Công trình đưa vào sử dụng cũng là lúc các hạng mục bị hoen gỉ, hư hỏng nghiêm trọng
Năm 2004, công trình thủy lợi Đập Đá, xã Phúc Trạch được khởi công xây dựng nhằm phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa và bưởi trên địa bàn. Dự án có tổng vốn 9,7 tỷ đồng do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư. Đơn vị thiết kế là Cty Tư vấn xây dựng số 9 Hà Tĩnh. Đơn vị thi công là 3 Cty: TNHH XD Bình An; Thủy lợi Hương Khê và Cty CP Xây dựng Xuân Hà.
Sau một năm thi công, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Thời điểm này người dân mừng như “mở cờ trong bụng”, đua nhau đi mua đường ống, vòi bơm để lấy nước tưới cho cây bưởi.
Thế nhưng, sau khi ấn khóa vận hành các khe đầu nối của đường ống dẫn bị rò rỉ, nước phun trào khắp nơi, chảy tràn khắp vườn nhà dân. Trong thời gian này, nhà thầu tiếp tục sửa chữa các sai sót, đến mãi năm 2015, công trình mới được bàn giao.
Cuối tháng 9/2016, PV NNVN mục sở thị công trình đúng mùa mưa lũ nhưng nước trong bể chứa vẫn cạn trơ đáy, hệ thống đường ống dẫn van điều khiển bị hoen gỉ, bong tróc, rêu phong phủ kín. Cách đó chừng 20m, nhà vận hành bỏ hoang, bị đập phá, cỏ dại mọc um tùm. Hệ thống dẫn nước dài hơn 5km nhiều chỗ đang bị rò rỉ nước.
Khi được hỏi về công trình Đập Đá, chị Nguyễn Thị Hoa, xóm 4 lắc đầu ngao ngán cho biết, công trình được xây dựng hơn chục năm rồi. Ngày vận hành đưa vào sử dụng nước tràn khắp vườn nhà chị khiến cây cối bị ngập úng. Đơn vị thi công nhiều lần đến sửa nhưng mãi vẫn không sử dụng được.
Đập tràn khô khốc giữa mùa mưa lụt
PV hỏi: Tại sao công trình chưa sử dụng được nhưng vẫn tiến hành bàn giao, ông Khang nói: “Khi bàn giao nghiệm thu, công trình được thi công theo đúng hồ sơ thiết kế phê duyệt và tại thời điểm đó việc xả nước diễn ra bình thường nhưng sau một thời gian vận hành mới xảy ra vấn đề (?!)”.
Do đặc thù đất Hương Khê nói chung, xã Phúc Trạch nói riêng là “chảo lửa, túi mưa” của tỉnh Hà Tĩnh nên mùa nắng cây trồng thường “khát” nước, đến mùa mưa lại ngập úng. Khi xây dựng công trình Đập Đá gia đình chị Hoa và rất nhiều hộ dân khác đặt hi vọng vườn bưởi sẽ thoát khỏi cảnh hạn hán và ngập úng. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
“Công trình tưới tiêu có cũng như không. Mấy năm nay để có nước tưới cho gần 100 gốc bưởi, gia đình tôi chỉ còn cách đào ao, bơm nước dưới lòng đất lên. Có những năm nắng hạn gay gắt bưởi không có nước tưới héo queo, nhiều cây chết khô”, chị Hoa nói.
Ông Đinh Công Ba, xóm 5 bức xúc cho biết, công trình đầu tư gần 10 tỷ đồng mà bỏ hoang hơn chục năm nay, không phát huy hiệu quả. Cứ thi công, vận hành kiểu này thì Hương Khê vẫn cứ “khát”, còn tiền của Nhà nước tiếp tục bị lãng phí.
Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Trần Quốc Khánh, công trình thủy lợi Đập Đá đi qua 7/11 xóm của xã Phúc Trạch, có nhiệm vụ tưới tiêu cho 80ha lúa và 250ha trồng bưởi. Khi đưa vào sử dụng, chỉ cung cấp nước cho cây lúa chứ không phục vụ được cho cây bưởi.
Nhà điều hành bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm
Thời điểm ấn nút vận hành thì nước bị rò rỉ ở các đầu nối, tràn khắp vườn dân. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, chủ đầu cũng nhiều lần cho sửa chữa nhưng đến nay vẫn không sử dụng được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Khang, Trưởng BQL xây dựng cơ bản huyện Hương Khê thừa nhận thực trạng người dân phản ánh là đúng. Theo ông Khang, công trình được thi công đúng thiết kế, tuy nhiên hồ sơ thiết kế chưa thực sự phù hợp, nhất là ở khâu đường ống nên khi đưa vào sử dụng có nhiều bất cập.
T.NGA – T.ĐAN