Các sân trượt patin ngày càng vắng khách. |
Chúng tôi tìm đến sân trượt patin của anh Phạm Viết Đỉnh (xã Mỹ Lộc, Can Lộc) vào giờ “vàng”, tuy nhiên, trên sân khá vắng vẻ, chỉ có một vài thanh niên đang trượt. Theo anh Đỉnh thì gia đình đã bỏ ra gần 100 triệu đồng để xây dựng sân. Ban đầu, trung bình mỗi ngày có 80–90 lượt khách đến sân chơi, với giá vé 5.000-10.000 đồng, tính ra, mỗi đêm cũng thu về 600 –700 ngàn đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công việc kinh doanh của gia đình anh trở nên khó khăn, thua lỗ khi lượng khách đến sân ít dần.
Cùng cảnh như anh Đỉnh là CLB Patin của anh Nguyễn Hoàn (xã Đồng Lộc, Can Lộc) mới được thành lập hơn 3 tháng với số vốn đầu tư trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, nên chỉ hoạt động từ 16h-23h. Mỗi giờ, thu phí 5.000–10.000 đồng, với trẻ em 4–5 tuổi, anh, không tính tiền, nên thu nhập không được là bao. Tương tự, anh Quân (cùng xã) cũng mạnh dạn đầu tư hơn 80 triệu đồng xây dựng sân, tuy nhiên, anh đang phải cải tạo làm sân bóng chuyền vì không có khách. “Khoảng 1 tháng đầu rất đông khách. Với giá vé 5.000 đồng/h, sau khi trừ chi phí, tôi thu 500–600 ngàn đồng/ngày, nhưng càng về sau càng ít dần và đến nay hầu như không có khách” – anh Quân buồn bã cho biết.
Hiện nay, nhiều sân patin ở các huyện khác như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TX Hồng Lĩnh… cũng đang rơi vào tình cảnh vắng khách, thua lỗ.
Điều kiện kỹ thuật không đảm bảo an toàn cho người chơi |
Theo lý giải của các chủ sân, khi mới ra đời, môn thể thao mới lạ này đã thu hút sự tham gia của đông đảo thanh, thiếu niên. Nhận thấy điều đó nên nhiều người đầu tư xây dựng sân bãi, khiến số lượng sân patin tại nhiều xã tăng, trong khi nhu cầu ngày càng ít dần do điều kiện kinh tế, thu nhập của các gia đình. Hơn nữa, hiện nay, phần lớn các em phải tập trung vào việc học, cộng với thời tiết mưa gió càng khiến các sân patin vắng khách, hoạt động cầm chừng và hầu như không thể thu hồi vốn.
Việc sân patin tại các vùng quê trở nên vắng khách ngoài nguyên nhân do nhu cầu giảm sút thì còn do hầu hết các sân đều không đảm bảo các điều kiện an toàn cho người chơi. Mặc dù patin là trò chơi lành mạnh, bổ ích cho giới trẻ, nhưng nếu không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật an toàn cũng như sân bãi thì rất dễ gây tai nạn cho người chơi.
Qua tìm hiểu, rất nhiều sân patin ở các vùng quê không đảm bảo tiêu chuẩn về kỹ thuật và độ an toàn. Thiết kế mặt sân không đáp ứng các điều kiện như: phần lướt sóng không đủ độ dài tối thiểu 3m theo quy định, tay vịn không chắc, mái che không đảm bảo; phòng thay đồ, nhà vệ sinh, bảng nội quy đều không đạt yêu cầu. Các dụng cụ bảo vệ quan trọng như: mũ bảo hiểm, ốp khuỷu tay, khuỷu chân… hầu như không có. Đặc biệt, các sân đều không có hợp đồng với huấn luyện viên hướng dẫn, nhân viên y tế và cơ sở y tế gần nhất. Có thể nói, việc kinh doanh sân patin ở các vùng quê rơi vào cảnh ế khách, thua lỗ là hệ quả của sự nóng vội, ăn theo thị hiếu nhất thời của các hộ kinh doanh. Hy vọng, qua sự việc này, người dân sẽ biết cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng trước khi đầu tư, kinh doanh trên lĩnh vực thể thao.
Để patin phát huy hiệu quả và không xảy ra hậu quả đáng tiếc, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, thanh kiểm tra các điểm kinh doanh môn thể thao mới mẻ này.
Phúc Quang