Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã giúp nhiều gia đình vươn lên, thoát khỏi đói nghèo nhưng trở về sau những chuyến xuất ngoại, có không ít trường hợp rơi vào cảnh vô cùng bi đát…
Nửa đường đứt gánh
Trong số những chị em đi XKLĐ trở về có hoàn cảnh éo le hơn cả là chị L. ở xã Cổ Đạm. Có nhan sắc hơn người, lại có năng khiếu ca hát nhưng cuộc đời chị hết sức long đong, lận đận. Chị đi giúp việc ở Đài Loan được 8 năm, những tưởng đã kiếm được chút vốn dắt lưng để làm ăn. Ai ngờ khi trở về, phát hiện ra anh chồng ở nhà không những không chí thú làm ăn mà còn bồ bịch lăng nhăng. Bao nhiêu của nả chị nhọc nhằn kiếm được ở đất khách quê người đều tiêu tan theo những cuộc vui của chồng.
Trở về cố hương với 2 bàn tay trắng, chị L. lại nghĩ cách vay tiền để chồng đi XKLĐ, mong sao anh thay đổi tính nết. Các khoản vay ngày một lớn dần nhưng mãi chồng chị vẫn không đi XKLĐ được. Trong lúc khó khăn nhất, không những không chung tay chia sẻ, ông chồng còn viết đơn ly hôn.
Gạt nước mắt lăn dài trên má, chị kể: “Tôi bỏ qua lòng tự trọng và cố gắng níu kéo, mong gìn giữ hạnh phúc gia đình vì con cái nhưng càng cố hàn gắn bao nhiêu thì anh ấy lại đẩy ra chừng đó, thậm chí có những lần cố kéo chồng trở về, tôi còn bị anh ấy đánh đập tàn nhẫn”.
Bây giờ, chị L. đã ly hôn với người chồng phụ bạc nhưng căn nhà chung của 2 vợ chồng, trong đó đóng góp của chị L. là đa phần thì người chồng đang sở hữu. Tòa án phân chia người chồng bồi thường cho chị 300 triệu đồng nhưng đến nay vẫn đang “nằm trên giấy”.
Suốt quá trình tìm hiểu về những hoàn cảnh éo le sau khi xuất ngoại trở về, chúng tôi gặp và ấn tượng sâu sắc với cảnh đời của chị H. ở xã Xuân Liên. Trở về sau chuyến xuất ngoại Ả Rập, chị H. đau lòng chứng kiến cảnh anh P. (chồng chị) cặp bồ với người phụ nữ cùng xóm (có chồng đi XKLĐ). Nếu sự việc chỉ dừng lại ở chuyện “phút giây ngoài chồng, ngoài vợ” thì đã không có chuyện để bàn. Đằng này, cặp tình nhân càng ngày càng trơ trẽn, lộ liễu. Và điều gì đến cũng phải đến, đôi vợ chồng nọ hiện đã ly hôn, còn vợ chồng chị cũng đang chờ ngày ra tòa. Mẹ con chị dắt nhau về bà ngoại sống, còn cái nhà to tướng thì để cho đôi tình nhân kia ở! “Đổi đời, giàu có mà làm gì khi trở về gia đình tan nát” – người hàng xóm của chị H. đứng bên cạnh tôi thốt lên.
Chị Dương Thị Đào – Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Đạm cho hay: “Hầu hết chị em sau khi ly hôn đều ra đi tay trắng. Đất đai, nhà cửa đều do chồng nắm giữ. Như trường hợp chị N., chồng vin vào cớ là nhà của bố mẹ chồng cho nên chị N. không được chia tài sản khi ra tòa”.
Chị Đào còn cho biết thêm, hiện nay, xã Cổ Đạm có 480 chị em đi XKLĐ (chiếm khoảng 25% tổng số trường hợp đi XKLĐ của toàn xã), chủ yếu là sang các nước Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan. Trong đó, có 5 trường hợp đi XKLĐ trở về thì ly hôn, 6 trường hợp gia đình trục trặc, thường xuyên bất hòa.
Con cái hư hỏng
Phải nói rằng, từ khi có XKLĐ, đời sống người dân nơi đây được nâng lên đáng kể, nhiều gia đình đã thoát cảnh nghèo đói, nhưng hệ lụy sau những chuyến xuất ngoại vẫn là điều khiến người ta phải trăn trở. Các gia đình có vợ, mẹ đi XKLĐ thường có nguy cơ tan vỡ gia đình cao hơn, con cái thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ cũng dễ hư hỏng hơn. Như trường hợp em H. (20 tuổi) ở xã Cương Gián.
Không có phụ huynh kèm cặp, nhiều con em người đi XKLĐ rất dễ sa ngã. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Mẹ H. đi XKLĐ ở Đài Loan thường xuyên gửi tiền về cho H. Không có mẹ kèm cặp, bố lại bỏ bê, sẵn có tiền từ nước ngoài gửi về, H. sa vào lối sống trụy lạc, ăn chơi lêu lổng. Chiếc xe máy của H. không biết bao lần vào ra tiệm cầm đồ ở trong xã. Cứ thiếu tiền là H. lại đưa xe máy đi cầm rồi mẹ H. lại gửi tiền về cho người nhà đến chuộc. Lâu dần, mẹ H. cũng không thể trả nổi các khoản nợ nần của cậu ấm quý tử. Cũng may, H. sớm nhận thức được hành động của mình trước khi xảy ra hậu quả khôn lường.
Còn ông K. ở xóm Nam Mới, xã Cương Gián tâm sự với chúng tôi: “Xóm ni có mấy chục cô vợ trẻ đi XKLĐ. Các ông chồng trước khi cho vợ đi XKLĐ cũng một thời ra khơi vào lộng nhiều ngày tung hoành trên biển, chí thú làm ăn. Nhưng từ khi có tiền “đô” từ ngoại quốc gửi về, cuộc sống nhàn nhã hơn, không phải lo làm ăn thì nhiều ông sinh ra rượu chè, bồ bịch, con cái phá phách, hư hỏng”.
Chia tay ông K. khi nắng chiều đang phai dần sau triền đồi, vị chát của bát nước chè xanh mà ông mời vẫn còn đọng lại trong mỗi chúng tôi. Nhưng đắng lòng hơn cả vẫn là nước mắt mặn chát của những người vợ, người mẹ trở về sau những chuyến xuất ngoại. Họ ra đi những mong tìm lối thoát cho cuộc sống nghèo đói nhưng lại trở về với bế tắc, đổ vỡ trong cuộc sống gia đình. Để những chuyến xuất ngoại trở về không còn nước mắt thì cần sự chung tay của các cấp, ngành, đặc biệt là vai trò của Hội LHPN.
Theo Phan Trâm – Thúy Ngọc (Báo Hà Tĩnh)
Báo Hà Tĩnh