cắm hoa chế từ vỏ đạn 38 ly và một cái võng Tô Châu, nơi hai người đã từng ngồi chung với nhau cùng cái gối trắng do chính tay chị Mậu thêu hai chữ “H-C” vừa được anh Lân “công khai” khi đem tặng những kỷ vật này cho Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trưng bày. Những kỷ vật này, anh Lân đã gìn giữ gần nửa thế kỷ, với mối tình thầm lặng đi qua chiến tranh. Cách đây tròn 13 năm về trước, hay tin người xưa vĩnh viễn ra đi trong một vụ TNGT, anh đã mang tất cả kỷ vật cùng bí mật mối tình sắt son ấy, trao tặng bảo tàng với mong muốn, những thế hệ sau sẽ biết đến một góc thiêng liêng trong tình yêu kỳ vĩ của người lính trên chiến trận một thời.

Câu chuyện tình yêu lãng mạn và đầy cảm động của cựu binh Phạm Quý Lân với cô TNXP Nguyễn Thị Ái Mậu mãi được lưu giữ theo năm tháng

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của anh Phạm Quý Lân ở thị trấn Nghi Xuân. Ngôi nhỏ, nằm nép mình bên dòng sông Lam hiền hòa, nơi có bến Giang Đình thơ mộng. Anh lính pháo cao xạ phòng không năm xưa giờ đã là bố của ba đứa con, chiến tranh lùi xa, ông đã phải chật vật với nghề sửa chữa xe đạp, xe máy để nuôi các con ăn học. Hai trong số 3 người con đang định cư bên trời Âu, người vợ, cũng là người đồng đội, đồng chí, chị Ngô Thị Chư (SN 1950), nguyên cán bộ của

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, là một người rất mực yêu thương và hiểu chồng hơn bất cứ ai trên đời này. Câu chuyện về 48 năm năm trước diễn ra trên tuyến lửa Đồng Lộc, được anh Lân sẻ chia đầy xúc cảm, và được người vợ hiền cảm thông rất mực, như chính cái cách chị đã làm vậy suốt 48 năm qua.

Nhiều kỷ vật chiến tranh hiện đang được lưu giữ tại Ngã Ba Đồng Lộc

Anh Lân tâm sự, vào khoảng tháng 5/1968, khi anh Lân vào núi chặt lá ngụy trang che pháo thì gặp các cô TNXP Nguyễn Thị Ái Mậu đang san lấp đường sau trận bom. Anh đã gặp Mậu, người con gái hóm hỉnh, dễ thương đã gieo vào lòng anh nỗi nhớ thầm ngay lần đầu gặp gỡ. Đêm hôm ấy, đơn vị anh được lệnh hành quân qua khe Giao để về Đồng Lộc, và trong đêm tối, anh chị nhận ra nhau từ giọng nói. Hai người chỉ kịp hỏi tên, địa chỉ của nhau rồi mỗi người một hướng. Bỗng hai tháng sau, anh Lân nhận được thư, ngoài phong bì đề tên “Nguyễn Thị Ái Mậu – TNXP gửi anh Lân”. Đọc thư, Lân cảm động vô cùng khi Mậu nhắc lại kỷ niệm hai lần gặp gỡ. Tranh thủ giây phút trực chiến trên mâm pháo, anh đã biên thư lại cho người con gái trong mộng của mình. Sau đó, anh Lân theo đơn vị sang Lào, hai người bặt tin nhau. Mãi đến năm 1971, anh bất ngờ nhận thư được Mậu, cho biết đang đóng quân ở Khe Giao, lúc này anh Lân đã nhận nhiệm vụ mới tại đơn vị Quân y tỉnh đội.

Một buổi trưa nắng hè, khi anh Phạm Quý Lân đang nằm trên chiếc võng Tô Châu nghỉ ngơi thì thấy bóng dáng một người con gái quần lụa, áo hồng, choàng khăn bước tới. “Anh nhận ra dáng em rồi. Linh tính báo vì mấy ngày trước em có thư hẹn anh. Khi đến gần, anh đứng lên chào thì em cười, tay em cầm gói nhỏ sau lưng rồi đưa cho anh. Anh mở ra và quá bất ngờ vì đó là một chiếc gối trắng, bốn góc thêu 4 loài hoa hồng, hoa sim, hoa mua và hoa đào, chính giữa thêu hai trái tim lồng vào nhau thành hai chữ H-C. Khi anh thắc mắc tại sao không thêu tên hai đứa, thì em hóm hỉnh cho biết: H-C là tình yêu của chúng ta, “Hãy – Chờ” anh ạ”, hồi ký của anh Lân ghi lại giây phút hai người trao nhau kỷ vật. Cũng lần ấy, hai người đã ngồi chung trên chiếc võng Tô Châu, minh chứng cho tình yêu của đôi trẻ. Để rồi sau đó, Nguyễn Thị Ái Mậu ngậm ngùi chia tay người yêu để lên đường đi học ngoài Bắc theo sự phận công của đơn vị, trong khi anh Phạm Quý Lân tiếp tục chiến đấu trên tuyến lửa. Hai người thời gian sau đó vẫn thư từ động viên qua lại với nhau, anh Lân đã chọn một vỏ đạn 38 ly nguyên vẹn nhất, cặm cụi làm thành cái bình hoa để sau này tặng người yêu, nhưng tiếc là đã không còn dịp nào nữa.

Hòa bình lập lại, anh Phạm Quý Lân chuyển đơn vị công tác, Ái Mậu cũng ra trường và nhận nhiệm vụ mới ở đơn vị thông tin thuộc Quân khu 4, hai người bặt tin nhau từ đấy. Sau rất nhiều nỗ lực nhưng bất thành, anh Lân lập gia đình với người đồng chí cùng đơn vị, là chị Ngô Thị Chư. Chị Nguyễn Thị Ái Mậu cũng kết lập gia đình với một người cùng đơn vị, hai người có hai cuộc sống, hai mái ấm gia đình yên ổn nhau nhưng không quên tìm nhau giữa dòng đời xô đẩy. Mãi đến năm 1991, sau hơn 20 năm chia biệt, anh Lân và chị Mậu mới gặp lại nhau, họ cùng ngỡ ngàng khi biết rằng chỉ sống cách nhau chưa đầy 10 cây số, giữa đôi bờ Lam Giang. Biết nhau, chị bế con đến nhà gặp anh, dù biết anh đã có gia đình êm ấm. Lần gặp ấy, anh đưa cho chị xem những kỷ vật mà mình nâng niu suốt 20 năm qua, chị cười bảo anh hãy chờ. Chờ sau này khi con cái chúng mình lớn lên, hai bên dẽ làm thông gia cùng nhau. Có ai ngờ, đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của hai người. Chiến tranh ác liệt không làm cho con người gục ngã, nhưng hòa bình lại cướp đi sinh mạng của chị. Chị đã không qua khỏi và ra đi trong một vụ tai nạn giao thông.

Ấy là vào năm 2003, khi nghe tin chị Ái Mậu qua đời, anh Lân đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi, cuối cùng lần tìm ra địa chỉ nhà của người yêu cũ, ở mãi tận Kim Bôi (Hòa Bình). Anh lập bập bắt xe ra Bắc, đến đứng trước ngôi mộ trắng của chị, xin phép thắp nén hương rồi khấn vái hai chữ “Hãy – Chờ”. Anh Lân nghẹn ngào: “Anh đứng trước nấm mộ vôi trắng bên cạnh nhà em ở Kim Bôi (Hòa Bình), xin phép em cho anh gửi lại 3 vậy kỷ niệm: vỏ đạn, cái gối và cái võng của chúng ta mà anh đã cất giữ suốt 45 năm qua, vào nơi lưu giữ kỷ vật chiến tranh của Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc anh hùng”.

Anh Phạm Quý Lân chia sẻ, anh hạnh phúc khi được hai người phụ nữ yêu thương, và ai cũng rất thật lòng, yêu thương chân thành. Người vợ hiện tại của anh, chị Ngô Thị Chư cũng là một phụ nữ tuyệt vời hiếm thấy, 45 năm anh gìn giữ kỷ vật của người xưa, chị không những không ghen tuông mà còn động viên, chia sẻ anh tìm người cũ khi hay tin chị Mậu chẳng may qua đời. Giờ, anh Lân cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, khi đem những kỷ vật ấy gửi lại tại Ngã ba Đồng Lộc, nơi bắt đầu tình yêu của hai người trên tuyến lửa huyền thoại.

Sắt son lọn tóc thề…

Ngã ba Đồng Lộc không chỉ là nơi ghi lại những dấu ấn đánh Mỹ kiên cường một thời của quân và dân ta. Nơi đây, 10 nữ trinh liệt TNXP hy sinh ở tuổi đời còn đang rất trẻ để lại những mối tình làm lay động lòng người. Lọn tóc thề của nữ TNXP Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng 10 nữ TNXP là một minh chứng cho tình yêu tuổi trẻ thời đạn bom khói lửa…

Lọn tóc thề của nữ TNXP Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng 10 nữ TNXP là một minh chứng cho tình yêu tuổi trẻ thời đạn bom khói lửa…

Các đây hơn nữa thế kỷ, người lính Trường Sơn Nguyễn Đức Hồng (SN:1943) và cô gái TNXP Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng của 10 nữ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, ở cùng làng, cùng cách nhau “mấy dậu mồng tơi”. Ông Hồng hơn cô Tần 1 tuổi nhưng lúc nhỏ 2 người học cùng lớp, chơi thân thiết và luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Năm 1964, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, lúc đó người thanh niên Nguyễn Đức Hồng đã gác lại chuyện học, làm đơn xin nhập ngũ...

Nay là một thương binh ¾ trở về sống tại xóm Tân Hạ, xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) với một người vợ khác cùng 4 đứa con trưởng thành nhưng người cựu chiến binh này không giấu giếm về mối tình đầu của anh với chị Tần.

Ông Hồng nhớ lại: Tôi và Võ Thị Tần sinh ra và lớn lên cùng làng và chơi thân với nhau. Từ việc học đến việc đồng áng, tôi và Tần luôn giúp đỡ và san sẻ cho nhau, và tình yêu nảy nở lúc nào không hay. Tần là con người đa cảm, sống thủy chung, cô ấy đã chọn tôi để trao gửi tình yêu đầu đời tinh khôi của lứa tuổi học trò và tôi cũng rất yêu cô ấy. Ba ngày trước khi tôi nhập ngũ, hai gia đình đã làm lễ vật tổ chức đính hôn và hẹn ngày đất nước hòa bình, tôi trở về sẽ tổ chức đám cưới. Ngày tôi lên đường nhập ngũ, trời Can Lộc mưa xối xả, Tần đã lội nước lên huyện tiễn tôi. Trước khi tôi hành quân, Tần đã cầm tay tôi và nói: “Đây là lọn tóc thề em trao gửi cho anh, vào chiến trường coi như đã có em bên cạnh. Anh đi phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu anh bỏ về em sẽ không đến với anh”. Mang theo kỷ vật và lời dặn thiêng liêng của người yêu, anh Hồng hành quân vào tuyến lửa Quảng Trị gia nhập đơn vị C1 Lê Hồng Phong, Trung đoàn F270 bảo vệ giới tuyến. Kể từ đó, người lính trẻ luôn mang theo báu vật bên mình, sau những trận đánh ác liệt lại đưa lọn tóc thề của Tần ra ngắm. Lời nhắn nhủ và hy vọng về một tình yêu thủy chung son sắt của Tần như tiếp thêm sức mạnh cho anh.

Tháng 1.1966, ông Hồng được điều ra đảo Cồn Cỏ chiến đấu và canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng này. “Hơn bốn năm “ăn cơm bờ Bắc đánh giặc bờ Nam”, tôi đã cùng đồng đội vào sinh ra tử, cùng quân và dân nơi địa đầu tuyến lửa giành giật từng tấc đất ngọn cây với kẻ thù. Giữa năm 1968, tôi bị trọng thương trong một trận chiến đấu giữ đảo, hiện còn 6 mảnh đạn trong người. Sau một thời gian điều trị vết thương tôi được điều ra Bắc học tập. Khi đi qua cầu Nghèn (Can Lộc), tôi gặp một người cùng làng và được báo tin cô Tần đi TNXP làm nhiệm vụ thông đường tại tuyến lửa Ngã ba Đồng Lộc và đã hy sinh…” – kể về ngày hay tin chị Tần hi sinh ông Hồng rưng rưng nước mắt.

Lúc ấy, cả quãng đường từ Quảng Trị về quê dài hàng trăm km nhưng ông không thấy mệt, mà về gần nhà nhận được tin dữ khiến quãng đường chưa đầy 2km nặng như đeo chì. Cầm trên tay bức ảnh và lọn tóc thề của Tần, nước mắt ông Hồng giàn giụa. “Mặc dù chưa cưới nhưng tôi coi Tần như là vợ mình, vì vậy tôi đã lập bàn thờ của Tần ở nơi trang trọng trong nhà”- ông Hồng tâm sự.

Năm 1972, ông Hồng học xong về công tác tại Quân khu 4 ở Nghệ An. Có điều kiện gần nhà, từ đó, việc lớn, việc nhỏ gì của gia đình Tần, ông Hồng đều xắn tay vào gánh vác. Với ông đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ. Mãi không thấy ông Hồng đả động gì chuyện vợ con, chính bố Tần đã đích thân sang nhà chị Võ Thị Minh người cùng xóm dạm hỏi cho ông Hồng, nhờ sự tác hợp đó mà bây giờ vợ chồng ông Hồng đã có với nhau 4 người con. Bà Võ Thị Minh tâm sự: “Từ ngày nhận lời lấy ông Hồng, tôi coi chị Tần như chị cả, mỗi lần đến ngày giỗ chạp, tôi đều làm mâm cơm thắp hương cho chị. Không chỉ anh Hồng, trong gia đình tất cả mọi người đều tưởng nhớ và coi chị Tần như người thân trong gia đình”.

Hàng năm, cứ đến ngày dỗ chị Tần hay ngày lễ, tết nhiều người vẫn thấy một người đàn ông quen thuộc đạp chiếc xe đạp đến ngã ba Đồng Lộc đặt bó hoa tươi thắm lên mộ nơi chị Tần đang an nghỉ…

Tác giả: Văn Tuân

Nguồn tin: Thời báo Doanh nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP