Đền ơn - Đáp nghĩa

Hà Tĩnh: Người cựu chiến binh suốt 10 năm băng rừng, vượt suối đi tìm đồng đội

Dù mang trong mình vết thương chiến tranh nhưng hơn 10 năm qua, người cựu chiến binh ở Hà Tĩnh đã không quản ngại trèo đèo, lội suối tìm đến những nơi đồng đội đã ngã xuống.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm về nhà cựu chiến binh Nguyễn Như Trinh (60 tuổi, trú thôn 5, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) –  Nguyên Trưởng ban liên lạc tình nghĩa, tình báo quốc phòng Hà Tĩnh. Người đã dành trọn suốt 10 năm đi tìm những đồng đội ngã xuống.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, treo đầy huân, huy chương và những kỷ vật thời chiến tranh, mắt ông Trinh đỏ hoe, ngân ngấn lệ nhắc đến những người đồng đội của mình: “Tôi còn sống và trở về đoàn tụ với gia đình đã là một điều quá may mắn so với đồng đội”.

hatinh24h
Hà Tĩnh: Người cựu chiến binh suốt 10 năm băng rừng, vượt suối đi tìm đồng đội

Năm 1974, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Như Trinh lên đường nhập ngũ, ngày ấy ông tham gia chiến trường ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 74, Tổng cục Quốc phòng, Cục nghiên cứu Bộ tham mưu.

Là lính trinh sát tình báo, ông cùng với đồng đội phải đột nhập đồn địch vẽ sơ đồ các trận đánh, sau đó quay trở ra báo cáo Tổng cục. Dù đã vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, thậm chí năm 1975, ông còn bị thương nặng, nhưng có lẽ may mắn, vết thương không lấy đi mạng sống của ông.

Hòa bình lập lại, ông trở về với cuộc sống đời thường nhưng vết thương chiến tranh tái phát, khiến ông đau nhức nhối. Ngày này qua năm khác ông phải đi chữa chạy hết bệnh viện này qua bệnh viện khác.

Thế rồi ông trời cũng không phụ lòng người, sau hơn 13 lần chạy chữa cuối cùng ông cũng được ra viện.

Nặng lòng với đồng đội

Từng là lính tham gia những trận chiến ác liệt tại chiến trường, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh và sau này về công tác tại địa phương, trên cương vị là Trưởng ban liên lạc tình nghĩa, tình báo quốc phòng tỉnh, ông nghĩ mình phải có một phần trách nhiệm với anh em, đồng đội đã ngã xuống.

Nghĩ là làm, năm 2006, ông Trinh lên huyện xin thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Tổng cục 2 và bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt đồng đội. Từ đó hằng ngày trên chiếc bàn nhỏ, ông cần mẫn nghiên cứu hồ sơ, địa hình, nơi các trận đấu diễn ra để có thể xác định được vị trí mà các đồng đội của mình đã ngã xuống.

Sau khi tìm hiểu, ông đã có hàng chục chuyến đi đến chiến trường cũ, nghĩa trang liệt sỹ các tỉnh Quảng Trị cho đến Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh kể cả sang chiến trường Lào, Campuchia. Cũng từ những chuyến đi này, đã có hàng chục gia đình tìm được mộ của người thân.

Ông Trinh nhớ lại, thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Đình Thục, (hy sinh ở Dốc Miếu Quảng Trị), bà Đặng Thị Cháu mẹ của liệt sỹ đã đi tìm suốt 8 năm trời nhưng không có kết quả.

Năm 2009, ông Trinh đã đến gặp gia đình bà Cháu, lục lại tất cả hồ sơ, để xác định chính xác địa điểm hy sinh. Đến năm 2010, ông Trinh đã tìm được phần mộ có tên là Nguyễn Đình Thục nhưng không có địa chỉ, nên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị không chấp nhận và yêu cầu phải tìm được người làm chứng. Sau đó, ông lại phải lặn lội ra Bắc tìm lại các đồng đội năm xưa để xác nhận. Và đến năm 2012, ông Trinh mới hoàn tất thủ tục đưa hài cốt liệt sỹ về quê an táng.

d1939de3-8ac5-4722-9ef3-52c1410c064c-0817

Ông Nguyễn Như Trinh cùng người thân đưa hài cốt đồng đội về với đất mẹ. Ảnh: từ tư liệu

Dù đi đến đâu ông đều được cán bộ và người dân các địa phương tận tình giúp đỡ trong việc tìm mộ liệt sỹ thế nhưng công việc này cũng đầy gian nan và vất vả. Trong những chuyến đi ấy, có lần ông bị tai nạn, có lần bị người xấu trấn lột, có lần ốm suýt chết,.. Vượt qua tất cả người cựu chiến binh vẫn không từ bỏ công việc này, chỉ mong sao tìm được đồng đội.

Tính đến nay ông Nguyễn Như Trinh đã tìm thấy 46 mộ, hài cốt liệt sỹ là con em Hà Tĩnh đã chiến đấu hy sinh trên các chiến trường. Riêng huyện Cẩm Xuyên có hơn 50 người thì hơn nửa số phải nằm lại nơi chiến trường.

Ngoài tâm niệm của bản thân, vợ ông là bà Nguyễn Thị Vân, trước đây là chiến sỹ dân quân Hỏa tuyến, tại chiến trường miền Bắc, luôn động viên, khích lệ và ủng hộ ông trong việc tìm mộ liệt sỹ. Nhờ vậy ông có thêm động lực và dồn hết tâm huyết để tìm kiếm đồng đội.

2d6d0f71-a59c-4948-89eb-91fe656b0812

 Ông Nguyễn Như Trinh được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương chiến công cao quý

Không chỉ việc đi tìm mộ liệt sỹ, ông Trinh còn tham gia tích cực các hoạt động nghĩa tình đồng đội, với tâm niệm chia sẻ khó khăn với những gia đình của đồng chí, đồng đội của mình để họ ổn định cuộc sống.

Cụ thể năm 2009, ông đến thăm nhà bà Luận ở xã  Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, chứng kiến cảnh nhà rách, vách nát, không có tiền chữa bệnh hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, ông đã đi vận động, quyên góp được số tiền gần 60 triệu đồng, phối hợp với chính quyền địa phương xây cho bà một căn nhà khang trang.

Từ đó đến nay, ông đã vận động, quyên góp và đã xây được 6 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sỹ và hàng nghìn suất quà được trao tận tay cho những gia đình thương binh có hoàn cảnh khó khăn, những nạn nhân chất độc màu da cam.

Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn những mảnh đời bất hạnh gánh chịu hậu quả nặng nề của nó. Người thân vẫn ngày đêm mong đợi các chiến sỹ trở về, dù sự trở về ấy chỉ là một nắm tro, một vài hiện vật nhưng cũng làm cho người thân các anh ấm lòng và vơi đi niềm thương nhớ.

Phan Hiếu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP