Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: “Người bệnh đã níu kéo tôi với nghề điều dưỡng”

Tốt nghiệp Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh năm 1990, anh Thắng về tập sự tại Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh và sau đó chính thức được điều về công tác tại Phòng khám Đa khoa khu vực Bắc Kỳ Anh. Tuổi trẻ bước vào nghề lòng tràn trề nhiệt huyết với hăm hở sẽ đem tất cả những gì mình học được trên ghế nhà trường vào phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn lại còn cả một khoảng cách. Khoảng thời gian mới bước vào nghề, ngày ngày chứng kiến anh chị em điều dưỡng làm việc một cách thụ động, chỉ biết làm theo y lệnh đã làm anh nản lòng. Đã có những lúc anh thấy tư ti, mặc cảm với chính cái nghề của mình.

Đó là tâm sự từ đáy lòng của Thạc sỹ Nguyễn Việt Thắng – Phó phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế, người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề điều dưỡng trên nhiều cương vị khác nhau. Với anh Thắng, không ai khác mà chính người bệnh đã giúp anh nhận thấy chân giá trị của nghề điều dưỡng để từ đó anh làm việc với niềm khát khao, đam mê…

Nguyễn Việt Thắng sinh năm 1968, quê ở Kỳ Phú (Kỳ Anh).  Thuở nhỏ, anh Thắng ước mơ lớn lên được trở thành luật sư hay một cử nhân văn học nhưng “số phận run rủi” (theo cách nói của anh) đã đưa anh đến với nghề điều dưỡng.

Thạc sĩ  Nguyễn Việt Thắng chuẩn bị cho Hội thi Điều dưỡng,
Hộ sinh giỏi ngành y tế năm 2015

Trong câu chuyện với tôi, anh Thắng nhớ lại: “Hồi ấy, nhiều đêm tôi đã không ngủ được, đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề vì cảm thấy nghề điều dưỡng không có giá trị, chỉ là người làm theo, nhưng rồi chính người bệnh, với nỗi đau đớn, khó khăn của họ đã đánh thức trách nhiệm trong tôi. Từ đó, tôi bắt đầu làm việc bằng cả tấm lòng. Tôi vui khi thấy người bệnh vượt qua cơn đau, được trở về với cuộc sống; vui vì người bệnh được chăm sóc tốt. Và chính từ những niềm vui nho nhỏ hàng ngày ấy đã giúp tôi hiểu rằng: “không có nghề hèn mà chỉ có người hèn. Mỗi nghề nghiệp đều có giá trị riêng của nó, cái chính là mình sống và làm việc như thế nào?”; và “muốn được người khác đánh giá đúng và tôn trọng thì trước hết mình phải khẳng định mình bằng công việc”…

Từ suy nghĩ đến hành động và chẳng mấy chốc điều dưỡng viên Nguyễn Việt Thắng đã nhanh chóng được mọi người biết đến bởi “tiếng lành đồn xa”. Chỉ sau 2 năm vào nghề, anh đã được Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh đề cử vào BCH Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh.

Năm 2001, Nguyễn Việt Thắng được Sở Y tế điều về giảng dạy bộ môn điều dưỡng tại Trường Trung cấp (bây giờ là Trường Cao đẳng) Y tế Hà Tĩnh. Cùng với việc giảng dạy kiến thức chuyên môn cho học sinh, từ trải nghiệm bản thân, anh đã cố gắng giúp học sinh, sinh viên “lấp lỗ hổng” về nhận thức, trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp, lòng yêu nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường bằng cách “nói thật” với học trò về chuyện nghề nhưng không bôi đen để giúp các em có cái nhìn thực tiễn, để có suy nghĩ đúng đắn và chín chắn hơn; kể cho các em nghe về những cống hiến to lớn của các thế hệ điều dưỡng Việt Nam trong hành trình chăm sóc sức khỏe, về những sự hy sinh thầm lặng của những điều dưỡng viên đang ngày đêm miệt mài chăm sóc sức khỏe cho người dân hôm nay; về những tấm gương điều dưỡng vượt khó để trở thành thạc sỹ, tiến sỹ… Đặc biệt, với vai trò là một nhà giáo, anh đã giáo dục học sinh bằng cách “nêu gương”. Trong các giờ học thực hành lâm sàng tại bệnh viện, anh luôn “nhập vai” với hình ảnh  người điều dưỡng viên tiêu biểu để cho các em học sinh học tập, từ giao tiếp với người bệnh khi vào buồng bệnh, cách cư xử ân cần, thân thiện khi người bệnh và người nhà người bệnh cần giúp đỡ cũng như trong hướng dẫn thao tác kỹ thuật đối với người bệnh, nhẹ nhàng nhưng phải chính xác.

Với niềm đam mê và tâm huyết, năm 2003, Nguyễn Văn Thắng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội điều dưỡng Hà Tĩnh. Trong điều kiện làm việc “4 không” (không kinh phí, không văn phòng, không biên chế và không phương tiện thiết bị) nhưng Chủ tịch Hội Điều dưỡng vẫn hăng say, miệt mài, chăm lo “kết nối” đoàn kết, nghĩa tình đồng đội. Nhờ vậy, Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh vẫn duy trì hoạt động thường xuyên và phát huy được vai trò tổ chức Hội.

Tháng 8 năm 2012, anh Thắng tiếp tục được điều chuyển công tác, giữ chức vụ Phó Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế. Cương vị mới, vai trò, nhiệm vụ mới, anh Thắng lại đóng góp cho công tác điều dưỡng ở một phương diện khác. Anh đã tham mưu cho Sở Y tế hoàn thiện các quy định về công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện; quy trình kỹ thuật chuyên môn, hướng dẫn theo dõi, chăm sóc người bệnh… Ngoài nhiệm vụ chung, tranh thủ các ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, anh còn về tập huấn và hỗ trợ các hội thi tay nghề cho các bệnh viện, giúp các đơn vị KCB không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ điều dưỡng viên.

Anh Thắng tâm sự: “Trước đây có quan niệm người điều dưỡng là người phụ thuộc hoàn toàn vào bác sỹ và chỉ biết thực hiện y lệnh nhưng hiện nay để đáp ứng yêu cầu của công tác khám, chữa bệnh, người điều dưỡng còn có chức năng chủ động trong chăm sóc, theo dõi người bệnh, tư vấn – giáo dục sức khỏe, phát hiện, xử trí và báo cáo kịp thời các bất thường của người bệnh để góp phần đảm bảo an toàn cho người bệnh trong sử dụng thuốc, phẫu thuật, thủ thuật và phòng chống nhiễm trùng bệnh viện… Nếu người điều dưỡng không chủ động theo dõi, phát hiện, xử trí và báo cáo kịp thời các bất thường của người bệnh sẽ dẫn tới chậm trễ trong cấp cứu, có thể nguy hại tới tính mạng người bệnh. Bởi vậy, người điều dưỡng phải được đào tạo và đào tạo liên rục, phải có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm cao mới thực hiện tốt công việc”…

Và trong mỗi câu chuyện, mỗi tâm sự, anh Thắng đều thể hiện  tình yêu nghề chan chứa và lòng tư hào nghề nghiệp, trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng thế hệ điều dưỡng kế tiếp. Và tôi hiểu, không phải tự nhiên mà anh có được “trọn một tấm lòng” như thế, nó có tính quy luật như một vòng tuần hoàn, được “hun đúc” từ tình yêu thương người bệnh và trở về phục vụ người bệnh, dù có khác nhau về hình thức. Đó cũng chính là tấm lòng của người thầy thuốc đúng như lời của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.

Biện Nhung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP