Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột non cho bệnh nhân ung thư

Đây là loại phẫu thuật khó, từ trước đến nay chỉ thực hiện được ở một vài bệnh viện lớn có chuyên khoa tiết niệu và lần đầu tiên thực hiện thành công tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Bác sĩ Nguyễn Viết Đồng, Phó Giám đốc Sở Y tế – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện vừa phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng đoạn ruột non cho bệnh nhân Lương Xuân Hoan – 56 tuổi (quê ở Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị ưng thư bàng quang tái phát.

Đây là loại phẫu thuật khó, từ trước đến nay chỉ thực hiện được ở một vài bệnh viện lớn có chuyên khoa tiết niệu và lần đầu tiên thực hiện thành công tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Phương pháp này giúp cho các bệnh nhân ung thư bàng quan có cuộc sống gần như bình thường sau khi mổ.

ung thư bàng quangHiện tại bệnh nhân đã tự ngồi dậy, ăn uống, tiểu tiện bình, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới

Bệnh nhân Hoan cho biết: “Năm 2009 và 2013 tôi đã được phẫu thuật nội soi qua đường niệu đạo cắt u bàng quang ở Bệnh viện Giao thông vận tải và Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Thế nhưng, gần đây tôi bị đau bụng, đau lưng, người mệt mỏi, thường xuyên đi tiểu và đái ra máu nhiều lần nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe”. Tại đây, các bác sĩ phát hiện khối u bàng quang đa ổ tái phát, kích thước khối u lớn nhất 5 x 6cm ở thành trước của bàng quang nên chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân. Kíp mổ đã cắt toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch và lấy ruột non của bệnh nhân để tạo hình bàng quang. Sau hơn 2 tuần phẫu thuật và điều trị tích cực, bệnh nhân đã được rút hết toàn bộ dẫn lưu, đi tiểu theo đường tự nhiên và sức khỏe đã ổn định. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Trần Đức Dũng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, tạo hình bàng quang bằng quai ruột (ruột non) là một kỹ thuật khó đối với bác sĩ tuyến tỉnh và phải tiến hành qua nhiều công đoạn, đòi hỏi độ chính xác cao mới có thể tránh được những tai biến, biến chứng và thành công được. Theo đó, sau cắt bỏ toàn bộ bàng quang, bác sĩ sẽ tái tạo một bàng quang mới bằng cách dùng một đoạn ruột non tạo thành một túi chứa nước tiểu; miệng túi nối trực tiếp với niệu đạo nên bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu theo đường tự nhiên như trước phẫu thuật.

ung thư xươngThăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Bác sĩ Dũng cho biết thêm, hiện nay, phương pháp điều trị ung thư bàng quang giai đoạn sớm là phẫu thuật. Nếu khối u kích thước nhỏ thì có thể phẫu thuật cắt bỏ u (qua nội soi niệu đạo) mà vẫn giữ được bàng quang. Tuy nhiên, nếu cắt bỏ mà bệnh nhân được tạo hình bàng quang sẽ giảm tỷ lệ tái phát và kéo dài thời gian sống thêm sau điều trị. Kỹ thuật này không chỉ giảm tái phát u, kéo dài thời gian sống mà còn giúp bệnh nhân không phải mang túi nước tiểu cả đời. Những trường hợp bệnh nhân đến viện muộn nên đành phải cắt bàng quang toàn bộ và đưa 2 niệu quản ra da, thậm chí không còn khả nang cắt u bàng quang nữa.

Vì vậy, khi có những biểu hiện bất thường về tiểu tiện như đái ra máu, đái khó… thì nên đến cơ sở y tế được khám phát hiện để điều trị. Đặc biệt nên khám định kỳ để phát hiện sớm kể cả những trường hợp đã được phẫu thuật, bác sĩ Dũng khuyến cáo thêm.

Tuấn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP