Đặc Sản Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Thành triệu phú nhờ cam đặc sản được giá vụ Tết

Nhiều người trồng cam tại xã Hương Đô, Hà Tĩnh thu về cả trăm triệu đồng trong những ngày này khi vụ cam Tết được giá, đắt hàng.

Cam Khe Mây (xã Hương Đô, Hà Tĩnh)  từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng không chỉ bởi màu đỏ gạch đẹp mắt mà còn ở vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, tép mọng nước. Đặc sản này đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây, đặc biệt vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Năm nay, người trồng cam càng phấn khởi bởi cam đã ra những lứa quả đều và đẹp. Thời điểm này, ở Hương Đô, không chỉ thương lái nhỏ lẻ mà các nhà buôn lớn từ Hà Tĩnh, Vinh, Hà Nội cũng đều đã tìm về tận vườn để mua được cam chính gốc.

Đang nhanh tay đóng cam vào thùng gửi đi cho khách, ông Đinh Văn Oánh (61 tuổi), chủ vườn cam ở xóm 2, xã Hương Đô (nơi được cho là thủ phủ cam Khe Mây) cho hay năm nay tuy mưa nhiều, lũ lại bất thường, gia đình có mất đi khoảng mấy tấn cam. Tuy nhiên, sâu bệnh lại ít, giá cam cao nên tính ra người trồng cũng có khoản thu lớn từ vụ cam Tết.

Thanh trieu phu nho cam dac san duoc gia vu Tet hinh anh 1
Cam Khe Mây trở thành đặc sản nổi tiếng không chỉ bởi màu đỏ gạch đẹp mắt, mà còn ở vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, tép mọng nước. Ảnh: Văn Trường.

Là hộ dân trồng cam ở vùng Khe Mây lâu năm, với gần 7.000 gốc cam trên diện tích gần 40 hecta đất vườn, mỗi năm, ông Oánh thu hoạch trên 10 tấn cam. Với giá bán tại vườn từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, ông vẫn lãi 500-600 triệu đồng.

Theo chủ hộ, gia đình trồng chủ yếu là hai giống cam chanh và cam bù. Thời gian thu hoạch cam chanh từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, còn cam bù thì từ tháng 11 âm lịch đến tháng 2 năm sau.

“Bây giờ, nhiều khách gọi hỏi đặt mua để biếu nhưng cũng không còn, vì từ đầu tháng 10 nhiều khách quen từ ngoài Hà Nội và các tỉnh khác đã đặt trước” ông Oánh cho hay.

Ông Lê Hoàng Hòe (58 tuổi), người có thâm niên trồng cam Khe Mây hơn 15 năm, cho biết gia đình ông trồng hơn 2.000 gốc cam, chủ yếu là cam chanh và cam bù có tuổi thọ 3-4 năm. Số cam này được trồng trên diện tích gần 4 hecta.Mỗi năm, gia đình ông có thu nhập vài trăm triệu.

Thanh trieu phu nho cam dac san duoc gia vu Tet hinh anh 2
Hầu hết bà con vùng cam Khe Mây đang tăng cường chăm bón số cam bù còn lại trong vườn, chuẩn bị cho dịp Tết. Ảnh: Trường Văn.

Trước đó, ông Hoè tính đến khả năng gia đình ông thiệt hại gần 60 triệu đồng vì cam rụng khoảng 2 tấn sau mưa lũ kéo dài. Dù thế, may mắn là cuối năm, giá bán cao nên tiền thu về cũng bù lại được phần nào.

Hiện tại, trong vườn nhà ông Hoè, cam chanh đã được bán hết. Ông chỉ còn vài tạ cam bù chín vào dịp gần Tết nhưng phần lớn cũng đã được đặt hàng trước. Với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg, thu từ cam của gia đình ông Hoè cũng được khoảng vài chục triệu đồng.

Tại Khe Mây, cam được trồng tập trung ở xóm 1, 2, 3 và 6 thuộc xã Hương Đô. Thời điểm này, gần 100 hộ trồng cam nơi đây cũng đang tất bật thu hoạch cam vụ Tết.

Ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch xã Hương Đô cho biết từ những năm 1992, nhiều người dân đã vào vùng Khe Mây phát quang, mở trang trại và đem giống cam thuần chủng về trồng. Hiện toàn xã có 113 hộ trồng. Cam cũng là loại cây trồng chủ lực trong dự án phát triển kinh tế trang trại Yên Sơn – Khe Mây. Theo ông Quang, gần 20 năm nay, thứ đặc sản này đã là cây trồng giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Trường Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP