Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, trong thời điểm toàn thành phố liên tục đối mặt với ngập lụt, người dân tìm cách khắc phục hậu quả của mưa lũ, ngày 01/11/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh đã ra Quyết định 2300/QĐ-UBND, cho phép thành lập Hội Câu cá.
Có rất nhiều ý kiến trái chiều về quyết định thành lập Hội Câu cá thể thao TP Hà Tĩnh. Đa số người cho rằng, Hà Tĩnh đang chịu thiệt hại lớn do mưa lũ, thay vì thành lập Hội Câu cá để giải trí, cần tập trung công tác cứu trợ, chia sẻ, động viên với đồng bào vùng lũ.
Trận mưa lớn vào tối 14/10, khiến nhiều tuyến phố Hà Tĩnh bị ngập sâu. |
Trao đổi với PV, ông Lê Hữu Hiệp, Phó Trưởng phòng Nội vụ TP Hà Tĩnh cho biết: UBND thành phố không trực tiếp thành lập, mà thành phố cho phép thành lập Hội Câu cá, theo Nghị định 45 và Nghị định 33.
“Theo quy định, sau khi họ nộp đủ hồ sơ, theo thủ tục hành chính của tỉnh, trong vòng 15 ngày, UBND TP phải công nhận hoặc không công nhận cho họ (Hội Câu cá – PV), nếu không công nhận thì phải có lý do chính đáng. Qua xem xét điều lệ và phương thức hoạt động, chúng tôi thấy hội này có một số ưu điểm”, ông Hiệp cho biết.
Quyết định 2300/QĐ-UBND, cho phép thành lập Hội Câu cá thể thao TP Hà Tĩnh, khiến dư luận có nhiều ý kiến. |
Là người trực tiếp ký quyết định, ông Hà Văn Trọng, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh trình bày: “Khi xin ý kiến Ban Dân vận thành ủy, MTTQ, Phòng văn hoá… thành phố, đều nhất trí cho phép thành lập. Hội Câu cá là tổ chức tự nguyện, tự trang trải kinh phí”.
“Còn việc chúng tôi cho thành lập Hội Câu cá vào đúng thời điểm tỉnh và thành phố đang ngập lụt, cũng là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trước đó, ngày 14/10, họ nộp hồ sơ. Theo quy định, sau 15 ngày, chúng tôi phải có kết quả trả lời”, ông Trọng giải thích về việc ra văn bản cho thành lập một tổ chức mang tính giải trí, trong thời điểm mưa lũ.
Qua việc này, UBND TP Hà Tĩnh cũng ghi nhận, tiếp thu những nội dung báo phản ánh; qua đó rút kinh nghiệm sâu sắc khi ban hành các văn bản, vào những thời điểm chưa phù hợp.
Thuý Nga