Chuyện ông Dinh “6 bom”
Nằm khuất sâu sau khu chợ Mới ở trung tâm thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, ít ai biết có một mái nhà chung của những mảnh đời khuyết tật và kém may mắn. Trước cổng trụ sở hội là quán photocopy, in màu, khách ra vào liên tục. Chủ quán là hai thanh niên tay chân khòng khoèo, từng bước chân tập tễnh khó nhọc nhưng bàn tay thuần thục in từng trang giấy cho khách. Anh Trần Xuân Diệu, 28 tuổi, một trong hai thanh niên, cho biết: “Nhờ có ông Dinh mà bọn em gây dựng được cơ sở này anh ạ!”.
Bước sâu vào bên trong trụ sở của hội là dãy nhà 2 tầng với 9 phòng khang trang, ngăn nắp. Phía cuối hành lang, căn phòng nhỏ có cửa sổ hướng ra vườn cây là nơi ông Dinh làm việc. Đã bước sang tuổi 71, nhưng ông Dinh “6 bom” vẫn mang phong thái đậm chất Bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Rót chén trà nấm Linh chi mời khách, ông Dinh kể cho chúng tôi nghe về cái tên "6 bom" và hành trình thiện nguyện của mình. Ông kể: "Năm 1964, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi về địa phương rồi tham gia thanh niên xung phong. Còn trẻ, lại là đảng viên nên sau một thời gian tôi được nhập ngũ vào chiến trường, tham gia Mặt trận Đường 9-Nam Lào".
Ông Dinh (bên phải) và đồng đội. |
Kéo ống quần đến đầu gối, tay nắm chặt lấy bắp chân, ông kể tiếp: "Vào giữa tháng 10-1966, khi cùng nhóm trinh sát 9 người thực hiện nhiệm vụ đánh chốt, bao vây Đường 9 để bộ binh tiến lên thì đơn vị tôi bị địch phản công. Trận đánh ấy, 3 đồng đội của tôi hy sinh, 4 người bị thương nặng. Tôi bị mảnh bom bắn vào người ngất xỉu".
Sau khi được đưa ra Hà Nội và Nghi Xuân (Hà Tĩnh) dưỡng thương, ông Dinh cùng nhiều đồng đội được đưa trở lại chiến trường lần hai. Năm 1968, khi đang hành quân vào Tây Nguyên, đơn vị của ông gồm 120 người bị địch tấn công, 4 người hy sinh, rất nhiều người-trong đó có ông-bị thương. Tính cả lần bị thương thứ nhất vào năm 1966 thì trên người ông Dinh hiện còn 6 mảnh bom. Đồng đội gọi ông Dinh là “6 bom” cũng vì thế. Với những nỗ lực, cống hiến, 3 năm liền ông Dinh là Chiến sĩ thi đua cấp sư đoàn; năm 1970, ông được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và được đơn vị cử đi học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau đó, ông chuyển về công tác tại Học viện Hậu cần. Vì thông thạo tiếng Lào nên ông được giao quản lý Hệ Quốc tế của học viện cho đến năm 1991 thì nghỉ hưu.
Trở về địa phương, ông được bầu làm bí thư của chi bộ có 74 đảng viên. Năm 2004, ông thành lập câu lạc bộ của người khuyết tật với tên gọi "Sáng tạo Việt" và tham gia chương trình sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội, đoạt giải nhất với phần thưởng 10.000USD. "Phấn khởi lắm! Được chừng đó là tôi về mua tủ, sách, đài cát-xét, tập hợp người khuyết tật tổ chức thành một nhóm"-ông tươi cười kể. Ngay trong năm đó, ông thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi huyện. Đây là hội đầu tiên của tỉnh.
Người xây nền móng
Có hội rồi nhưng chưa có trụ sở, nỗi trăn trở lại thôi thúc ông Dinh nghĩ cách để xây dựng cơ sở. “Ngay chỗ ta ngồi, hồi trước cấp cho nhiều đơn vị không ai lấy, vì thấp hơn mặt đường đến 2,2m, tôi đến trực tiếp đề xuất làm trụ sở cho người khuyết tật. Năm 2005, một người bạn của tôi sinh sống tại Tây Bắc thấu hiểu nỗi lòng nên hỗ trợ 260 triệu đồng. Có tiền rồi, tôi tiến hành giải phóng mặt bằng và trực tiếp lên Hương Sơn mua vật liệu. Khi biết tôi xây dựng trụ sở dành cho người khuyết tật, có rất nhiều người tự nguyện giúp đỡ, ví như: Gạch giá 15, họ lấy tôi chỉ 10; mua gỗ thì được cho 3 khối. Xây xong căn nhà 2 tầng với 9 phòng, tổng số tiền là 2,8 tỷ đồng, tính ra tiết kiệm được 500 triệu đồng”-ông Dinh cho biết.
