Dự án đầu tư

Hà Tĩnh: Thảm bê tông nhựa dưới trời mưa to – bảo sao không chóng hỏng

Dù trời đang mưa như trút nước, mặt đường lầy lội, nhưng đơn vị thi công tuyến đường 26/3 tại Hà Tĩnh vẫn cho công nhân tiến hành rải thảm đường. Với phương cách thi công cẩu thả như vậy, đoạn đường với số tiền đầu tư gần 100 tỷ đồng này không nhanh chóng bong tróc, xuống cấp mới là chuyện lạ.

>> Mưa như trút nước, chủ đầu tư vẫn cho nhà thầu thảm bê tông nhựa

Theo phản ánh của Dân trí ngày 8/9, dự án mở rộng, cải tạo tuyến đường 26/3 có chiều dài 2km đi qua địa bàn các phường Nam Hà, Văn Yên, Đại Nài thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư cho dự án này lên đến gần100 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp là 50 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án do UBND TP Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, ba nhà thầu là Công ty 474, Công ty 487 và Công ty cổ phần xây dựng số 1 Hà Tĩnh thi công, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty cổ phần Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ Hà Tĩnh. Tuy nhiên, việc thi công dự án tiền tỷ này đang khiến nhiều người dân và một số đơn vị quản lý hết sức ngạc nhiên, bất bình.

Theo đó, đêm ngày 5/9, Hà Tĩnh có mưa lớn. Nhưng nhà thầu thi công tuyến đường 26/3 là Công ty CPQL&XD Công trình giao thông 487 (Khu quản lý đường bộ 4) vẫn cho công nhân tiến hành thảm nhựa mặt đường. Chỉ sau vài chục phút, hàng chục mét đường lênh láng nước đã được nhà thầu thảm nhựa xong.

Do mưa lớn kéo dài khiến mặt đường vừa sũng nước, vừa không đảm bảo tiêu chuẩn cần thiết. Dù nhà thầu đã cắt cử một số công nhân dùng xuổng, cuốc vét rãnh, sau đó dùng thau tát nước để đổ thảm, nhưng do mưa quá lớn nên giải pháp trên gần như vô tác dụng.

Theo đại diện của Hội KH&KT Cầu đường Hà Tĩnh, nhiệt độ của bê tông nhựa (BTN) là yếu tố quyết định chất lượng mặt thảm. Mưa lớn là điều kiện thời tiết tối kỵ để trải nhựa thế mà nhà thầu vẫn tiến hành thi công là quá ẩu. Mưa lớn, gió mạnh sẽ khiến nhiệt độ của hỗn hợp bê tông nhựa sau khi rải xuống mặt đường sẽ giảm dưới chuẩn cho phép (120 độ). Vì vậy, bê tông nhựa sẽ không đảm bảo yêu cầu tối thiểu để lu lèn chặt. Điều đó có thể khiến mặt đường dễ bong tróc, tuổi thọ công trình không đảm bảo.

Việc thiếu kiểm soát công tác thi công của các nhà thầu đang tạo ra sự lãng phí trong đầu tư khiến một phần không nhỏ tiền thuế của dân đang bị sử dụng không hiệu quả. Liệu 2 km đường với số tiền đầu tư cả trăm tỷ đồng này sẽ sử dụng được bao lâu hay chẳng mấy chốc lại hỏng hóc, sụt lún. Để rồi trách nhiệm chẳng ai phải chịu, còn tiền của dân vẫn tiếp tục được vô tư lấy ra để tu sửa, chỉnh trang những công trình bị hư, hỏng do thi công không đảm bảo chất lượng.

Theo Vĩ Thanh (Songmoi.vn)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP