Địa bàn thôn 7, thuộc xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, hay còn gọi là Làng Thanh niên lập nghiệp, đã gần 20 năm nay bà con vẫn chưa thể có được nguồn điện đúng nghĩa để sử dụng, cuộc sống của bà con chỉ trông dựa vào những chiếc bình ắc quy, bình kích điện. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, cuộc sống của họ dường như tất bật hơn bởi mọi hoạt động đều phải làm xong từ rất sớm để kịp trước khi mặt trời xuống. Mọi công việc đồng áng, vườn tược đều được thực hiện thủ công bởi nguồn điện không đủ sức để chạy bất kỳ loại máy móc nào.
Điện yếu, đèn thắp lên chỉ lập lòe được vài cái rồi tắt ngấm, nấu cơm… cơm sống, máy bơm nước cũng chỉ đủ sức kéo lên vài giọt rồi lịm hẳn.
Bóng compact trở thành “bóng nháy”
Điện quá yếu máy bơm không hoạt động được
Chị Nguyễn Thị Hương, trú xóm 7, xã Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh chia sẻ: “Nhà tôi cách trạm điện mới xây chỉ 20m nhưng vẫn không có điện dùng. Điện yếu, cứ chập chờn không thể dùng được. Ngày tết chúng tôi phải thuê máy nổ về dùng, điện không ổn định rồi khi thì tivi khi máy nước… hỏng suốt”.
Chị Hương chia sẻ với PV
Người dân ở đây cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ hàng chục năm nay, họ đã kiến nghị lên chính quyền địa phương không biết bao nhiêu lần nhưng Huyện lại đổ tội lên xã, xã lại đổ cho làng Thanh niên lập nghiệp. Mãi đến năm 2015, những kiến nghị của người dân ở đây mới thấu đến các cơ quan chức năng. Trong năm 2015, người dân phấn khởi thấy chính quyền về địa bàn xây trạm điện, hứa tết Bính Thân này bà con có điện dùng. Thế nhưng tết qua, bà con lại phải thất vọng vì chẳng thấy điện mà các cơ quan chức năng đã hứa!.
Trạm điện xây nhưng điện không có
Ông Hồ Văn Quế, người dân thôn 7, xã Phúc Trạch cho biết: “Chúng tôi là dân ở giữa đồng bằng mà vẫn không có điện dùng, kiến nghị mãi năm ngoái mới thấy họ về xây trạm, nhưng có trạm rồi điện cũng không thấy kéo, rất mong cấp trên giải quyết để chúng tôi có điện dùng chứ như bây giờ khổ quá”.
Ông Hồ Văn Quế, người dân thôn 7, xã Phúc Trạch chia sẻ
Điện yếu nhưng người dân vẫn phải chấp nhận rủi ro sử dụng, chính vì vậy những đồ dùng trong gia đình thường xuyên bị cháy, hư hỏng trong khi đó tiền điện phải đóng cao hơn rất nhiều so với giá theo quy định, mỗi kw người dân phải đóng 2.000 đồng, nếu không đóng thì điện yếu cũng không có dùng!
Mặc dù địa bàn vẫn thuộc khu vực đồng bằng, hệ thống giao thông thuận lợi nhưng một nghịch lý là nhiều năm nay bà con vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn nguồn điện từ đó đời sống sản xuất, sinh hoạt, văn hóa của bà con cũng vô cùng hạn chế. Được đầu tư điện nhưng đầu tư nửa vời, dẫn đến có điện như không, các cơ quan chức năng thì thiếu quan tâm, đùn đẩy trách nhiệm. Cho đến bao giờ hàng trăm hộ dân thôn 7, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê Hà Tĩnh có nguồn điện đúng nghĩa để sử dụng, thoát khỏi tình cảnh thế này?
Hải Đăng/VTOTO