Có trụ sở, ông tổ chức được 8 lớp dạy nghề với hơn 200 học viên là người khuyết tật trong huyện. Nhưng làm sao để duy trì được lớp học trong điều kiện khó khăn? Ông Dinh liền nghĩ ra cách tận dụng các phòng trống cho thuê để lấy tiền đóng học phí. Không ít lần ông tự bỏ tiền túi để duy trì lớp học. Ông tâm sự: “Vợ con thấy tôi tối ngày tất bật vất vả lo cho người khác, mới đầu không ai cho tôi làm. Nhưng rồi họ cũng đồng tình vì các em, các cháu nạn nhân chất độc da cam mà tôi giúp là con em của những đồng đội tôi đã xả thân vì nước...”.
Ông Dinh tâm niệm, làm từ thiện trước hết là từ cái tâm, nhưng nếu chỉ đơn độc một mình cũng không làm được mà cần sự chung tay của nhiều người. Vì thế, hơn 20 năm qua, ông dốc sức vận động các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người nghèo và thu được những kết quả rất đáng tự hào.
Mang “cần câu” cho người khuyết tật
Theo ước tính, cả huyện Can Lộc có khoảng 500 hội viên nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 400 học viên khuyết tật và nếu tính cả thương binh, bệnh binh phải lên tới con số 7.000 người. Vậy mà với chiếc xe máy cọc cạch, ông lần lượt ghé thăm các gia đình. “Tôi phải đến trực tiếp để biết rõ hoàn cảnh từng người, xem họ cần cái gì để từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp. Nếu chỉ hỗ trợ dăm ba trăm ngàn, họ tiêu cũng hết. Vì thế, quan trọng nhất là tìm được việc làm cho họ”-ông Dinh tâm sự. Với các trường hợp còn đủ sức lao động, ông cho tham gia các lớp học nghề đan mây tre, tin học. Với những trường hợp nặng như gia đình ông Nguyễn Hồng Thi là bộ đội có 2 người con nằm một chỗ hay gia cảnh ông Nguyễn Xuân An có 3 người con bị khuyết tật..., ông kêu gọi xin tài trợ xe lăn, hỗ trợ vật chất.
Được biết, từ năm 2007 đến nay, ông Dinh đã mở hàng chục lớp học nghề, như chăn nuôi, trồng trọt... cho hơn 200 học viên. Hiện tại, ông mở 4 lớp đan mây tre. “Tôi thuê những thợ khéo tay nhất ở Khánh Lộc về dạy theo phương châm "cầm tay chỉ việc". Chỉ sau một tháng là hội viên có thể làm được ngay. Ví như ông Nhật ở xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, bị hỏng hai mắt nhưng từ khi biết đan, ngày nào cũng ngồi đan đến 1 giờ sáng; ông Tạo bị hỏng mắt do bom bi, đến nay đã đan cả nghìn cái kiềng. Tính ra chỉ cần một ngày họ đan được 4 cái chổi đã có thu nhập 40.000 đồng. Với số tiền đó, họ có thể tự nuôi sống bản thân, nhưng quan trọng nhất là mang lại cho mỗi người niềm vui và sự tự tin”- ông Dinh cho biết.
Chúng tôi ghé thăm quán in, photocopy ngay trước cổng trụ sở hội, nghe anh Trần Xuân Diệu tâm sự: “Tôi bị nhiễm chất độc da cam từ nhỏ. Nhờ ông Dinh cho tôi tham gia lớp học may ở Hà Nội và học thêm tin học nên giờ về quê tôi có việc làm để nuôi sống bản thân. Với 2 máy in, 1 máy may, 1 máy tính, 1 máy in áo, tôi còn giúp đỡ thêm các bạn khác bị khuyết tật cùng làm với đồng lương 2-3 triệu đồng/tháng”. Hiện nay, tại trung tâm có 15 người làm nghề tẩm quất là nam giới, họ có chứng chỉ hành nghề. Ông Dinh cho biết: “Những người có kỹ năng bấm huyệt giỏi kiếm được khá nhiều tiền vì được mời đi khắp nơi”.
Đang say câu chuyện với ông Dinh thì tôi nghe phía dưới nhà bếp tiếng nồi chảo loảng xoảng, tiếng chị em cười nói râm ran, hỏi ra mới biết, cứ một tháng hai lần, ông Dinh cùng các thành viên hảo tâm nấu một nồi “cháo thiện tâm” để sáng thứ bảy phát cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc. Tôi hỏi ông Dinh: Vì sao ông lại đặt tên là "cháo thiện tâm"? Ông trả lời: “Thiện tâm vì khi ta làm một việc gì đó xuất phát từ trái tim nhân ái thì sẽ mang đến hơi ấm tình cảm cho người khác và tự mình cũng cảm thấy ấm lòng”.
Tác giả: PHẠM KIÊN
Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân