Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư 9.165,6 tỷ đồng. Theo đó, đại công trình được xây dựng trên sông Ngàn Trươi thuộc khu vực thị trấn Vũ Quang (Hà Tĩnh) có tổng diện tích lưu vực 408 km2, dung tích chứa 932,7 triệu m3. Đây là hồ chứa lớn thứ 3 trong cả nước, chỉ sau hồ Dầu Tiếng và hồ Cửa Đạt, đỉnh đập đất cao trên 60m… nhằm cung cấp nước công nghiệp cho mỏ sắt Thạch Khê với lưu lượng 6 m3/s và các khu công nghiệp khác; phục vụ tưới cho 32.585 ha đất sản xuất nông nghiệp của 8 huyện, thị xã và 5.991 ha nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, còn kinh doanh thủy điện công suất phát điện khoảng 15 MW, giảm lũ cho hạ du, nhất là vùng Hương Khê, Vũ Quang và phát triển du lịch sinh thái.
Hệ thống kênh dẫn dài 16,2km. |
Hệ thống kênh dẫn nước là 1 trong 3 hợp phần công trình thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi - Cẩm Trang, có tổng mức đầu tư 1.380 tỷ đồng, gồm 2 hạng mục chính: Đập dâng Vũ Quang và hệ thống kênh mương dài 16,2 km, do Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Qua gần 5 năm thi công, hệ thống kênh dẫn nước đã cơ bản hoàn thành góp phần vào thoát lũ và dẫn nước vụ Đông – Xuân.
Tuy nhiên hệ thống kênh dẫn nước này cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đuối nước cho trẻ em hai bên lưu vực kênh dẫn. Theo quan sát của PV, tại hiện trường hệ thống kênh dẫn rộng có lưu vực rộng gần 3m, chiều cao hơn 2m. Phía trên kênh dẫn là đường bê tông rộng gần 2m. Hiện nay là đầu mùa mưa lũ nên mực nước ở hồ thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang chưa lên cao. Nếu đồng loạt xả nước phục vụ vụ đông thì với chiều sâu mực nước hơn 2m thực sự là một mối nguy hiểm, tai nạn đuối nước rình rập.
Do không có lan can bảo vệ, dễ trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước cho người dân lưu thông qua đây, nhất là khi mùa mưa bão đến. |
Một người dân xã Đức Hương, huyện Vũ Quang cho chúng tôi biết: “Hai bên kênh dẫn không có các lan can bảo vệ, nền bê tông phẳng mưa xuống trở nên trơn trượt, đây lại là khu vực hay thả trâu bò của bà con nên trẻ em vui chơi rất nhiều. Tháng trước có con trâu cũng trượt chân rồi rơi xuống kênh dẫn, may mà kênh không có nước nên vớt được. Chúng tôi lo đến mùa mưa lũ các cháu nhỏ lên khu vực kênh dẫn vui chơi thì thực sự nguy hiểm”.
Chính quyền và nhân dân địa phương các xã quanh hệ thống kênh dẫn đang mong các cơ quan chức năng, nhất là UBND tỉnh Hà Tĩnh và BQL dự án quan tâm và xem xét vấn đề. Có các biện pháp thi công và xây dựng hệ thống lan can bảo vệ tránh những tai nạn đáng tiếc, nhất là khi mùa mưa bão đến.
Tác giả: Nam Đặng
Nguồn tin: Báo Nhân đạo & Đời sống