Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Nhếch nhác công trình tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế

Công trình tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hơn 43 tỷ đồng tại huyện Lộc Hà. Tuy nhiên, sau khi khởi công xây dựng hơn 3 năm thì nay công trình này đang bị bỏ bê, trở thành khu bãi hoang, cỏ dại mọc um tùm, trông rất nhếch nhác.

Công trình tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế trở thành nơi chăn thả bò

Tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa đền thờ, tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế với tổng số vốn hơn 105 tỷ đồng. Trong đó phần tu bổ, tôn tạo di tích có sẵn là hơn 52 tỷ đồng, phần xây mới tượng đài và quảng trường là hơn 43 tỷ đồng, còn lại 9 tỷ đồng dành cho các chi phí khác.

Ngày 12/2/2016, UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án tu bổ, tôn tạo Đền thờ, tượng đài và Quảng trường Mai Hắc Đế tại xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà).

Các đại biểu về dự lễ khởi công xây dựng tượng đài, quảng trường Mai Hắc Đế 3 năm về trước. Ảnh T. Lộc

Hạng mục công trình tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế được xây dựng tại Khu du lịch biển Cửa Sót, thuộc địa bàn xã Thạch Bằng và xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) với tổng diện tích 4,58ha.

Tượng đài đúc bằng đồng liền khối có chiều cao 10,8m; tọa lạc trên bệ đá hoa cương cao 4,7 mét, nằm dưới chân núi Bằng Sơn; đế bê tông cốt thép ốp tấm đá xanh, phía trước bài trí lư hương bằng đá tự nhiên. Tượng hướng về biển Đông, biểu trưng cho lòng yêu nước, ý chí quật cường của người Việt chống giặc ngoại xâm, trấn giữ và phát triển quê hương, đất nước.

Dự án do UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, nguồn vốn huy động xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. Dự kiến, một năm sau ngày khởi công, công trình này sẽ hoàn thành.

Mục tiêu của dự án là nâng cao, bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của di tích đã được xếp hạng. Mặt khác nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm, thể hiện đúng mục đích tri ân, tôn vinh nhân vật lịch sử vua Mai Hắc Đế, góp phần phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống cho các hế hệ hiện nay và mai sau.

Phối cảnh tượng đài, quảng trường Mai Hắc Đế

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm khởi công xây dựng thì công trình này đã thành một khu hoang phế, lạnh lẽo, cỏ dại mọc đầy, cảnh quan nhếch nhác, lộn xộn như đang trong quá trình xây dựng, nhiều hạng mục dang dở, vứt thành một đống, trở thành nơi chăn bò của những đứa trẻ.

Mục tiêu công trình nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm, tri ân và tôn vinh nhân vật lịch sử vua Mai Hắc Đế, phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống cho các hế hệ hiện nay và mai sau. Song, mục đích cao đẹp ấy mà lại nhếch nhác như thế này thì quả thực rất lãng phí, phản ánh sự thiếu trách nhiệm trong đầu tư, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại hiện trường:

Đế tượng đài hoàng đế Mai Thúc Loan thi công dang dở nên chưa được “mặc áo”

Nhiều tấm bê tông được đổ lại thành một đống hoang tàn

Công trình tôn nghiêm trở thành nơi đùa nghịch đốt lửa của trẻ nhỏ và phóng uế của trâu bò

Nhếch nhác những hạng mục thi công dang dở rồi trở thành khu bãi hoang

Hàng loạt cột đèn chiếu sáng đã bị đập nát, không còn một bóng, trơ trọi khung đèn

Hệ thống điện lòi ra phía ngoài, cột đèn hoen rỉ

Công trình đang bị bỏ bê, trở thành khu bãi hoang khiến người dân bức xúc

Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan, quê gốc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Mai Thúc Loan càng lớn càng thông minh, khoẻ mạnh, là một đô vật nổi tiếng của vùng Sa Nam (huyện Nam Đàn, Nghệ An) ngày nay.

Chứng kiến cảnh người dân cực khổ dưới ách thống trị của nhà Đường, ông đã nhen nhóm ý tưởng đánh đuổi ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo diễn ra vào năm 713, giải phóng vùng đất rộng lớn ở Nghệ An. Sau sự kiện này, ông được suy tôn làm hoàng đế. Đến năm 722, quân Đường quay trở đàn áp cuộc khởi nghĩa, bị vây hãm, Mai Hắc Đế trốn vào rừng rồi mất ở đó.

Để tưởng nhớ công lao, người dân xã Mai Phụ đã lập đền thờ ông ngay tại quê nhà. Năm 2012, đền thờ Mai Hắc Đế được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP