Gặp những sản phụ vui sau lần “vượt cạn”
Người phụ nữ vừa mới sinh con cách đây ba ngày, giờ đã nở nụ cười mãn nguyện, khi nhìn đứa con trai của mình đang chóp chép đôi môi hồng. Chị tên là Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1989, quê ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà). Chồng chị làm nghề đi biển, hiện vẫn đang theo đoàn thuyền đánh cá. Khi chị trở dạ sinh con, mọi sự đều phó thác cho bà nội tuổi đã ngoài sáu mươi. Bà Hòa, mẹ chồng chị Hiền thủ thỉ: “Con dâu tôi vốn tính siêng làm, buổi sáng nó còn quảy gánh ra chợ bán rổ cá nướng, trưa về đang ngồi ăn cơm thấy hiện tượng thai quẫy mạnh. Thế là cả hai mẹ con chuẩn bị hành lý rồi thuê tắc-xi vào viện lúc ba giờ chiều. Chín giờ đêm nó đẻ”.
Chị Hiền cho biết: Lúc mới vào chị cảm thấy ái ngại, bởi sản phụ đến chờ sinh khá đông, mình lại dân ở quê lên, mọi thủ tục còn đang lúng túng. Nhưng Trưởng Khoa Sản, bác sĩ Nguyễn Lương Phụ đã trực tiếp trao đổi với chị Hiền: “Thai của chị rất khỏe, chúng tôi đã khám kỹ rồi, mọi thứ nhân viên trong khoa sẽ làm cẩn thận chu đáo…”.
Dường như chăm sóc sản phụ với thái độ ân cần và niềm nở đã trở thành một nét đẹp hằng ngày của tập thể y sĩ, bác sĩ tại bệnh viện này. Dẫu vất vả bao nhiêu cũng chưa bao giờ thấy gương mặt các y sĩ, bác sĩ ở đây cau có hay tỏ ý phật lòng khi người bệnh rên rỉ vì đau. Với họ, gặp những trường hợp đến sinh: sản phụ khỏe, thai khỏe thì đó là điều may mắn cho cả hai phía. Trong nhiều năm qua, Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Thạch Hà ít để xảy ra những trường hợp sản phụ gặp sự cố.
Còn nhớ vào tháng 7-2013, chị Hồ Thị Thu (33 tuổi) một diêm dân tại xã Thạch Bàn bị có thai ngoài tử cung. Lúc nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch. Mặc dù gia cảnh của chị Thu rất gieo neo nhưng được sự giúp đỡ của ban giám đốc, tập thể y sĩ, bác sĩ của bệnh viện chị Thu đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Một trường hợp khác xảy ra vào ngày 25-3-2014, sản phụ là Nguyễn Thị Thư (sinh năm 1991, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc). Chị Thư khi trở dạ sinh con tại Trạm Y tế xã Xuân Lộc. Sản phụ sau khi sinh khoảng 12 giờ có hiện tượng bị tụ máu và chảy máu âm đạo. Lúc nhập viện huyết áp 60/40, mạch đập nhỏ. Biết đây là ca rất nguy kịch cho nên đội ngũ thầy thuốc Khoa Sản tích cực xử lý việc cầm máu cho người bệnh. Ðể giúp người bệnh sớm phục hồi, hai sinh viên cao đẳng đang thực tập tại bệnh viện đã tự nguyện hiến máu. Nhờ nghiệp vụ cao và xử lý các trường hợp kịp thời cho nên hệ số an toàn của các bà mẹ tại Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Thạch Hà đứng đầu danh sách so với các bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh. Chỉ tính riêng năm 2013 có tới 1.600 ca sản phụ đến sinh con, trong đó 600 ca mổ đều bảo đảm an toàn.
Ðổi mới để đáp ứng đòi hỏi của dân
Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Hoàng Thanh Lực cho biết: “Với tổng mức đầu tư hơn 37 tỷ đồng, đến nay việc xây dựng bệnh viện đã hoàn thành. Trong đó có một dãy nhà ba tầng để bố trí cho các khoa: khám bệnh, xét nghiệm và khu hành chính quản trị. Các dãy nhà một tầng dành cho khoa truyền nhiễm, khoa chống nhiễm khuẩn”. Bác sĩ Lực giải thích thêm: “Ðây là công trình phục vụ lợi ích lâu dài cho dân, do vậy chủ đầu tư và đơn vị thi công không chạy đua theo tiến độ mà làm hạng mục nào chắc hạng mục đó. Công trình phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan nhất là việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất rắn. Tránh tình trạng gây ô nhiễm về môi trường chung quanh”.
Ðược sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, đơn vị đã mua được các thiết bị hiện đại cần thiết phục vụ việc khám và điều trị người bệnh như máy mổ nội soi, máy siêu âm, lồng ấp trẻ sơ sinh… Chính nhờ có thêm thiết bị mới hiện đại nói trên đã tạo điều kiện cho các bác sĩ phát huy tay nghề, nâng cao kỹ thuật, chẩn đoán cho người bệnh nhanh chóng và chính xác hơn.
Nhằm giảm bớt những phiền hà cho nhân dân khi tới bệnh viện khám, trong ba năm qua, đơn vị đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính bằng việc triển khai hệ thống phòng khám đủ các chuyên khoa; cử các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao trực tiếp tại phòng khám; tổ chức bàn đón tiếp bệnh nhân đến khám, hướng dẫn người bệnh làm các thủ tục nhanh gọn.
Không chỉ đổi mới về y đức và cơ sở vật chất, Bệnh viện đa khoa Thạch Hà đã tích cực ứng dụng các kỹ thuật mới trong công tác điều trị. Ðơn vị đã phối hợp với chuyên gia đầu ngành Bệnh viện trung ương Huế, Hà Nội… hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật và đã thực hiện thành công các phương pháp phẫu thuật mới như cắt trĩ long gô, mổ phẫu thuật thoát vị bẹn có mảnh ghép kết hợp xương đùi. Ðặc biệt, tháng 3-2014, Khoa Ngoại bệnh viện đã triển khai kỹ thuật nội soi cắt túi mật, cắt ruột thừa, khâu lỗ thủng dạ dày, cắt u nang buồng trứng…
Nâng cao y đức, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, ứng dụng công nghệ hiện đại… là những việc làm thiết thực để người bệnh tin tưởng vào bệnh viện tuyến huyện không phải vượt tuyến lên bệnh viện tỉnh, trung ương khi điều trị những bệnh không phức tạp.