Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: Tát biển… tìm sắt (kỳ II)

Kể từ khi chứng kiến mẻ sắt đầu tiên được phát lộ ở độ sâu 8 mét vào dịp tháng 3 năm ngoái, rất nhiều người thầm phục cuộc hành trình “tát biển tìm sắt” của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê.

Mới đó đã hơn 1 năm, một năm phải chịu nhiều thiên tai bão tố và sự tăng giá của thị trường, nhưng nhờ có “nghị lực thép”, những người thợ mỏ đã vượt qua tất cả để hôm nay trên công trường vẫn rộn ràng tiếng xe tiếng máy và tôi thêm một lần nữa được nhìn rõ hàng trăm tấn quặng sắt nằm sừng sững giữa lòng moong.

Khi tất cả đều chuyển động

Có lẽ tôi không thuyết trình thêm về tiềm năng 544 triệu tấn sắt ở mỏ sắt Thạch Khê này nữa. Vấn đề bây giờ là hành động vì chúng ta đã cất công đi tìm kiếm hơn 4 thập kỷ rồi, làm được sắt cũng lắm gian nan và phải chờ đợi thêm một thời gian nữa mới gặt hái được thành quả” – Tổng Giám đốc Cty cổ phần sắt Thạch Khê Hồ Đức Bình vừa nói, vừa nhấc điện thoại gọi cậu văn phòng chuẩn bị cho tôi nghiên cứu thêm tài liệu mới trong buổi làm việc này. Khác với phong cách nhiều vị lãnh đạo mà tôi đã gặp, ông là người không bỗ bã, nói năng thận trọng, tiết kiệm lời, nhưng có một điều tiếp xúc với ông ai cũng khá tâm đắc với tác phong làm việc công nghiệp và tâm huyết với những dự định mình làm.

Tôi hỏi ông Bình: “Nhiều tin đồn trận lũ thế kỷ vừa rồi các lòng moong bị cát khoả lấp, nước biển ập vào có đúng không?”. Ông Bình đáp: “Thiệt hại của lũ tất nhiên là có, nhưng không như thiên hạ tung tin đâu. Chúng tôi đủ năng lực để làm vì chỉ huy điều hành luôn thống nhất, công nghệ thi công hiện đại, hơn nữa đội ngũ kỹ sư trẻ vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa nhiệt tình…”.

Thế là những thông tin về “lòng moong vỉa quặng” bắt đầu được khơi ngòi. Công việc đầu tiên thủ tục pháp lý đơn vị đã nối “mạch truyền dẫn” thấu suốt tới mọi mối quan hệ: Từ việc công nhận kết quả cấp đất trữ lượng, cấp đất tài nguyên của Bộ TNMT đến phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng tái định cư UBND tỉnh Hà Tĩnh. Một thành viên trong Hội đồng quản trị bộc lộ cho tôi những khó khăn đương thời của đơn vị, đó là công ty có tới 9 cổ đông, nhưng năng lực tài chính một số cổ đông còn hạn chế, đã thế lại bị ảnh hưởng suy thoái toàn cầu.

Chưa có “con ngựa khoẻ” để dìu “con ngựa yếu” cùng chạy nên cuộc hành trình khá vất vả. Trong “cái khó ló cái khôn”, sự khôn được thể hiện từ Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đến Giám đốc Xí nghiệp TIC mỗi ngày đều biết chọn cho mình một niềm vui trong công việc: Biết tiết kiệm thời gian, biết tiết kiệm chi phí nhiên liệu, biết sử dụng năng lực từng người ở từng vị trí công tác. Người chỉ huy tìm sắt này không đông về số quân và ào ạt theo kiểu “phong trào”, mà năng suất thể hiện từng ngày từng giờ bằng những chiếc xe ôtô vận tải, những máy húc máy đào, máy bơm hút nước tân tiến nhất với định mức kinh tế rất cụ thể.

Mỗi ngày trên công trường, các cỗ máy ăn hết bao nhiêu dầu mỡ để dịch chuyển bao nhiêu khối đất cát và hút bao nhiêu lượng nước biển đổ vào lòng hồ tất cả đều được cập nhật nhanh qua hệ thống vi tính. Kể từ ngày 20.3.2010, khi tổ máy xúc của Xí nghiệp mỏ TIC tiếp cận thân quặng ở độ sâu 8 mét, hầu như những người thợ da sạm nắng Thạch Khê, quần áo bảo hộ dính đầy bụi cát vẫn sớm khuya có mặt trên công trường. Lòng moong càng sâu hun hút những khối đất tầng phủ giấu bọc quặng sắt càng vơi dần. Anh Hoàng Đại Lợi – Giám đốc Xí nghiệp TIC – cho biết: “Với tinh thần lao động cật lực, đến nay các nhà thầu đã bóc được hơn 72% kế hoạch trong tổng số 11,5 triệu mét khối đất” .

Việc đưa sắt từ dưới đáy biển lên đã khó, chuyện làm nên thép cũng không dễ, chính vì thế tất cả mọi công việc đều chuyển động. Những dự án mang tầm chiến lược tương lai như xây dựng nhà máy phôi thép tại Khu kinh tế Vũng Áng với diện tích 310ha, tổng mức đầu tư 1,235 tỉ USD đã được chính quyền địa phương Hà Tĩnh phê duyệt và cắm mốc… đủ hiểu tất cả quê hương đều hành quân vào trận mới.

Gặp lại đội quân bóc đất tầng phủ

Mặc dầu buổi sáng đầu tháng 4 trời se se lạnh, nhưng chỉ đi bách bộ vài trăm mét xuống lòng moong, tôi đã phải cởi ngay chiếc áo ấm khoác trên người. Trong làn sương biếc của biển vẫn hiện lên chi chít những hố ngang hố dọc. Tôi không nhìn rõ khuôn mặt người thợ trong buồng lái, nhưng đã thấy cỗ máy xúc, máy đào “cười nhe răng hết cỡ” với cái cổ vươn dài như cổ “khủng long thời tiền sử” rồi ngoặm sâu từng thớ cát đổ ngay vào thùng xe rào rào.

Mười chiếc máy xúc gàu thuỷ lực màu sơn vàng trên công trường dần dần lăn bánh, hết quay trái đến quay phải, làm việc cật lực nhưng không hề biết mỏi mệt, bởi trước khi vào mỏ đã được cánh thợ cho ăn no, ăn đủ dầu mỡ rồi. Xe vận tải tới chờ khoảng 15 phút, thùng xe đã đầy ắp đất cát. Mỗi gàu xúc với dung tích từ 2,8m3 – 4m3. Mỗi chuyến xe vận chuyển 1.200m3/ngày và 60 chuyến xe lần lượt quay vòng thì các cỗ máy xúc phải làm hết cường độ là 2,4 vạn mét khối đất. Cánh thợ ở đây thường quen gọi những máy xúc gàu thuỷ lực được xếp diện phương tiện sản xuất tiện ích nhất, bởi nó vừa cơ động, vừa thi công được trên nền cát sét và nền địa chất yếu.

Chả thế mà từ ngày khởi công tới bây giờ khi ý thức người thợ “yêu xe như con, quý xăng như máu” thì lòng moong sâu mấy máy xúc cũng lội và đường vào mỏ dẫu vòng cua nhiều tới mấy xe vận tải cũng đủ sức vượt qua.

Đứng từ trên cao nhìn xuống các lòng moong có chỗ nước khô như chảo rang trong màu cát đen xỉn lộ nguyên cả những vỏ sò vỏ ốc, có chỗ nước đang còn dâm dấp bàn chân chỉ cần vòi bơm hút vài tiếng nữa là cạn kiệt. Một núi sắt hiện lên trước mặt tôi trong như hòn non bộ của “thần biển” sắp đặt. Kỹ sư khai thác mỏ Trần Lương Kỳ cho biết: “Đây là khối quặng sắt được phát lộ lần thứ hai với trữ lượng khoảng 400 ngàn tấn quặng, hàm lượng sắt chứa hơn 70%.

Đã có nhiều vị khách khi ngắm núi sắt này đều thốt lên chao ôi sắt nhiều như vậy ư?”. Anh Kỳ đầu đội chiếc mũ nhựa màu vàng, chân bận đôi ủng đen, suốt ngày “cắm chốt” ở hiện trường nên anh thuộc cả tên tuổi và năng suất làm việc ở từng tổ đội. Theo những thông số mà anh Kỳ cung cấp thì công việc bóc đất tầng phủ đến đầu tháng 4 năm 2011 này đã đạt hơn 7 triệu mét khối đất, chỉ còn 3,5 triệu mét khối nữa là kết thúc giai đoạn đầu của kế hoạch bóc đất. Đứng trên đụn cát khổng lồ nhìn xe vào, xe ra trông chẳng khác gì đàn kiến đang cần mẫn đưa mồi về tổ.

