Nhiều cột điện trơ gốc vì nạn khai thác đất đá, thậm chí có nơi chính quyền còn cho xây khu tái định cư ngay dưới đường dây 500 kv.
Nguy hiểm rình rập
Chúng tôi có mặt tại khu vực ven núi xã Ngọc Sơn, Thạch Hà, cả một khu rừng xanh mướt trước đây. nay thay vào đó là một màu vàng nham nhở của đất đá. Từng đoàn xe tải chở đất vào ra tấp nập. Đập vào mắt đó là hình ảnh hai chiếc cột điện 500 kV nằm trơ trọi giữa những vũng nước bị máy cào xới, có cột nằm trơ ra giữa khu đất bị nạo vét hết xung quanh.
“Mỗi lần chạy xe qua khu vực này thấy trong người ớn lạnh. Nếu xảy ra lũ lớn, chắc hai chiếc cột này sẽ không đứng vững”, một tài xế xe tải nói.
Được biết, vào ngày 20/1/2013, tại xã Ngọc Sơn, một người dân sử dụng máy đào để mở đường vào rừng khai thác gỗ. Khi đi đến đoạn dưới hành lang đường dây 500kV, do vi phạm khoảng cách an toàn dẫn đến phóng điện từ dây dẫn pha C xuống gàu múc gây ra tiếng nổ lớn. Rất may sự cố này không gây thiệt hại về người, không gây mất điện.
Theo quan sát của PV Tiền Phong tại khu vực xã Thạch Ngọc, đường dây 500kV đi qua, có nhiều nơi cây cối vươn cao chỉ cách đường dây chừng vài mét. Nguy hiểm hơn, tại nhiều cánh đồng hệ thống dây võng xuống nằm sát mặt đất, trong khi đó phía dưới người dân đang đốt rơm. Tại nhiều khu rừng của huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh nơi có đường dây 500 kV đi qua, người dân ngang nhiên đốt rừng lấy củi ngay dưới chân cột điện.
Mỗi lần chạy xe qua khu vực này thấy trong người ớn lạnh. Nếu xảy ra lũ lớn chắc hai chiếc cột này sẽ không đứng vững .
Một tài xế xe tải nói
Cũng tình trạng này, tại xã Phú Lộc, Can Lộc, nhiều điểm chôn cột bị người dân khai thác đất sát chân cột, có cột nằm trơ trọi giữa đám đất bị đào xới xung quanh, chỉ cần một cơn mưa lớn, đám đất này sẽ xói mòn, chiếc cột này sẽ đổ xuống bất cứ lúc nào.Tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, nguy hiểm hơn khi chính quyền sở tại cho xây khu tái định cư ngay dưới đường dây 500kV. Là đơn vị quản lý, nhưng lãnh đạo Truyền tải điện Hà Tĩnh khẳng định không nhận được bất cứ thông báo nào về việc này.
Qua kiểm tra thực tế, khu tái định cư đang bắt đầu làm đường, Truyền tải điện Hà Tĩnh đã làm công văn gửi Sở Công thương Hà Tĩnh đề nghị tạm dừng xây dựng khu tái định cư để kiểm tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và đưa ra các phương án để đảm bảo an toàn lưới điện.
Hậu quả khó lường
“Với tình trạng khai thác đất, đá làm trơ lại những cột điện tại xã Ngọc Sơn và Phú Lộc, nếu như không khắc phục ngay thì tải trọng đè lên chân cột sẽ yếu đi gây nguy cơ đổ rất cao. Lúc đó, hậu quả sẽ khó lường hết!”, ông Nguyễn Trọng Thược – Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh nói.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV Tiền phong tại nhiều nơi, việc khắc phục của Truyền tải điện Hà Tĩnh cũng chỉ dừng lại ở việc tạm dừng không cho người dân khai thác đất vào sâu chân cột.
Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh cho biết, hiện nay người dân vẫn chưa ý thức hết mức độ nguy hiểm nên một số trường hợp vẫn cố tình vi phạm an toàn lưới điện.
“Trước đây, các hiện tượng vi phạm thả diều, làm vỡ sứ, hay tháo dây chằng, ốc vít. Nay nguy hiểm hơn, nhiều nơi có đường dây đi qua người dân trồng cây lâm nghiệp, khai thác rừng, khai thác đá xây dựng, thi công cơ giới dưới hành lang an toàn lưới điện”, ông Thược nói.
Được biết, tại mỗi xã có đường dây đi qua, Cty đã làm hợp đồng với một người để bảo vệ và trông coi tại các điểm cột. Tuy nhiên, theo một số người làm bảo vệ, công việc của họ cũng chỉ là quan sát. “Chính quyền xã ngang nhiên cho phép các cá nhân và doanh nghiệp vào khai thác. Khi phát hiện ra sự việc, chúng tôi vào ngăn cấm nhưng họ không chấp hành”, một bảo vệ cho biết.
Trả lời PV Tiền Phong về việc chính quyền xã Tùng Ảnh xây dựng khu tái định cư ngay dưới đường dây 500kV đi qua, ông Thược cho biết, đã gửi công văn cho các cơ quan chức năng để dừng việc thi công. “Bây giờ, họ cứ khẳng định an toàn, nếu xảy ra sấm, sét phóng điện sẽ rất nguy hiểm”, ông Thược nói.
Theo thống kê của Truyền tải điện Hà Tĩnh, hiện trên địa bàn có nhiều công trình giao thông nông thôn khi làm mới hoặc sửa chữa đã tự nâng nền lên vi phạm an toàn lưới điện 500 KV. “Nhiều đoạn đường khi nghe bảo vệ các xã báo, xuống kiểm tra thì sự việc quá muộn”, Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh nói.
Truyền tải điện Hà Tĩnh quản lý tuyến đường dây dài 250km (hai dây) trải dài trên 47 xã thuộc 5 huyện ở Hà Tĩnh. Nếu sự cố xảy ra thì sẽ gây mất điện cả 2 miền Nam – Bắc.
Minh Thùy
Tại Nghệ An, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Truyền tải điện Nghệ An ngày 29/5 cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố trên đường dây 500 KV làm mất điện 22 tỉnh miền Nam, Truyền tải điện Nghệ An đã tổ chức đoàn kiểm tra, thành lập tổ công tác tuyên truyền bảo vệ lưới điện quốc gia; bố trí người giám sát an toàn về điện khi thi công các công trình hoặc khai thác cây ngoài hành lang đường dây. Số điện thoại nóng cần liên hệ hỗ trợ: 0963.229.473; 0963.551.220.
Q.Long
Tiền Phong