Xã Cẩm Hưng nằm ở phía nam, giáp liền với thị trấn Cẩm Xuyên, là một vùng quê miền Trung đồng chua, nước mặn, bạc màu khí hậu vô cùng khắc nghiệp. Nhưng cũng chính vùng đất cằn cỗi ấy lại có truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng đã sinh ra cố tổng bí thư Hà Huy Tập. Người dân nơi đây chất phác thật thà, chịu thương chịu khó cải tạo ruộng đồng, đất đai.
Từ một xã nghèo, UBND xã cùng người dân đã phấn đấu phát triển để trở thành một xã NTM, nâng chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây lên một mức sống mới, thoát nghèo bền vững. Cuộc sống của người dân nơi đây đang từng ngày thay đổi, phát triển kinh tế bền vững nhờ vào nghề trồng đào.
Vườn đào gia đình ông Lê Văn Quyền. |
Cây đào ở xã Cẩm Hưng đã trở thành một thương hiệu mà không những người dân trong huyện Cẩm Xuyên mà các huyện lân cận đều biết đến. Hàng năm, người dân xã Cẩm Hưng cung cấp một lượng lớn cây đào chơi tết cho người dân trong huyện Cẩm Xuyên cũng như trong tỉnh Hà Tĩnh.
Sau những ngày rét đậm rét hại, chúng tôi đã có một buổi về thăm làng trồng đào ở xã Cẩm Hưng vào một ngày đẹp trời giáp tết Bính Thân. Đi dọc con đường vào làng, tất cả người dân trong làng đang tất bật làm việc chăm sóc những cây đào trong vườn nhà mình.
Khi vào đến làng chúng tôi được người dân giới thiệu và chỉ đường đến nhà ông Lê Văn Quyền là trưởng thôn cũng là nhà có nghề trồng đào lâu nhất làng.
Vào đến nhà ông Quyền đập ngay vào mắt chúng tôi đầu tiên là cảnh những cây đào trong vườn đang đua nhau khoe sắc giữa tiết trời giá lạnh tạo nên một khung cảnh rất đẹp.
Hoa đào Cẩm Hưng có những nét đẹp riêng của mình. |
Ông Quyền đang tỉa lá cho những cây đào trong vườn, thấy chúng tôi đến thăm ông nghỉ tay và mời vào nhà uống nước.
Nhâm nhi ly trà nóng trên tay, khi được chúng tôi hỏi về cây đào Cẩm Hưng, ông tự hào chia sẻ: “nghề trồng đào đã có từ lâu ở trong làng. Gia đình ông là một trong những hộ trồng đào sớm nhất trong làng. Người dân trong làng thoát nghèo, vươn lên làm giàu cũng nhờ vào nghề trồng đào.”
Chia sẻ về nghề trồng đào ông cho biết: “đào là một cây thuộc họ thân gỗ, nên trồng đào cũng không khó, điều quang trọng là đất để trồng đào. Đào trồng thì có thể sống ở các loại đất tuy nhiên để đào phát triển tốt thì phải trồng đào ở nơi đất tơi xốp và vùng đất cao không trũng nước.
Chăm sóc đào không khó, sau mỗi lứa đào bán đi đất được xới lên và tạo thành từng luống cao để trồng lứa đào mới. Hàng năm cứ cách tết khoảng giữa tháng 11(âm lịch) là tỉa hết lá để cho hoa ra vào đúng dịp tết.
Ngày trước mới chỉ gia đình tôi và một số hộ nữa trồng đào, thấy trồng đào tốt đưa lại thu nhập cao nên gia đình chúng tôi đã vận động và chỉ cách cho người dân trong làng trồng đào, mang lại thu nhập cao cho các gia đình trong làng.”
Vừa uống trà vừa cười vui vẻ ông Quyền nói: “năm nay gia đình tôi có hơn 100 gốc đào bán trong dịp tết này. Trung bình giá bán là hơn một triệu đồng mỗi gốc và tổng giá bán là được hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí chăm sóc đào thì mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 60 triệu đồng nhờ vào cây đào. Mỗi dịp cuối năm đều có thương lái đưa xe đến tận vườn thu mua và chở đi các huyện lân cận bán. Đào Cẩm Hưng đã tạo nên thương hiệu nên không những các thương lái mà người dân trong huyện cũng như các huyện lân cận đến tận vườn để mua đào về chơi tết.”
Ông Quyền đang tỉa lá cho cây đào. |
Ấm trà đã cạn và câu chuyện cũng dần kết thúc chúng tôi rất vui vì được gặp ông và được nghe ông chia sẻ về nghề trồng đào, và vui hơn nữa khi thấy cuộc sống của mỗi gia đình trong làng đào ở xã Cẩm Hưng đang hàng ngày thay đổi, phát triển nhờ vào cây đào.
Chào tạm biệt ông Quyền ra về chúng tôi không quên chúc cho không những gia đình ông mà cho những gia đình trồng đào trong làng ngày càng phát triển, mang thương hiệu đào Cẩm Hưng đi xa hơn nữa để đem lại cho không những người dân trong huyện mà cả các huyện lân cận những cây đào đẹp, những cái tết thật trọn vẹn.!
Quốc Cường – Mai Nguyễn