Điều ngạc nhiên là những con ‘’kiến sắt” có “chân bốn bánh” này với trọng tải 39,5 tấn đất đã làm thay đổi hẳn cảnh quan: Từ doi cát biển ngang hoang vắng bỗng chốc thành khu vực công nghiệp sôi động với diện tích khai trường đã được mở rộng hơn 90ha. Nơi độ sâu mà tôi đứng quan sát hiện trường hôm nay đã xuống -22m.

Anh Hoàng Quang Cường (quản đốc công trường Công ty cổ phần than Cọc 6) – người có mặt đầu tiên sau lễ khai trương bóc đất tầng phủ – bảo tôi: “Xe ngày và đêm chạy thông suốt chính là nhờ đường nội mỏ tốt, sáng kiến nhất và tiết kiệm được chi phí nhất là dùng cát khai trường đổ dày lên các tuyến đường vận tải, vừa không phải tăng lượng đất cát ở ngoài vào, vừa giảm lớn được chi phí đầu tư”.

Từ lòng moong, tôi quay trở ngược xem hồ môi trường. Hồ có diện tích rộng hơn 170.000m2 với trữ lượng chứa được hàng chục triệu khối nước thải. Mặt hồ tĩnh lặng, xập xoè những cánh én chao nghiêng trên mặt nước. Anh cán bộ kỹ thuật đi cùng tôi giải thích cho tôi hiểu khái niệm cơ bản của hồ môi trường đó là nơi tích tụ của phần nước từ khai trường ở mỏ. Các hệ thống lắng lọc, các quai đê bảo vệ được thiết kế rất khoa học. Với chức năng quan trọng là vừa đảm bảo an toàn về môi trường, vừa làm nhiệm vụ chống ngập úng cho vùng mỏ khi mưa to gió lớn.

Đưa dân về nơi ở mới

Sau chuyến đi thị sát bóc đất tầng phủ ở Thạch Khê về, tôi đã tìm và gặp ông Võ Kim Cự – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – để hiểu thêm vấn đề quan tâm hiện nay là chuyện giải phóng mặt bằng và đưa dân lên khu tái định cư mới ở mỏ sắt Thạch Khê. Là một người đã có kinh nghiệm chỉ đạo thành công việc giải phóng mặt bằng Khu kinh tế Vũng Áng để Tập đoàn Pomosa tiến hành xây dựng thuận lợi, nên ông rất có lòng tin ở dân sẽ ủng hộ tích cực với chiến lược kinh tế lớn của tỉnh.

Ông Võ Kim Cự nói: “Khi tất cả mọi hệ thống chính trị đều vào cuộc thì sẽ tạo nên nhận thức đúng và niềm tin lớn trong dân. Muốn dân tin mọi việc đều phải cân nhắc tính toán kỹ trước khi hành động, bởi diện tích đất phải thu hồi 3.898ha với 3952 hộ ở 6 xã: Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Bàn, Thạch Đỉnh… phải di dời tới điểm mới không phải là chuyện ngày một ngày hai mới thành công được…”. Ông Cự cho biết thêm: “Việc giải phóng mặt bằng sẽ làm theo hình thức cuốn chiếu, phải lo cho dân an cư đã, không để tình trạng đất bỏ hoang mà dân thiếu việc làm”.

Tôi hiểu việc hình thành được 19 điểm mới, với 5 trung tâm cụm xã, các nhà chức trách đã soạn thảo ra hàng núi hồ sơ. Tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư cho dự án này hơn 3.478 tỉ đồng (trong đó 1.504 tỉ đồng đền bù cho giải phóng mặt bằng, 1.186 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng các điểm tái định cư, 45 tỉ đồng phục vụ cho đào tạo nghề và chuyển đổi nghề) thực sự là một quyết sách lớn của Đảng lo cho dân không chỉ hiện tại mà tương lai lâu dài nữa. Trong cuộc sống, những “đồng tiền khôn” sử dụng đúng mục đích sẽ tạo nên hiệu quả lớn vừa “ích nước”, vừa “lợi nhà”.

Cuộc di chuyển của những vùng dân nằm trong dự án khai thác phải là một cuộc chuyển đổi về nhận thức trong toàn xã hội. Biết hy sinh, biết nhận gian khổ về mình thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở từng gia đình ở mỗi làng, mỗi xóm sẽ xoá đi những mâu thuẫn tranh chấp, những dị nghị hẹp hòi, những đòi hỏi quá cao so với chính sách. Không có vinh quang nào không trải qua những thách thức lớn. Chính vì vậy, một Hà Tĩnh giàu về sắt trong tương lai phải bắt đầu từ điểm tựa lòng dân.

Phan Thế Cải

Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP