Bao giờ nước sạch sẽ về?
Con đường bê tông ngoằn ngèo dẫn chúng tôi đến khu tái định cư Hói Trung của dự án Ngàn Trươi. Nằm cách đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 7km chung quanh là đồi núi, ai đã trực tiếp đến đây mới hiểu tình hình ở đây thê thảm đến thế nào với nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, khi thiếu nước sinh hoạt đã trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người.
Chị Hường– khu 54, ứa nước mắt kể: “Nước bơm lên mùi hôi, tanh, không dùng được. Nhà tôi có hai con nhỏ, nên không gì khổ hơn khi thiếu nước sinh hoạt. Mới đầu, tôi mua cái máy lọc nước 4,5, tưởng cải thiện được nước, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Mỗi lần tắm cho con, thấy con nổi mẩn ngứa, nên hàng ngày cả nhà phân công nhau mang can nhựa đi xin nước về dùng. Dù mùa hè nắng nóng lên đến 40 độ C, nhưng nước lấy về cũng chỉ phục vụ hai cháu nhỏ, còn người lớn không dám lấy nước tắm vì sợ không có nước nấu ăn. Quần áo các cháu thì phải dồn 3-4 ngày mới đưa đi xa để giặt”. Rồi, chị dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, chỉ cho xem bể chứa nước nhiễm phèn đặc cứng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (xóm Kim Thọ) là một trong những hộ chuyển lên khu TĐC Hói Trung đầu tiên vào tháng 6-2013. Ngay khi đến ở, bơm nước lên bà đã thấy nước giếng ở đây có mùi tanh rất khó chịu. Bà rửa rau, thấy nước đen ngòm, còn đồ dùng phải tiếp xúc với nước thì được ít ngày là chuyển sang màu đen.
Anh Bùi Đình Nghị, sống ở khu 54 thử đổ nước cho PV xem
Bà Tâm cho biết: “Chỉ cần lấy một ít nước chè đã nấu, đem đổ vào chậu nước giếng khoan, ngay lập tức nước chuyển sang màu đen như mực, mùi tanh tưởi rất khó chịu. Chúng tôi già rồi, ăn nước này rồi chết cũng được, nhưng chỉ sợ lớp trẻ ăn rồi sinh bệnh thì khổ”.
Còn, Bà Lý ở khu 54 lại chia sẻ: “Gia đình chúng tôi phải đi lấy nước nơi ở cũ về để dùng (cách khoảng 30 – 40km). Mà, lấy nước khe cũng bẩn, vì trâu bò lội, phóng uế thường xuyên, nên không dám dùng. Hằng ngày chúng tôi phải dùng nước giếng để rửa ráy, tắm, giặt chứ không dám ăn. Mà dùng nước này tắm rửa thì người hay tay chân đều đen thui thủi”. Chỉ tay sang nhà chị Hạnh bên cạnh, bà nói “nhà nó nước bơm dưới giếng lên mùi tanh không chịu nổi, bây giờ nó có dám dùng nữa đâu, hằng ngày chồng nó đi làm ở thị xã Hồng Lĩnh thì mang theo cái can 20 lít, rồi chở nước về dùng. Thiếu cái gì chứ thiếu nước thì khổ lắm, không biết chúng tôi chờ đến bao giờ mới có nước sạch?”.
Hầu hết nước giếng của người dân ở khu TĐC Hói Trung đều bị ô nhiễm nặng, bốc mùi tanh tưởi, có nơi màu vàng, nơi thì màu đen và để vài tiếng đồng hồ thì nổi váng vàng. Cũng có nhiều hộ gia đình chỉ cần bơm nước lên, đã thấy màu đen như mực.
Chị Nguyễn Thị Ngân chỉ nơi giếng khoan rồi nhưng không sử dụng được
Trao đổi với Phóng viên Dailo.vn, ông Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang – Trưởng ban quán lý dự án phân trần: “Về nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân ở hai khu tái định cư Hói Trung, trước đó đã được tính đến. Theo đó, đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra bốn phương án: lấy nước từ hồ chứa phục vụ sản xuất, lấy nguồn nước tự chảy hoặc khoan giếng. Cuối cùng, để đáp ứng nguyện vọng của người dân, đơn vị thi công quyết định chọn phương án khoan giếng. Cơ sở để khoan giếng đó là ở thời điểm xây dựng hạ tầng khu tái định cư, nhà thầu có khoan điều tra chọn khoan 24 mũi chỉ có một, hai mũi là không có nước, các mũi còn lại đều đủ điều kiện không có dấu hiệu bị ô nhiễm”.
Thế nhưng, toàn bộ hệ thống giếng khoan phục vụ người dân hiện bị nhiễm sắt nặng, không thể sử dụng được.
“Khi khoan thăm dò thì tốt, tuy nhiên khi dân vào đồng loạt, cứ cách 20m khoan một giếng, thì các đới nước tốt và đới nước xấu bên dưới thông nhau nên đẫn đến tình trạng đồng loạt giếng nước không dùng được. Đây là việc bất khả kháng của ban dự án và các cấp chính quyền.Hiện nay tỉnh đã cho điều chỉnh phương án làm nhà máy nước và đang triển khai lập hồ sơ. Còn, thời gian làm cụ thể thì chưa biết, vì đang phải chờ cấp trên phê duyệt” – Ông Đức thanh minh thêm.
Đất sản xuất cũng đang…chờ!
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước di dời đến nơi ở mới để phục vụ dự án trọng điểm, đa mục tiêu xây dựng hồ thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, từ tháng 6/2013, nhưng hàng trăm hộ dân của xã Hương Quang, huyện Vũ Quang đã gặp không ít khó khăn, từ chuyện chưa thích ứng với cuộc sống mới, đến thiếu nước sinh hoạt…, nay việc thiếu đất sản xuất cũng đang làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ.
Hàng chục hộ dân khác ở xóm Kim Quang, Tùng Quang (khu tái định cư Hói Trung) cũng đang đối mặt với cảnh thiếu đất sản xuất. Hiện, khu tái định cư Hói Trung đã có 150 hộ dân làm nhà ở ổn định, nhưng trên 70 hộ thiếu đất vườn. Còn các hộ khác tuy đã bốc thăm để nhận đất, nhưng đến nay vẫn chưa được giao.
Gia đình chị Nguyễn Thị Vân, xóm Kim Thọ (khu tái định cư Hói Trung) di dời đến khu tái định cư làm nhà đã gần một năm nay, nhưng đất vườn vẫn chưa được cấp, đất ở thì cằn cỗi, sỏi đá, không biết nuôi con gì, trồng cây gì để phát triển kinh tế. “Không có đất thì cũng nỏ biết làm gì. Tôi ở đây với các con, còn chồng phải quay về nơi ở cũ cách nhà 35km để sản xuất, nên thường xuyên vắng nhà. Cha phải lo một nơi, mẹ con ở một nơi, kể cũng cực…” – chị Vân ngậm ngùi.
Theo anh Quyết (chồng chị Vân), gia đình anh về ở khu tái định cư đã hơn năm, nhưng đến nay đất vườn cũng chỉ là “đất hứa”. Không có đất, người dân chỉ biết ngồi nhìn trời ngao ngán, không biết đến bao giờ mới có đất để làm ăn.
Anh Nài Văn Quyết, nhà ở khu 54 nhìn xa xăm về tương lai khi sống trong cảnh không có nước
Ông Hà, ở khu tái định cư Hỏi Trung cho biết: “Sang đây rồi, biết làm gì để kiếm kế sinh nhai khi mà chỉ có mấy trăm mét vuông đất ở. Cơ quan chức năng huyện Vũ Quang thì nói một đàng, làm một nẻo. Khi họp, Phòng TNMT huyện nói, theo quy hoạch của tỉnh, người dân tái định cư tại Hói Trung sẽ có đất nông nghiệp để sản xuất. Nhưng tôi sang đây làm nhà cả hơn năm nay vẫn chưa nhìn thấy hình hài thửa ruộng ngang dọc ở đâu, ngoài tứ phía là rừng”.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cũng xác nhận, việc thiếu đất vườn là có thật. Nguyên nhân dẫn đến thiếu đất, theo ông Đức là quá trình thiết kế, chọn vùng đất để san nền trong điều kiện địa hình vùng núi, nên có nhiều điểm dân cư phải chắn núi hoặc đắp đất lên cao. Vì vậy, chỉ san nền được 400m2 đất ở, nên không có đất vườn liền kề sau đất ở để giao cho các hộ dân. Để bù đất vườn cho các hộ dân, UBND huyện đang đề nghị UBND tỉnh khai hoang đất bù vườn cho các hộ dân. Về đất sản xuất của người dân, ông Đức cũng cho rằng, phản ánh của dân là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Bởi, khi đi tái định cư, người dân đã được hỗ trợ 48 tháng lương thực, vì vậy việc chưa có đất sản xuất cũng… không có vấn đề gì (!?). Ngược lại, phía người dân cho rằng, Nhà nước hỗ trợ lương thực là để dân có thời gian tái thiết kinh tế, chuẩn bị điều kiện sẵn sàng khi tiền hỗ trợ hết, chứ không phải chờ ăn hết tiền rồi mới đi làm.
Chúng tôi rời khu TĐC Hói Trung khi nắng chiều dần tắt, nhưng những cơn gió lào vẫn thổi bỏng rát vào thịt da. Và, tôi biết rằng, khát khao cháy bỏng của người dân nơi đây là cần có một nguồn nước sạch, an toàn để đảm bảo sinh hoạt; cần có một mảnh đất sản xuất, để có một tương lai tươi sáng. Và, để đạt được những điều cần ấy, người dân rất cần sự nhanh tay hơn của các cấp, ngành liên quan?
Nguyễn Bình – Mai Hoàn