TP Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Nguy hiểm xe “độ”!

“Độ” xe (thay đổi tính năng hoặc kiểu dáng không theo quy chuẩn của nhà sản xuất) là thú chơi của nhiều “quái xế” mê tốc độ và ưa thể hiện cá tính. Với một khoản tiền tùy vào nhu cầu “độ”, chủ sở hữu xe gắn máy dễ dàng nhờ các lò “hô biến” chiếc xe của mình thành những phương tiện như ý, thậm chí là những chiếc mô tô “siêu hạng”. Điều đáng lo ngại, những “chiến mã” này sau khi thay đổi kết cấu không còn an toàn khi lưu thông.

Thú chơi… “đốt” tiền

Tuy chưa nở rộ nhưng thời gian gần đây, người đi đường không hiếm lần sửng sốt trước những chiếc xe… chẳng biết của hãng nào nhưng có tiếng nẹt pô chói tai, màu sắc sặc sỡ hay vận tốc “khủng” lưu thông trên đường. Hầu hết những “chiến mã” này được thay đổi một vài bộ phận, kết cấu so với thiết kế của nhà sản xuất. Hiện nay, xe “độ” ngoại thất (phần vỏ) và độ máy đều xuất hiện ở tỉnh ta với số lượng ngày càng nhiều.

Nguy hiểm xe “độ”!

Xe Exciter đang được “lên đời” bằng việc thay ống pô để tăng tốc và tạo âm thanh “khủng” khi lưu thông.

P., một thanh niên đang sở hữu chiếc xe Exciter nói: “Xe mua từ nhà sản xuất thì giống nhau. Khi mình “độ”, nhìn đẹp và lạ hơn. Mặc dù, giá cao nhưng đã chơi thì chấp nhận”.

Cùng đi với một tay chơi khá am hiểu về “độ” xe, chúng tôi được dẫn đến một “lò độ” trá hình khi bên ngoài vẫn trưng biển sửa xe bình thường. Theo quan sát, khách vào đây chủ yếu là thanh niên thích thể hiện, mê tốc độ và muốn làm “thẩm mỹ” cho xe. Chủ lò tên Đ. cho biết: “Thời gian gần đây, anh làm nhiều nhất là Exciter các đời vì loại xe này có nhiều phụ kiện, dễ đạt tới vận tốc mong muốn. Giá tùy thuộc vào yêu cầu của khách, nhưng đã muốn “độ” thì ít khi dưới chục chai (mười triệu) và hiếm khi chỉ “độ” một lần”.

Theo Đ., mặc dù, trào lưu “độ” xe xuất hiện chưa lâu, nhưng thu hút khá nhiều người trẻ tham gia. “Độ” ngoại thất được lựa chọn nhiều hơn vì phụ kiện (màu sơn, tem xe, hình trang trí, đèn nháy…) dễ tìm và dễ làm. Tuy nhiên, “độ” máy cũng là lựa chọn của các “tay chơi” khi muốn thể hiện đẳng cấp và sự sành điệu.

“Độ” máy là kỹ thuật thay đổi kết cấu để tăng vận tốc. Thông thường, vận tốc của xe Exciter đạt 135 km/h, nhưng nhiều “quái xế” muốn tăng lên đến 180 km/h thì không chỉ đôn dên, xoáy nòng mà đồng thời, phải thay nhông, sên, đĩa để có thể đồng tốc với máy. Ngay cả pô cũng phải thay để máy thông thoáng hơn. Khi guồng máy tăng, nếu không thay các bộ phận này thì máy bị ghìm lại.

Được biết, “độ” máy ở Hà Tĩnh ít nơi làm được mà thường phải ra Hà Nội hoặc vào TP Hồ Chí Minh. Tham khảo tại một website chuyên cung cấp linh kiện để “độ” xe, giá không hề rẻ. Một bộ hơi 150cc Exciter giá 4,2 triệu đồng; một bộ gắp NSR 13,5 triệu đồng; bộ số gảy X1R hơn 2,3 triệu đồng… và để “độ” trọn bộ, người chơi cũng phải mất trên dưới 20 triệu đồng/xe.

Nguy hiểm xe “độ”!

Những phụ tùng độ xe rất dễ tìm ở các cửa hàng sửa chữa xe máy.

Nguy hiểm đi cùng

Không dừng lại ở việc thỏa mãn niềm kiêu hãnh cá nhân, nhiều “quái xế” còn dùng xe “độ” để trở thành “con át chủ bài” trong các cuộc đua trái phép. Các cuộc “bão đêm” trở thành cuộc đọ sức “bất phân thắng bại” mà nguy hiểm lại không chỉ dành cho những kẻ tham gia.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Công Dũng – Phó trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết: Để tốc độ xe nhanh hơn so với ban đầu chỉ có cách thay pít-tông đường kính lớn hơn, xi-lanh cũng phải to hơn… Khi cấu tạo máy bị làm khác so với thiết kế ban đầu sẽ làm các bộ phận bên trong hoạt động không tương thích, thanh truyền dễ bị cong, hệ thống bạc đạn mau hỏng, máy sẽ hư nhanh trong thời gian ngắn. Tính mạng người điều khiển sẽ rất nguy hiểm khi xe đang lưu thông với tốc độ cao, nhưng máy bị hỏng làm xe dừng đột ngột.

Ngoài ra, khi lắp ráp một chiếc xe máy, nhà sản xuất đã tính toán kỹ về độ tương thích giữa công suất máy và độ chịu lực của khung xe. Người điều khiển xe “độ” chạy nhanh, công suất máy được nâng lên trong khi độ chịu lực của khung xe không thay đổi nên khung xe dễ bị xé và gãy lìa, rất dễ xảy ra tai nạn.

Cũng theo Trung tá Dũng, việc “độ” máy, nẹt pô xe gắn máy hết sức nguy hiểm, tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm tra, xử lý xe “độ” của cơ quan chức năng chưa nhiều vì kết cấu của máy nằm bên trong nên khó xác định có hay không “độ”. Đối với thay đổi bên ngoài vỏ thì dễ phát hiện hơn, tuy nhiên, mức xử phạt còn thấp nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Khoản 2, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ (ngày 13/11/2008) quy định: chủ phương tiện không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo Điểm b, Khoản 4, Điều 17 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP (ngày 13/11/2013), quy định phạt tiền từ 800.000 – 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

Thành Chung/BAOHATINH.VN

  Từ khóa: xe độ , Nguy hiểm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP