Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Nhân rộng các mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao

Với định hướng phát triển đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch, phát huy lợi thế địa phương, thời gian qua, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chỉ đạo thực hiện tốt công tác hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao cho người dân.

Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả

Là một trong những hộ gia đình tiên phong gương mẫu trong thực hiện giải phóng mặt bằng, nhường đất phục vụ dự án Formosa Hà Tĩnh, sau khi di dời lên tái định cư tại phường Kỳ Liên, ông Nguyễn Xuân Miễn đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng và sản xuất nấm ăn.

Từ diện tích 100m2, đến nay gia đình đã mở rộng diện tích lên 200m2, quy mô 7.000 bịch nấm sò, 1.200 bịch mộc nhĩ, mỗi năm cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng. Từ giá trị kinh tế của mô hình cho thấy tính khả thi trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất chất lượng và hiệu quả, thân thiện với môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trên địa bàn các phường, nhất là vùng tái định cư Kỳ Long, Kỳ Phương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình HTX trồng, sản xuất nấm ăn góp phần tăng thu nhập cho nhân dân tại nơi ở mới.

Với bản tính ham học hỏi, thích tìm hiểu, ứng dụng các mô hình mới mong làm giàu, thời gian qua, gia đình bà Lê Thị Huyền (tổ dân phố Liên Minh, phường Kỳ Long) đã đầu tư phát triển mô hình nuôi chim trĩ.

Một mô hình nuôi chim trĩ trên vùng tái định cư phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh.

Mặc dù mô hình này khá mới lạ, song hiệu quả kinh tế không kém triển vọng bởi nhu cầu tiêu thụ lớn.

Với kinh phí đầu tư cơ sở gần 400 triệu đồng, hiện trang trại của bà có 100 con chim trĩ sinh sản và 200 con chim thương phẩm cung cấp ra thị trường. Đến nay, gia đình đã xuất bán chim trĩ thương phẩm với giá bán mặt hàng này khoảng 220 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng/kg chim thịt, 250 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng mỗi cặp chim giống. Việc nuôi chim trĩ đã mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho gia đình bà Huyền.

Trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, nhiều hộ dân đã biết đến loại hình nuôi chim trĩ, tuy nhiên vấn đề thị trường tiêu thụ ổn định là điều cần được quan tâm, hỗ trợ để có thể nhân rộng, phát triển mô hình.

Mô hình nuôi đà điểu cũng được người dân xã Kỳ Ninh mạnh dạn đầu tư.

Bên cạnh việc tập trung xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thị xã đã chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, động viên các mô hình phát triển kinh tế.

Ông Thân Kim Tự - Giám đốc Trung tâm ứng dụng Khoa học công nghệ và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh cho biết: Trung tâm đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thị xã hỗ trợ các hộ gia đình ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến góp phần tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trung tâm đã hướng dẫn, đầu tư xây dựng 01 mô hình sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời tại xã Kỳ Hà, hệ thống vận hành tự động, khép kín, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thời gian lên men và hạn chế ô nhiễm môi trường, công suất 40.000 lít/năm, dự kiến doanh thu mỗi năm đạt từ 3-3,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, nuôi hàu bằng bè theo chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thử nghiệm 01 mô hình nuôi tôm càng xanh xen lúa quy mô 0,2ha tại phường Kỳ Trinh, 03 mô hình trồng nấm tại Kỳ Phương, Kỳ Liên và Kỳ Long, cánh đồng 1 giống tại Phường Kỳ Trinh với quy mô gần 10ha lạc L14.

Chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế của địa phương

Ông Phan Duy Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh phấn khởi chia sẻ: “Đến nay trên địa bàn thị xã Kỳ Anh có hàng trăm mô hình hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, số mô hình kinh tế được hình thành mới chưa nhiều và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là các mô hình mô hình vừa và lớn”.

Theo ông Vĩnh, cái khó nhất bây giờ là cần phải thay đổi là tập quán sản xuất của người dân bởi còn mang tính tự phát, truyền thống; trình độ hiểu biết, nắm bắt kỹ thuật mới còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng thiết yếu của các vùng sản xuất tập trung còn khó khăn. Một số mô hình quy mô nhỏ, năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa thấp, tính cạnh tranh chưa cao, hoạt động mang tính tự phát, mang tính thời vụ, thiếu bền vững; mối liên kết "4 nhà" (Nhà nước - nhà buôn - nhà khoa học - nhà nông) chưa có sự gắn kết chặt chẽ và phát huy hiệu quả.

Điều này đặt ra yêu cầu trong thời gian tới, thị xã cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, các cơ chế chính sách để người sản xuất tiếp cận một cách có hiệu quả.

Tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về hội nhập kinh tế quốc tế trong nông nghiệp, nông thôn.

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và dự báo thị trường của cơ quan chuyên môn.

Thực hiện các quy hoạch gắn với chuyển đổi và khuyến khích tích tụ ruộng đất để hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành.

Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các cấp trên.

Tác giả: Minh Hằng - Hà Vũ

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP