Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: ‘Người thầy’ không qua môi trường sư phạm

Ông Đặng Tiến Dũng (60 tuổi, trú xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê) thường được mọi người gọi với cái tên trìu mến – “thầy Dũng”. Sinh ra trong gia đình nông dân có 5 anh chị em, khi 6 tuổi, ông bị sốt rét ác tính, sau nhiều lần chữa trị bất thành thì bị liệt một chân, đi lại khó khăn.

Không hề được đào tạo qua trường lớp sư phạm nào, nhưng nhờ nghiên cứu sách vở dạy học cho con, ông Dũng trở thành “thầy giáo” dạy thêm, nuôi dưỡng ước mơ đại học cho rất nhiều thế hệ học sinh huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh).

Bị tật, nhưng ông không từ bỏ ước mơ con chữ, hàng ngày vẫn được bố mẹ cõng tới trường. Học hết lớp 7, ông tham gia sinh hoạt Đoàn, rồi làm cán bộ đoàn xã, cán bộ huyện.

hatinh24h1

Ông Dũng tâm sự chỉ mong được khỏe mạnh để tiếp tục “làm thầy”. Ảnh: Đức Hùng

Làm nhà nước được một thời gian, vì sức khỏe yếu, bệnh cũ tái phát, ông nộp đơn xin về nhà, sau đó cưới vợ, vợ chồng làm ruộng, thợ mộc để nuôi con. Hàng ngày bận việc đồng áng, nhưng đêm đến ông vẫn tìm hiểu sách báo để bổ sung kiến thức.

Nói về cơ duyên trở thành thầy giáo, ông Dũng cười hiền tâm sự, gia đình có 3 người con, khi các cháu đến tuổi đi học, vì không có tiền học thêm nên ông thường đọc sách vở và dạy con học. “Một vài người bạn của con tới chơi, thấy tôi dạy dễ hiểu, thế là chúng trở về nói với bố mẹ xin tới ở tại nhà để được tôi dạy học”, ông Dũng kể.

Năm 1994, khi gia đình đang làm nghề mộc, có cậu học sinh thi tốt nghiệp THCS bị trượt tới xin học nghề mộc. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, ông Dũng động viên cậu bé ôn thi lại, hàng ngày học nghề, đêm đến sẽ dạy kiến thức. Kết quả, kỳ vượt vũ môn sau đó nam sinh đạt 28 điểm, đậu vào trường công lập trong sự ngỡ ngàng của gia đình.

Tiếng lành đồn xa, danh tiếng “thầy Dũng” được nhiều lứa học sinh trong huyện biết tới. Một số phụ huynh tới đặt vấn đề với ông Dũng chuyên tâm dạy học cho con họ, họ sẽ trả kinh phí. “Từ năm 2000 tới nay, tôi dần bỏ nghề sửa xe, thợ mộc để chuyên tâm dạy học. Tôi sắm một ít bàn ghế, mở lớp học ngay tại nhà, dạy các môn Toán, Ngữ văn và Vật lý. Học sinh rất đa dạng, từ lớp 3 đến lớp 12, và có cả người ôn thi đại học, thi học sinh giỏi”, ông Dũng nói.

nguoi-thay-khong-qua-moi-truong-su-pham-1

Lớp học được ông Dũng bố trí đặt ngoài hiên nhà, với một vài bộ bàn ghế đơn sơ và bảng viết. Ảnh: Đức Hùng

Lớp học được ông bố trí đặt ngoài hiên nhà, có mái che. Hiện tại có hơn 200 học sinh từ tiểu học đến phổ thông theo học thường xuyên. Ông chia các ngày dạy học rất rõ ràng, thứ hai, tư, sáu dạy học sinh THPT; thứ ba, năm, bảy dạy học sinh THCS; chủ nhật dạy tiểu học, buổi tối ôn thi đại học.

Việc trở thành thầy giáo đa năng với nhiều cấp học không hề làm khó người đàn ông nhỏ bé. Sau giờ đứng lớp, ông luôn bổ sung kiến thức từ sách vở, Internet. Giáo án của ông phụ thuộc vào yêu cầu của học sinh. Ví dụ các em không giải được đề ở trường, ông sẽ cùng ngồi thảo luận, bàn bạc tìm cách giải nhanh nhất, dễ hiểu nhất.

“Với học sinh tiểu học, mình phải nhẹ nhàng, vì lứa tuổi này ưa nịnh. Học sinh THCS và THPT thì phải nghiêm khắc, khi ra bài kiểm tra, tôi chấm điểm chu đáo, sau đó bảo các em về đưa cho phụ huynh ký vào và nộp lại. Mục đích là muốn bố mẹ quan tâm hơn tới kết quả học tập của con, từ đó có hướng uốn nắn”, ông Dũng chia sẻ.

Trần Thị Mỹ Hạnh (học sinh lớp 10B3, trường THPT Hàm Nghi, Hương Khê) kể về ông Dũng: “Ông rất vui vẻ, luôn nói chưa từng học qua trường lớp sư phạm nào, nên chúng em không nên gọi bằng thầy. Cách dạy của ông rất cuốn hút, dễ hiểu”.

Phụ huynh tên Lan ở xã Phúc Đồng kể 3 con của chị đều được gửi tới lớp của ông Dũng. “Ông dạy rất có tâm và trách nhiệm, mọi tình hình học tập của con tôi đều được ông gọi điện thông báo. Nhờ được ông chỉ dạy, 3 cháu nhà tôi học rất khá”, chị Lan cho hay.

nguoi-thay-khong-qua-moi-truong-su-pham-2

Nhiều thế hệ học sinh từng được ông Dũng chỉ dạy đã đỗ đạt và trưởng thành. Ảnh: Đức Hùng

Ngày trước, ông Dũng dạy học cho các em và không lấy kinh phí. Sau nhiều lần được phụ huynh góp ý, ông đồng ý thu 10.000 đồng/học sinh/ca học 3 tiếng. Một số em nhà nghèo ông không thu tiền. Biết gia đình ông đang làm ruộng, bố mẹ các em ngày mùa thường tới cày ruộng, gặt lúa trả ơn.

Hơn 15 năm làm một ông giáo làng, “thầy Dũng” đã giúp cho rất nhiều thế hệ học sinh ở huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh đỗ đạt cao. Nhiều em sau khi thành đạt, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, hay ngày lễ Tết đều quay trở về tổ chức tri ân ông. Một số phụ huynh còn lập quỹ khuyến học, nếu ai học lớp ông Dũng mà đỗ đạt cao đều được thưởng.

Trưởng thành từ “lò đào tạo của bố”, tới nay 3 người con ông Dũng đều đỗ đạt cao, người con đầu đang làm giảng viên đại học, cô con gái thứ hai có hai bằng đại học kinh tế và sư phạm, cậu út đang học trường sĩ quan.

Từng nhiều lần tiếp xúc với ông Dũng, thầy Trần Đình Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê đánh giá ông là người đức độ, hiền lành, luôn giúp đỡ người nghèo. “Năng lực của ông Dũng thì đã có học sinh thẩm định, tôi khâm phục ông bởi sự cần cù, tận tụy với công việc”, thầy Hùng nói.

Trong nhiều năm dạy học, ông Dũng từng được tặng Bằng khen của Thủ tướng về điển hình tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Kỷ niệm chương của Chủ tịch Hà Tĩnh, Bằng khen của các cấp về sự nỗ lực vượt khó vươn lên đóng góp cho xã hội.

Đức Hùng/ VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP